Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT ĐỂ NGĂN CHẶN ÂM MƯU “BẺ CONG” PHÁP LUẬT

Sự gia tăng các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm đến nay làm tình hình khu vực hết sức căng thẳng, các nước ASEAN hết sức lo ngại. Trung Quốc hết cho tàu Hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, Philippines, lại liên tiếp có các hành động khiêu khích như hướng radar điều khiển vũ khí vào tàu chiến của Philippines, cản trở hoạt động tàu khảo sát địa chấn của Malaysia, đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, điều tàu đánh cá có tàu Hải cảnh đi cùng vào vùng biển Natuna của Indonesia… Những hành động trên của Trung Quốc đã tạo ra sự nghi ngờ ngày càng lớn của các nước trong khu vực, đặc biệt là Philippines, Malaysia và Indonesia đối với ý đồ của Trung Quốc, buộc các nước này phải điều chỉnh thái độ.

Philippines đã rút lại quyết định hủy bỏ Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) với Mỹ bởi lo ngại trước những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc. Điều này cho thấy Philippines có sự điều chỉnh trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, theo hướng duy trì liên minh với Mỹ trong khi làm chậm lại xu hướng thân thiện với Trung Quốc. Indonesia thì đã lên tiếng một cách rõ ràng trong vấn đề vùng biển Naruta.

Với ASEAN, dù không phải không còn những khác biệt, nhưng điểm nổi lên là các nước đều chủ trương tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Điều này thể hiện rõ trong bản Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 nhân hội nghị kết thúc hồi tháng 6-2020. Các lãnh đạo ASEAN đã khẳng định các bên phải “giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.

Trước đây, các tuyên bố chung của ASEAN chỉ đề cập chung chung là phải “phù hợp với luật pháp quốc tế”, nhưng nay vai trò của UNCLOS 1982 được đề cao và bất cứ chỗ nào trong văn bản có nhắc đến luật pháp quốc tế thì đều đi kèm với Công ước này. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi lâu nay, các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS.

Bằng việc gắn luật pháp quốc tế với UNCLOS 1982, ASEAN đã gián tiếp bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc, cũng như thể hiện thái độ ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Các nước ASEAN cũng thống nhất trong quan điểm về sự cần thiết đẩy nhanh việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời cho rằng đây sẽ là khuôn khổ quy phạm chuẩn mực cho cách ứng xử giữa các quốc gia trên vùng biển này, giúp ngăn ngừa sự cố và xây dựng niềm tin giữa các bên về vấn đề Biển Đông.

Dù các tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng vấn đề chính ở Biển Đông là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đã bị vi phạm nghiêm trọng. Việc ASEAN chọn thượng tôn pháp luật khác với lập trường “bẻ cong” pháp luật của Trung Quốc đang tạo ưu thế cho ASEAN về dư luận quốc tế, mở đường cho sự ủng hộ từ các nước như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ... đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

2 nhận xét:

  1. Trung Quốc phải thượng tôn pháp luật quốc tế

    Trả lờiXóa
  2. Hành động ngông cuồng của Trung Quốc trên biển đông chỉ làm mất đi vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế

    Trả lờiXóa