Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA NĂM 1917

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi là sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh các giai cấp, các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới và đã vạch ra con đường giải phóng cho các giai cấp, các dân tộc bị áp bức trên hành tinh. Thắng lợi vĩ đại ấy không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn, để lại cho cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam nhiều bài học quý:
Bài học đồng thời giải quyết tốt hai nhiệm vụ giải phóng dân tộc và giai cấp; chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa vô sản quốc tế cao cả.  Cách mạng Tháng Mười Nga đã biết chớp thời cơ “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”, phát huy chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa vô sản quốc tế cao cả, thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc tế vô sản. Liên Xô thực sự trở thành căn cứ địa, thành trì cách mạng thế giới. Các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vào giai đoạn những năm 1970 -1980, cơ chế quan hệ, hợp tác và tính hiệu quả trong tương trợ, giúp đỡ giữa các nước xã hội chủ nghĩa chưa tốt đã phần nào hạn chế đến sức mạnh của mỗi nước và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Bài học về tính tất yếu phải liên minh giai cấp công nhân- nông dân. Cách mạng Tháng Mười đã xây dựng được khối liên minh công - nông, nhất là liên minh với những người nông dân mặc áo lính, nhờ đó vừa đã phân hoá, làm tan rã kẻ thù vừa tăng cường được lực lượng cách mạng đã làm nên một cuộc cách mạng “Mười ngày rung chuyển thế giới”. Trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, khối liên minh công – nông – trí đã không ngừng được củng cố, tăng cường, góp phần làm nên sức mạnh Xô viết. 
Bài học về sử dụng bạo lực kiên quyết, triệt để, mau lẹ để giành và giữ chính  quyền. Trong Cách mạng Tháng Mười, khi kẻ thù đã sử dụng bạo lực để đàn áp cách mạng, Lênin và Đảng Bônsêvích Nga đã chỉ đạo sử dụng bạo lực, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Quyết định mau lẹ, quyết đoán, sáng tạo, kịp thời đó là một trong  những nguyên nhân quan trọng làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Mười. Trong 70 năm tồn tại, Đảng Cộng sản, Nhà nước Liên Xô luôn chú trọng xây dựng quân đội và hải quân hùng mạnh để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên vào giai đoạn  những năm 1970 – 1980, nhất là trong cải tổ vấn đề này chưa được quan tâm và giải quyết đúng, nên đã phải trả giá đắt. Hiện nay, các thế lực thù địch luôn đe dọa sử dụng vũ lực chống phá cách mạng, thì các đảng cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa càng phải tăng cường sức mạnh quốc phòng – an ninh để bảo vệ vững chắc tổ quốc mình. 
Bài học về đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng chống cộng, cơ hội, xét lại. Trong suốt quá trình đấu tranh giành chính quyền, xây dựng, phát triển đất nước, Lênin, Đảng Bôn sê vich Nga, Đảng Cộng sản Liên Xô đã đấu tranh không khoan nhượng với các trào lưu tư tưởng chống cộng của các đế quốc; tư tưởng cơ hội xét lại trong các phái: Mensevích, Khơrútsốp… Tuy nhiên, trong giai đoạn cải tổ, các tư tưởng chống cộng điên cuồng trong chiến lược diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc; tư tưởng cơ hội, xét lại của Goocbachốp, Enxin... không được nhận diện kịp thời và đấu tranh kiên quyết nên đã làm phân liệt, tan rã Đảng Cộng sản, Nhà nước Xô viết. Hiện nay, các tư tưởng chống cộng, cơ hội xét lại xuất hiện càng ngày càng nhiều thì càng đòi hỏi các Đảng Cộng sản cảnh giác, chủ động đấu tranh, loại bỏ nó.
Bài học về tính tất yếu phải có chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Đảng Bônsêvích Nga lãnh đạo là một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, của chiến tranh Vệ quốc và xây dựng phát triển đất nước. Đảng đã nắm vững tình thế, thời cơ cách mạng; xác định rõ mục tiêu, lực lượng, phương pháp cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, chiến đấu bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước đạt nhiều thành tựu mọi mặt, làm thay đổi bộ mặt hành tinh, buộc chủ nghĩa đế quốc phải điều chỉnh, thích ứng. Tuy vậy, về sau nhất là vào những năm 1970 - 1980, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phạm phải không ít sai lầm, sai lầm nghiêm trọng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, vì không thực hiện đúng học thuyết xây dựng đảng kiểu mới của V.I.Lênin như: vi phạm dân chủ, quan liêu, bao biện làm thay nhà nước, tham nhũng; cải tổ không đúng nguyên tắc, xa rời, từ bỏ hệ tư tưởng của Đảng - chủ nghĩa Mác – Lênin…và đã phải trả giá đắt – đó là sự sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa. Đây là bài học đắt giá cho các đảng cộng sản trên thế giới nghiên cứu, khắc phục. Đảng cộng sản lãnh đạo nhà nước, xã hội là thành tựu, là giá trị và là vấn đề có tính quy luật mà chế độ xã hội Xô-viết đã sáng tạo ra. Mỗi khi dao động, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản thì chế độ xã hội chủ nghĩa có nguy cơ bị tiêu diệt. Lịch sử Liên- Xô và bài học trong cải tổ đã cho chúng ta nhận thức rõ hơn vấn đề này.




[1] Hồ Chí Minh,Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG. H. 1995, tr.280.
[2]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG. H. 1995, tr.266
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG. H. 1995, tr.268.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG. H. 1995, tr.280

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét