Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

TƯ TƯỞNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THỊ TRƯỜNG

Quá trình phát triển lý luận của chủ nghĩa xã hội thị trường (CNXHTT): đã trải qua ba thời kỳ nổi bật là: Thời kỳ hình thành mô thức Lange vào những năm 1930; thời kỳ đưa cơ chế thị trường vào nền kinh tế kế hoạch ở các nước Liên Xô, Đông Âu vào những năm 1960-1970; thời kỳ ra đời của cơ chế lấy thị trường làm chủ đạo "được hình thành trên cơ sở "thuyết trung tính của cơ chế thị trường" và "thuyết quan hệ qua lại", trong thập kỷ 80, đặc biệt là thập kỷ 90 thế kỷ XX. 
Do sự tồn tại khách quan giá trị của CNXHTT nên đầu thập kỷ 1990, CNXHTT không những không bị ảnh hưởng của sự thoái trào trong phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới, mà trái lại, nó đã trở thành đề tài hấp dẫn của các nhà lý luận cánh tả phương Tây. Tại Tây Âu và Bắc Mỹ đã dấy lên làn sóng thảo luận sôi nổi. Sự hình thành tư tưởng CNXHTT phương Tây đương đại chủ yếu dựa trên cơ sở xem xét lại, phê phán và phát triển quan điểm thị trường của Mác, lý luận CNXHTT truyền thống, thể chế kinh tế kế hoạch hóa của các nước xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Những người theo CNXHTT của các nước xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu trước đây (Nam Tư, Tiệp Khắc) cho rằng, vấn đề quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) không phải ở chỗ mô tả những giá trị của CNXH, như giải phóng con người, phát triển nhanh chóng giáo dục và y tế,..., mà tìm ra cơ chế thực hiện những giá trị này một cách hiệu quả. Những người theo CNXHTT phương Tây hiện nay tiến hành luận chứng và tìm tòi một cách đầy đủ, sâu sắc "mối quan hệ qua lại" giữa CNXH với kinh tế thị trường, được thể hiện trong chế độ công hữu, và thực hiện công bằng, bình đẳng, kế hoạch và điều tiết vĩ mô của Nhà nước, khuyến khích và ràng buộc dân chủ, tự do, v.v… Từ đó, họ đã thiết kế khá nhiều mô hình mới của CNXHTT, và đã đề ra nhiều quan điểm mới. Trong quá trình xây dựng lý luận của những mô hình ấy, họ phản đối đem kinh tế thị trường đồng nhất với chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa. Họ phản đối đem chế độ sở hữu Nhà nước và kinh tế kế hoạch đồng nhất với mục tiêu, giá trị của CNXH. Từ đó họ cũng phê phán và phủ định lý luận của CNXH truyền thống, họ cũng phê phán và phủ định quan điểm lý luận của CNXH dân chủ.
Chủ nghĩa xã hội thị trường phương Tây hiện nay, về căn bản không đề cập đến bạo lực cách mạng, cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản. Nó phê phán và phủ định kinh tế kế hoạch, phủ định địa vị chủ đạo của chế độ sở hữu Nhà nước, v.v…Cho nên CNXHTT phương Tây hiện nay với CNXH khoa học có sự phân biệt về tính chất rõ rệt. Tuy vậy cũng có thể xếp lý luận CNXHTT vào phạm trù CNXH. Bởi vì, một lý do rất quan trọng là CNXHTT kiên quyết phản đối chủ nghĩa tư bản. Tức là trong thế giới đương đại chủ nghĩa tư bản đã thực sự lỗi thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét