Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

CẢNH GIÁC VỚI THÔNG TIN THẤT THIỆT VỀ VIRUS CORONA

Liên tiếp những ngày qua, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố đã nhanh chóng vào cuộc xử phạt, yêu cầu gỡ bỏ các thông tin sai lệch trên mạng xã hội về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Cụ thể, trong hai ngày 31/1 và 1/2, Công an các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đã xử phạt 6 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, trong đó, có hai phụ nữ, mỗi người bị xử phạt 12,5 triệu đồng về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Công an thành phố Bắc Ninh cũng đã xử phạt anh Nguyễn Công Hoàng (38 tuổi) và chị Vũ Quỳnh Mai (25 tuổi) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật về dịch bệnh.
Tại Vĩnh Phúc, ngày 31/1, Công an cũng xử phạt chị B.H.A. (23 tuổi) và chị L.T.P. (28 tuổi) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi tung tin sai sự thật về diễn biến của dịch bệnh.
Chiều 1/2, tài khoản Facebook có tên "Phan Lan Hoa" đăng dòng trạng thái với nội dung: "Bà con dân bản Vũng Tàu chú ý. Hiện nay bệnh viện Vietsovpetro đã có một bệnh nhân nghi nhiễm virus Vũ Hán. Tự bảo trọng mình". Một số người đã bình luận nói rằng nên cẩn thận và có người nói đây là "thông tin không chính xác, đề nghị gỡ bài". Khoảng 30 phút sau, tài khoản này đã gỡ đi dòng trạng thái trên.
Giải trình với cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Vũng Tàu ngày 30/1, Trần Văn Tùng, 22 tuổi, chủ nhân của tài khoản Facebook Trần Tùng thừa nhận thông tin “2 người Trung Quốc nghi bị nhiễm virus Corona đang điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi, TP. Vũng Tàu” mà anh đăng trên Facebook là không đúng sự thật, gây tác động xấu đến xã hội. Anh này nói đã nhận thức việc đưa thông tin trên là sai và tỏ ra hối hận, xin được đăng tải thông tin cải chính trên tài khoản Facebook của mình.
Ngày 1/2, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, trong 2 ngày 30 - 31/1, Phòng An ninh chính trị nội bộ đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP mời làm việc 2 trường hợp là 2 người phụ nữ đã sử dụng trang Facebook cá nhân để đăng thông tin sai sự thật về virus Corona gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hai trường hợp này là Đ.T.Q. (trú tại quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) và H.T.L. (trú tại quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng).
Cùng ngày, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã triệu tập Nguyễn Quý Trọng (SN 1990 trú tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) để làm rõ vụ việc đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh virus Corona trên Facebook cá nhân, gây hoang mang dư luận.
Mới đây nhất, ngày 2/2, Công an TP Hà Nội thông tin, kịp thời xử lý một đối tượng tung tin thất thiệt về dịch bệnh trên Facebook. Và đang lên danh sách một số tài khoản Facebook có hành vi tương tự để xử lý trong thời gian tới.
Điều nực cười là trái với những tuyên bố “hùng hồn”, nói như thật về các thông tin sai lệch trên mạng xã hội, các “anh hùng bàn phím” lại hốt hoảng khi được công an các tỉnh, thành mời lên để giải trình. Tất cả đều trả lời theo mô típ quen thuộc: Do nhận thức hạn chế, do thiếu hiểu biết, muốn gây sự chú ý, muốn tăng lượng người theo dõi trên trang cá nhân nên vội vàng đưa tin theo trào lưu. Họ bày tỏ thái độ hối hận, cam kết không tái phạm vì hành động sai trái của mình khi đã gây hoang mang, lo lắng trong dư luận.
Rõ ràng, đây là những hành vi "tát nước theo mưa" đáng lên án, thiếu ý thức trách nhiệm, ý thức công dân trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi do virus Corona mới đang lây lan nhanh tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Trong khi cả nước, các cơ quan chức năng đang gồng mình chống dịch, các mạnh thường quân, những người hảo tâm không ngừng phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí để chia sẻ với người dân thì các chủ trang Facebook, Zalo lại chia sẻ những thông tin vô trách nhiệm để hưởng lợi cho bản thân mình.
Vẫn biết, mạng xã hội là nơi mọi người sử dụng để bày tỏ ý kiến của mình, tiếp nhận, chia sẻ thông tin, đây là quyền của mỗi người, nhưng trước hết, mỗi người dân cần phải tự ý thức trách nhiệm đối với những thông tin do bản thân đưa lên.
Dịch bệnh tất nhiên là đáng sợ, nhưng chia sẻ những nội dung không có thật, gieo rắc nỗi sợ hãi trên mạng xã hội còn đáng sợ không kém. Chính những thông tin thất thiệt mang động cơ cá nhân đó đã khiến người dân đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay, tạo điều kiện cho những hiệu thuốc bất lương “chặt chém”, găm hàng, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Thật đau lòng, xót xa khi đọc những lời kêu gọi trên các diễn đàn mạng của những nhà thuốc mất đạo đức: “Tất cả các nhà thuốc chúng ta liên kết, đoàn kết, không nhập khẩu trang, không bán khẩu trang nữa. Việc đó giờ có Nhà nước lo…” Vâng! Có nhiều cách kiếm tiền, nhưng khi cả thế giới đang cùng nhau nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh thì một số cá nhân tranh thủ cơ hội để kiếm thêm đồng tiền vào túi theo kiểu thất đức như vậy thì không thể chấp nhận được. Có thể coi đây là mầm mống gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội và gióng lên hồi chuông báo động về cách ứng xử văn hóa thấp kém.
Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, các chuyên gia an ninh mạng luôn cảnh báo, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến “sức đề kháng” của người dùng.
Vì vậy, người dân cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin; không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng. Trong trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, người dân cần thông báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.
Để chung tay chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, mỗi người cần thực hiện đúng quy định, khuyến cáo của ngành y tế, đồng thời cần cảnh giác với những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội!

2 nhận xét: