Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN XƯA VÀ NAY

Trong bất kỳ xã hội nào, bất kỳ giai đoạn phát triển  nào của nhân loại, đội ngũ giáo viên đều đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi vì họ là những người trực tiếp làm công tác giáo dục - đào tạo thế hệ tương lai. Xã hội loài người đã trải qua nhiều chế độ xã hội khác nhau, nhiều phương thức sản xuất khác nhau, vị trí, vai trò của người giáo viên trong từng chế độ đó cũng được quan niệm khác nhau, nhưng ý nghĩa xã hội to lớn của nghề dạy học là không ai phủ nhận được.
J.A.Cômen xki đã gọi người giáo viên là người “ chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh”, “ sợi dây chuyền giữa các thế hệ” và coi chức vụ mà xã hội trao cho người giáo viên là chức vụ quang vinh mà dưới ánh mặt trời này không có chức vụ nào ưu việt cho bằng. A.Đixtecvec nhận định: “chính giáo viên là những người gieo hạt giống, không có giáo viên thì thế giới sẽ lùi lại chỗ dã man. K.Đ.Usinxki cũng đã khẳng định: “sự nghiệp dạy học trông bề ngoài thì bình thường, nhưng đó là sự nghiệp vĩ đại nhất của lịch sử loài người” ... Nhiều lời ca ngợi và nhiều danh hiệu cao quý được trao cho người giáo viên: “ Người kỹ sư tâm hồn”; “viên kim cương của nhân loại”, “ người gieo hạt giống vàng của chân lý”, “ nhà kiến trúc mẫu người tương lai của đất nước”…
Nước ta có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống đó vẫn được bảo tồn và phát triển, người giáo viên vẫn luôn được nhân dân yêu mến và ca ngợi. Từ xưa đến nay, trong dân gian ai cũng thuộc câu: “ không thày đối mày làm nên”, “ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”: Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy... Cả đến khi công thành doanh toại, người ta cũng nhắc nhau: “ Mười năm rèn luyện sách đèn, công danh gặp bước chớ quên ơn thầy”
Ở thời kỳ phong kiến - khi mà tri thức là thầy, thầy là tri thức, thầy có quyền ban phát tri thức cho người học. Thì thời đại ngày nay, tri thức không còn nằm độc quyền trong tay người thầy nữa mà bản thân người học có thể tìm kiếm tri thức ở nhiều nguồn khác nhau, người thầy lúc này chỉ là người cầu nối, là một trong những kênh để cung cấp tri thức cho người học.
 Do vậy trong thời đại ngày nay, giáo dục luôn được xem là động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, vai trò của người giáo viên đặc biệt được coi trọng, chức năng của người giáo viên có nhiều thay đổi và yêu cầu đối với nhân cách người giáo viên cũng ngày càng cao hơn. Ở nước ta, trong suốt cuộc đấu tranh trường kỳ giữ nước và dựng nước, nhân dân ta, Đảng và nhà nước ta luôn luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy. Đội ngũ giáo viên đã không quản khó khăn gian khổ, vượt qua mọi thiếu thốn có mặt trên khắp mọi miền đất nước, cống  hiến toàn bộ tài năng cho sự nghiệp “ trồng người”, góp phần vào sự nghiệp chung.
Ngày nay,  trước xu thế đổi mới của thế giới-  thời đại của khoa học- công nghệ hiện đại.  Đất nước Việt Nam  đang bước vào giai đoạn phát triển mới- một xã hội công nghiệp, hiện đại, văn minh, công bằng,  thì  vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, của người giáo viên đã có sự thay đổi cơ bản. Người giáo viên của thế kỷ XXI phải được đào tạo ở trình độ cao về học vấn cả về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn và khoa học giáo dục; phải nắm vững phương pháp dạy học theo xu thế dạy học lấy học sinh làm trung tâm; phải được trang bị những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin và ứng dụng vào trong quá trình dạy học. Người giáo viên không chỉ thực hiện chức năng dạy học, giáo dục mà còn là một nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà đạo đức, nhà hoạt động xã hội....Muốn có một đội ngũ giáo viên như vậy, cần “phát triển đội ngũ nhà  giáo”, trong đó đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục hiện nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét