Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã nêu
lên bốn bài học lớn, trong đó có bài học: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng
phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ
của nhân dân lao động”. Văn kiện Đại hội
nhấn mạnh “xóa bỏ nhận thức sai lầm coi công tác quần chúng chỉ là biện pháp để
tổ chức, động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách. Đối với những
chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân trên phạm vi cả nước cũng
như ở các địa phương phải trưng cầu ý kiến nhân dân trước khi quyết định”. Nội
dung phát huy dân chủ tiếp tục được Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng từ khóa
VII đến khóa X đề cập rõ nét.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI
của Đảng (tháng 1-2011) chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân
dân; cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn
trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân... Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực
hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp... Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm
công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm
quyền làm chủ của nhân dân...”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của
Đảng (tháng 1-2016), vấn đề phát huy dân chủ được khẳng định trong đổi mới
phương thức lãnh đạo của Đảng: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận
về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội
dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một
đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải phòng ngừa đối với đảng cầm quyền”.
Về phát huy dân chủ trong Đảng, Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm
1991) xác định: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ
chức ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm cho Đảng làm tròn trách nhiệm lãnh đạo sự nghiệp
cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh
đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống
đoàn kết thống nhất trong Đảng, bảo đảm đầy đủ dân chủ và kỷ luật trong sinh hoạt
đảng.
Đảng ta và Bác Hồ luôn xác định thực
hành dân chủ trong Đảng có ý nghĩa quyết định đối với phát triển dân chủ trong
tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị gắn với dân chủ hóa toàn bộ đời
sống xã hội, có dân chủ mới có đồng thuận xã hội, có đồng thuận xã hội mới tạo
ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nội dung phát huy dân chủ được Đảng ta
quy định rất rõ, bảo đảm thật sự tự do tư tưởng trong sinh hoạt đảng, khuyến
khích và tôn trọng sự suy nghĩ độc lập, sáng tạo, thảo luận, tranh luận dân chủ
nhằm phát huy trí tuệ của toàn Đảng, của từng cán bộ, đảng viên trong việc chuẩn
bị các nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Trong đại hội đảng các cấp,
trong các hội nghị của Đảng, mỗi đảng viên đều có quyền thảo luận, bàn bạc,
tham gia các công việc của Đảng, phê bình, chất vấn các cán bộ, đảng viên khác,
được trình bày hết ý kiến của mình, có quyền bảo lưu ý kiến hoặc đề xuất ý kiến
lên các cơ quan cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Các nghị
quyết, quyết định của tổ chức đảng được thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa
số. Việc bầu cử trong Đảng đều được tiến hành dân chủ theo nguyên tắc bỏ phiếu
kín, không gò ép, áp đặt... Đặc biệt, trong các nhiệm kỳ gần đây, việc thực
hành dân chủ trong Đảng tiếp tục được bổ sung bằng những quy chế, quy định chặt
chẽ hơn, như quy định Bộ Chính trị báo cáo công việc và hoạt động của mình trước
mỗi kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, ban thường vụ báo cáo công việc và hoạt
động của mình trước mỗi kỳ họp cấp ủy, cấp ủy báo cáo trước tổ chức đảng hoặc
cơ quan bầu ra mình; quy định thời gian tiến hành tự phê bình và phê bình, tổ
chức quần chúng phê bình và bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ, đảng viên từ cơ quan cao
nhất đến tổ chức cơ sở.
Việc phát huy dân chủ trong các tổ chức
nhà nước có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Quốc hội có những đổi mới quan trọng,
từ bầu cử đại biểu Quốc hội đến hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt
động, làm tốt hơn chức năng lập pháp, công tác giám sát và quyết định các vấn đề
quan trọng của đất nước. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, hiệu quả. Để
nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật, Quốc hội đã có nhiều hình thức để lấy
ý kiến góp ý, như tổ chức hội thảo, tọa đàm, phát phiếu...
Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội đều
tổ chức tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri cả
nước. Sau tiếp xúc đều tổng hợp, phân tích những kiến nghị xác đáng để yêu cầu
Chính phủ chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền. Nhiều khóa gần đây, hoạt động chất
vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, hội đồng nhân dân thật sự
sôi nổi, dân chủ, phát huy được trách nhiệm của đại biểu, được nhân dân cả nước
ghi nhận. Định kỳ, Quốc hội, hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối
với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu bằng hình thức bỏ phiếu
kín. Phát huy dân chủ của Chính phủ tiếp tục có những đổi mới trong hoạch định
chính sách, quản lý vĩ mô, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện. Ý thức, trách
nhiệm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn
bản pháp luật được đề cao. Đặc biệt, chính quyền các cấp đã có nhiều tiến bộ
trong tổ chức tiếp dân, đối thoại với công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại,
tố cáo của công dân. Đối với công tác tổ chức cán bộ diện quản lý theo phân cấp
của Đảng đều được tập thể ban cán sự đảng thảo luận dân chủ, bỏ phiếu kín và
quyết định theo đa số. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều tạo điều kiện
và phát huy chức năng tuyên truyền, định hướng dư luận của các phương tiện truyền
thông, như báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng...
Phát huy dân chủ trong các tổ chức
chính trị - xã hội cũng có nhiều tiến bộ rõ, thể chế thực thi các quyền
dân chủ của nhân dân từng bước được xác lập và cụ thể hóa. Nhiều văn bản tạo cơ
sở pháp lý phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân được Quốc hội thông
qua, như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật
Trưng cầu ý dân... Những bảo đảm dân chủ về quyền và nghĩa vụ, lợi ích, trách
nhiệm của các chủ thể trong xã hội được luật hóa cụ thể hơn và từng bước thực
hiện có kết quả; nhiều chủ trương, biện pháp đã phát huy vai trò tích cực, chủ
động của nhân dân, đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc
hội ban hành Pháp lệnh số 34/PT/UBTVQH, ngày 20-4-2007, “Về thực hiện dân
chủ ở xã, phường, thị trấn”, Nghị định số 04/NĐ/CP, ngày 24-1-2013, “Về thực
hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp
công lập”, Nghị định số 60/NĐ-CP, ngày 19-6-2013, “Quy định chi tiết khoản
3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tại nơi làm
việc” đã góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân
dân. Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội
đang tích cực thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng
Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trước các kỳ họp Quốc hội và
hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp khá đầy đủ các
kiến nghị của các tổ chức thành viên, ý kiến của cử tri cả nước để phản ánh đến
Quốc hội; hội đồng nhân dân các cấp đã thường xuyên giám sát chính quyền trong
việc tiếp thu và giải quyết các kiến nghị chính đáng của đoàn viên, hội viên, cử
tri.
Bài viết rất hữu ích, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa