Đất nước ta luôn tự
hào với truyền thống ngàn năm văn hiến. Lịch sử dân tộc ta ghi nhiều trang oanh
liệt, văn chương và tư tưởng Việt Nam có vẻ đẹp riêng, khoa học kỹ thuật Việt
Nam vẫn đúc kết nên những kinh nghiệm nhất định...Tất cả những thành quả ấy là
do sức sống, do bản lĩnh của nhân dân, trong đó có phần của những thầy giáo qua
các thời đại.
Ở nước ta, trong xã
hội cũ trước năm 1945 ( xã hội phong kiến và thời kỳ Việt Nam bị nước ngoài đô
hộ), giai cấp thống trị cũng luôn ý thức một cách sâu sắc vai trò, ý nghĩa của
giáo dục nên cũng luôn tìm cách nắm lấy đội ngũ giáo viên, buộc họ phải
thực hiện ý đồ chính trị, tư tưởng đạo đức của giai cấp mình. Trong cuộc đấu
tranh gây gắt giữa các giai cấp về giáo dục, đội ngũ giáo viên bị phân hoá
thành hai bộ phận: một bộ phận giáo viên làm việc trong các nhà trường dành cho
con em giai cấp thống trị, do vậy, họ có điều kiện sống và làm việc thuận lợi
hơn; đại bộ phận giáo viên làm việc trong các nhà trường dành cho con em nhân
dân lao động thì có cuộc sống vật chất khó khăn, không được tôn trọng về mặt
pháp lý, bị coi thường, luôn phải chịu đựng những bất công...Tuy nhiên, trong
hoàn cảnh chung đó, một bộ phận giáo viên đã thể hiện tài đức cao sáng và có
công lớn trong việc đem giáo dục đến với quần chúng nhân dân lao động.
Trong xã hội phong
kiến có những người dã từ bỏ chức tước, địa vị cao sang ở chốn quan đường để
sống một cuộc đời thanh bạch nhưng cao thượng, làm người giáo viên dạy dỗ con
em nhân dân lao động, nêu cao khí tiết và tinh thần dân tộc, yêu nước thương
nòi. Thông qua những trường tư do họ mở ở các địa phương và với vai trò là
những thầy “ đồ”, họ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí và đào
tạo nhân tài cho đất nước. Nhân dân kính mến yêu thương họ, học sinh cảm
phục và biết ơn họ. Những tấm gương thầy giáo tiêu biểu soi sáng muôn đời sau
như Chu Văn An( 1292 – 1370), Nguyễn Bỉnh Khiêm ( 1491 – 1585), Ngô Thế Vinh(
1803- 1856), Nguyễn Đức Đạt( 1825 – 1887), Nguyễn Văn Siêu (1796-1869); Nguyễn
Đình Chiểu (1822 – 1888)...
Cuối thế kỷ XIX,
thực dân Pháp xâm chiếm nước ta làm thuộc địa. Cùng với chính sách bình định,
khủng bố, cai trị, thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân rất thậm tệ.
Trong khuôn khổ chính sách giáo dục và tổ chức nhà trường công khai dưới chế độ
thực dân Pháp, đội ngũ giáo viên tất nhiên không phải là thuần tuý, nhưng những
thầy giáo đúng đắn, nghiêm túc vẫn xứng đáng với lòng kỳ vọng của học sinh và
nhân dân. Họ đã cố gắng say mê, tận tuỵ với nghề, áp dụng những kinh nghiệm sư
phạm phương Tây vào công tác dạy học. Trong hoàn cảnh thực dân Pháp muốn học
sinh Việt Nam quên mình, quên dân tộc mình... họ đã góp phần làm cho học sinh
hiểu được cái hay, cái đẹp của tiếng mẹ đẻ, của nền văn chương Việt Nam, nuôi
dưỡng tinh thần tự hào dân tộc, giữ gìn được lương tri của người dân mất nước.
Họ cũng nêu tấm gương sáng về học lực uyên bác, về phương pháp sư phạm xuất sắc
và lòng nhân hậu đối với học sinh. Những thầy giáo tiêu biểu như : Dương Quảng
Hàm, Nguyễn Hữu Tảo, Đặng Thai Mai.... Cũng trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ,
nhiều nhà giáo dục đã đứng lên đấu tranh, trở thành những tấm gương của ý chí
tự cường, tinh thần độc lập tự do, yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm như Phan
Bội Châu, Phan Chu Trinh... Một số thầy giáo đã trở thành những chiến sĩ cách
mạng đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập dân tộc và bình đẳng xã hội, tiêu biểu
nhất là thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Nhìn chung, vị trí
của người giáo viên Việt Nam trong xã hội cũ là không xứng đáng với nghề nghiệp
của họ, nhưng đội ngũ giáo viên đã đóng góp to lớn vào công tác giáo dục thế hệ
trẻ, giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Tinh
thần tôn sư trọng đạo, nói một cách thiết thực hơn là hiếu học,
trọng thầy của nhân dân ta luôn có những nét riêng biệt. Nhân dân, học sinh
trọng thầy, biết ơn thầy vì gắn thành quả của thầy với thành quả của lao động,
“ Không thầy đố mày làm nên”. Mặt khác, ông thầy trong xã hội Việt nam xưa –
không kể bọn thầy đồ, nho sĩ tha hóa - đại đa số là những người thực sự có công
với đất nước. Có thể khẳng định rằng, trên thế giới này, ít có một đất nước mà
hầu hết những con người có vai trò quan trọng trong lịch sử đều trải qua nghề
thầy và có khá nhiều người thầy không có chức tước, học vị gì cao, nhưng lại có
công lớn ( Lý Công Ẩn đào tạo ra Lý Thường Kiệt, Trương Văn Hiến dạy dỗ Quang
Trung, Nguyễn Thức Tự bồi dưỡng cho Phan Bội Châu...). Người thầy giáo vẫn được
coi là cầu nối, nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét