Lịch sử phát triển
của giáo dục và nhà trường qua các thời kì xã hội, đã chứng tỏ rằng trong xã
hội, có giai cấp thì giai cấp thống trị bao giờ cũng dành độc quyền về giáo
dục, dùng giáo dục làm công cụ, phương thức truyền bá tư tưởng chính
trị, đường lối chính sách và duy trì vị trí xã hội của mình. Do vậy, giai
cấp thống trị xã hội bao giờ cũng nắm lấy đội ngũ giáo viên, tìm mọi cách buộc
đội ngũ giáo viên trở thành người tuyên truyền tư tưởng, thực hiện ý đồ và bảo vệ
những quyền lợi của giai cấp thống trị. Xét trên quan điểm lịch sử, bất kì một
chế độ xã hội nào, một giai đoạn phát triển nào của nhân loại, mục đích
giáo dục vẫn là chuẩn bị một lớp người thay thế, là chăm sóc, dạy dỗ con
người..., cho nên, đội ngũ giáo viên trong xã hội ấy vẫn là lực lượng chủ yếu
thực hiện mục đích giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sứ mệnh cao
cả của mình, đã có nhiều thầy giáo dám đấu tranh với những bất công trong
xã hội, có những tư tưởng tiến bộ, những đóng góp lớn lao vì một nền giáo dục
tiến bộ. Họ là những tấm gương lớn về nhân cách của nhà giáo mà sử sách còn lưu
truyền đến hôm nay.
Bắt đầu từ chế độ
chiếm hữu nô lệ, giai cấp chủ nô đã dựng ra “ nhà trường” là nơi con cái chủ nô
đến để được chăm sóc, giáo dục, chủ nô cũng uỷ quyền cho một lớp người chuyên
môn làm nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục con cái họ - đó là thầy giáo. Thầy giáo
dạy trực tiếp cho trò theo hình thức dạy học cá nhân, mỗi thầy một trò... Giáo
dục nhằm tạo ra 2 lớp người trong xã hội: tầng lớp lao động trí óc thuộc về chủ
nô, tầng lớp lao động chân tay thuộc về người nô lệ và dân tự do...
Giai đoạn phát
triển tiếp theo của chế độ chiếm hữu nô lệ là chế độ phong kiến – xã hội có
giai cấp với hai giai cấp chính là địa chủ và nông dân ở phương Đông,
lãnh chúa và công nô ở phương Tây. Các triều đại phong kiến Trung Hoa- Quốc gia
phong kiến điển hình ở phương Đông -đều dựng ra trường học riêng để giáo
dục cho con cái của tầng lớp quý tộc. Do vậy, người thầy giáo trong xã hội
phong kiến cũng thực hiện mục đích giáo dục đào tạo con người nhằm phục vụ cho
lợi ích của tầng lớp trên của xã hội phong kiến.
Từ cuối thế kỉ XV
đến giữa thế kỉ XVII, ở các nước Tây Âu, giai cấp tư sản mới ra đời như là một
lực lượng tiến bộ xã hội chống lại giai cấp phong kiến, nhưng thực chất vẫn là
giai cấp bóc lột. Nhiều nhà giáo dục là đại biểu trung thành của giai cấp
tư sản và quý tộc mới trên con đường phát triển phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa, nhưng họ đã có những tư tưởng giáo dục tiến bộ như đề cao vai trò của
giáo dục; chủ trương giáo dục bình đẳng cho mọi trẻ em, giáo dục con người phát
triển toàn diện, coi trọng khoa tự nhiên và các phương pháp dạy học phát
huy tính tích cực của người học... Một số nhà giáo dục tiêu biểu của thời kì
này là: J. A. Cômexki ( 1592 – 1670), J. Locke ( 1632- 1704), J.J.Ruxô( 1712 –
1778)...
Cuối thế kỷ XIX,
đầu thế kỉ XX, các nước tư bản chủ nghĩa phát triển ở phương Tây chuyển sang
giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Chủ nghĩa đế quốc xuất hiện làm cho mâu thuẫn vốn
có giữa giai cấp tư sản và vô sản càng thêm sâu sắc. Giáo dục thời kì đế quốc
chủ nghĩa hết sức đa dạng nhưng mục đích chung là chuẩn bị cho trẻ em của giai
cấp tư sản có đủ năng lực để quản lý nhà nước và quản lý nền kinh tế – sản xuất
hiện đại. Do đòi hỏi của nền sản xuất công nghiệp phát triển buộc giáo
dục tư sản lúc này phải chuẩn bị cho người lao động vốn tri thức và kỹ
năng tối thiểu để có thể trở thành người lao động làm thuê nhằm đem lại lợi
nhuận cao nhất cho chủ. Phong trào “ nhà trường mới” ra đời với việc tổ chức,
nội dung, phương pháp và đầu tư cho giáo dục đều ưu việt hơn nhằm nâng cao chất
lượng giáo dục để chuẩn bị một lớp người kế tục sự nghiệp quản lý nhà nước tư
bản chủ nghĩa. Như vậy, “ Nhà trường mới” chỉ là trường học dành riêng cho tầng
lớp trên của xã hội tư bản và một bộ phận giáo viên thuộc tầng lớp trên làm
việc trong các nhà trường này cũng trung thành với mục đích đào tạo con người
phục vụ giai cấp tư sản.
Chủ nghĩa Mác ra
đời là một tất yếu lịch sử do những đòi hỏi của thực tế khách quan để phát
triển xã hội loài người. Học thuyết Mác bao gồm triết học Mác xít, chủ
nghĩa xã hội khoa học và kinh tế chính trị Mác xít là vũ khí tư tưởng, vũ khí
luận và là kim chỉ nam cho hành động của giai cấp vô sản thế giới trong cuộc
đấu tranh tự giải phóng và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa cộng sản. Học
thuyết giáo dục của Mác – ăng nghen là một bộ phận của chủ nghĩa cộng sản khoa
học, nó được hoàn thiện dần bằng tư tưởng giáo dục vĩ đại của V.I.
LêNin, của các nhà giáo dục xã hội chủ nghĩa, trước hết là các nhà giáo
dục Xô Viết.
Như vậy, giáo dục
là một hiện tượng xã hội, hiện diện trong tất cả mọi chế độ, mọi giai đoạn phát
triển của lịch sử. Do vậy, dù khác nhau về địa lý, lịch sử, truyền thống, dù
được đặt vào những vị trí khác nhau trong từng chế độ xã hội.... nhưng vai trò,
tác dụng của người giáo viên vẫn được khẳng định và đánh giá cao trong lịch sử
giáo dục của nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét