Sau khi
mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, trong trào lưu XHCN dân chủ
đã xuất hiện tư tưởng "chủ nghĩa dân chủ - xã hội ” hay còn gọi là “con
đường thứ ba”. Tuy vậy, nó vẫn gắn với trào lưu CNXHDC. Thuật ngữ "chủ
nghĩa dân chủ - xã hội” (CNDCXH), để chỉ tư tưởng hay trào lưu dân chủ - xã
hội. Thuật ngữ này hiện nay được các đảng dân chủ - xã hội Tây Âu sử dụng khá
phổ biến. Tư tưởng chủ nghĩa dân chủ-xã hội gắn liền với Tuyên ngôn Cương lĩnh
của “Quốc tế XHCN” năm 1951. Theo đó: "Chủ nghĩa xã hội là một phong trào
quốc tế, không đòi hỏi sự thuần nhất nghiêm ngặt của các quan điểm. Bất kể cơ
sở niềm tin của những người xã hội là phương pháp mácxít hay một phương pháp
nào khác để phân tích xã hội, bất kể những người xã hội được khích lệ bởi những
nguyên lý tôn giáo hay những nguyên lý nhân đạo chủ nghĩa, mọi người XHCN đều
cố sức đạt một mục đích duy nhất: tiến tới một xã hội công bằng, một đời sống
tốt hơn, tự do và hòa bình trên toàn thế giới ".
Mô hình
“con đường thứ ba” trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế đang thu hút sự quan
tâm, chú ý của các nhà lý luận và hoạt động chính trị ở phương Tây. Có thể thấy
nó có một số đặc điểm cơ bản sau:
- Lấy
cân bằng giữa tác dụng của thị trường và sự điều tiết của nhà nước làm nguyên
tắc để tạo ra nền kinh tế mới; - Lấy cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi làm
nguyên tắc để xây dựng hệ thống phúc lợi mới; - Lấy cân bằng giữa hiệu quả kinh
tế và công bằng xã hội làm nguyên tắc để đề xuất chính sách mới; - Lấy cân bằng
giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế làm nguyên tắc trong thực thi chính
sách đối ngoại.
Có thể
khẳng định, mô hình “con đường thứ ba” là một sự thỏa hiệp chính trị giữa chủ
nghĩa tư bản (CNTB) tự do và CNXHDC. Thực chất đây là một phong trào tư tưởng
- chính trị ở các nước CNTB vượt ra ngoài cả “tả” và “hữu” trong điều kiện toàn
cầu hóa nhằm khắc phục những vấn đề nội tại của chính xã hội tư sản.
Từ đầu
thập niên 1990, nhìn chung thì trong tư tưởng của các đảng dân chủ - xã hội Tây
Âu có 3 xu hướng chính hay có thể gọi là 3 mô hình "con đường thứ
ba":
-
"Mô hình xã hội" dựa vào Nhà nước là chính. Đây là sự lựa chọn của
Đảng XHCN Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Bỉ. Những giá trị mấu chốt
của mô hình này là đoàn kết, phân phối và bình đẳng.
- Mô
hình "con đường thứ ba" của Công đảng Anh dưới thời T.Bler, gần như
trực tiếp đối xứng với "mô hình xã hội" của Đảng XHCN Pháp. Sự lựa
chọn của Công đảng Anh có nhiều điểm giống quan điểm "con đường thứ
ba" của Hội đồng dân chủ thuộc Đảng dân chủ Mỹ dưới thời B.Clintơn, A.Gor
và Libơman lãnh đạo. Qua đó có thể thấy xu hướng mở rộng của trào lưu dân chủ -
xã hội bao gồm các đảng dân chủ.
-
"Mô hình sông Ranh" của Đảng dân chủ - xã hội Đức, với quan điểm
"thị trường xã hội" phát triển dựa trên sự kết hợp giữa giới chủ
doanh nghiệp với tổ chức công đoàn trong việc quản lý doanh nghiệp, và phát
triển hệ thống bảo hiểm xã hội, gồm: sự tham gia của các doanh nghiệp, người
tham gia bảo hiểm xã hội cũng như vai trò điều tiết của Nhà nước.
Những
"mô hình" trên đây phản ánh nỗ lực "đổi mới tư duy" của các
đảng dân chủ - xã hội Tây Âu. Trong tuyên bố "Châu Âu: con đường thứ ba,
trung dung mới" vào năm 1999, Đảng dân chủ - xã hội Đức kêu gọi các đảng
dân chủ - xã hội châu Âu hãy tận dụng "cơ hội lịch sử để hiện đại hóa châu
Âu". "Cơ hội lịch sử" được nói ở đây là trong thập niên 1990 có
14/15 quốc gia thành viên lúc đó thuộc Cộng đồng châu Âu do các đảng dân chủ -
xã hội kiểm soát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét