Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

HỒ CHÍ MINH CHỈ RA NGUYÊN NHÂN CỦA NẠN THAM NHŨNG

Tham nhũng như một vật thể gây bệnh nguy hiểm mà Hồ Chí Minh gọi là một thứ vi trùng độc hại nhất len lỏi vào cơ thể xã hội làm cho cơ thể đó mang bệnh, suy yếu, thậm chí có thể chết. Kết cục ấy là sự mục rỗng từ bên trong rồi đổ vỡ nếu thể chế không có sức đề kháng, ngăn chặn và chống lại tham nhũng bằng những giải pháp quyết liệt, triệt để và hữu hiệu.
Theo Hồ Chí Minh, có các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng sau đây:
Một là, về công tác cán bộ: Việc tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay và sự giúp đỡ lẫn nhau của cán bộ, đảng viên trong các tổ chức đảng còn yếu. Sinh hoạt chi bộ ở một số nơi còn qua loa, đại khái, chiếu lệ, hình thức. Công tác tổ chức cán bộ còn bộc lộ nhiều yếu kém.
Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ là gốc của mọi công việc, muốn việc thành công hay thất bại là có cán bộ tốt hay kém. Công việc huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Do vậy, đào tạo, quy hoạch, tuyển dụng, bố trí cán bộ là vô cùng quan trọng, nó quyết định sự thành bại của Đảng ta.
Theo Hồ Chí Minh thì do bệnh chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu, kềnh càng, kiêu ngạo, chậm chạp làm cho qua chuyện. Ham chuộng hình thức. Muốn tẩy sạch bệnh ấy thì phải: thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên. Phê bình nhau và giúp nhau sửa chữa. Đồng thời phê bình phải khéo. Hồ Chí Minh nói: Bánh ngọt thì ai cũng muốn ăn nhưng nếu "nhét" vào mồm thì không ai ăn được. Tự phê bình là trước hết phải nêu khuyết điểm của mình sau đó là ý kiến đóng góp của người khác. Còn phê bình là nêu khuyết điểm của người khác nhưng phải đúng, thậm chí còn phải đúng lúc, đúng chỗ. Phê bình trên tình yêu thương đồng chí để cùng nhau tiến bộ.
Hai là, về kinh tế: Các nhà nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của tham nhũng chính là sự tìm kiếm đặc lợi kinh tế. Việc các cá nhân, doanh nghiệp tìm kiếm đặc lợi bằng cách thiết lập những hạn chế giả tạo về nguồn cung là một trong những nguyên nhân tham nhũng. Các chính sách hạn chế thương mại, kiểm soát giá cả, kiểm soát tỷ giá hối đoái, các chương trình đầu tư, trợ cấp chi tiêu và mua sắm của Chính phủ... đều có những mặt trái, có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới sự tìm kiếm đặc lợi và tham nhũng. Đồng thời động cơ vụ lợi của hoạt động kinh doanh cũng là nguồn gốc của tham nhũng, hay ít nhất thì kinh doanh cũng là một bên tham gia trong sự lạm dụng quyền lực công để thu đặc lợi tư. Nhà nghiên cứu Paolo Mauro đã nhận xét rằng "ngày qua ngày, các doanh nghiệp tư nhân tiêu hàng đống tiền để thuyết phục các nhà lập pháp dành cho họ vị trí độc quyền hoặc nếu không thì hạn chế cạnh tranh để một số ngành hoặc cá nhân có thể hưởng một đặc quyền. Trên khắp thế giới, các công chức nhà nước đang không mệt mỏi dùng mưu mẹo nhằm tự đặt mình vào một vị thế độc quyền cỡ nhỏ để có thể nhận hối lộ khi cấp một giấy phép, thông qua một khoản chi tiêu hoặc chứng nhận chuyển hàng qua biên giới...".
Kinh tế thị trường có mặt tạo ra ham muốn và cơ hội cho tham nhũng, là diều mà các nhà nghiên cứu đã vạch ra từ hai thể kỷ nay. Cố biện hộ rằng kinh tế thị trường không hề có trách nhiệm gì về tham nhũng. Đó không phải là thái độ khoa học và thực tiễn. Nhưng nêu lên như thế không phải là trút hết tội lỗi về tham nhũng cho kinh tế thị trường. Đã làm kinh tế thị trường thì phải nhận biết và ngăn cản (hoặc ít nhất là hạn chế) được ham muốn và cơ hội tham nhũng do cơ chế thị trường gây nên.
Ba là, về luật pháp: Luật pháp không đồng bộ và hoàn chỉnh, các quy định phức tạp và thường xuyên thay đổi và quyền được tùy tiện quyết định của các quan chức chính quyền khi diễn giải luật pháp và quy định đó chính là cơ hội dẫn tới tham nhũng. Do đó tham nhũng dễ bùng phát ở những quốc gia mà luật pháp phức tạp, thường xuyên thay đổi và các nhà hoạch định chính sách công, nhất là những quan chức cấp thấp trong chính quyền có quyền tùy tiện thực thi lớn. Ở nước ta luật pháp chưa hoàn thiện, không đồng bộ, công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả chưa cao. Nạn sách nhiễu, tham nhũng tạo nên rào cản trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách, luật pháp, nhất là những cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kinh tế còn thiếu, chưa đồng bộ và còn nhiều sơ hở. Cơ chế "xin cho" tồn tại trong nhiều năm không những là rào cản của sự phát triển trong nhiều lĩnh vực mà còn là mảnh đất cho tệ tham nhũng, sách nhiễu, cửa quyền phát triển.
Bốn là, về tiền lương: Tiền lương của công chức trong dịch vụ công thấp hơn tương đối so với khu vực tư nhân cũng tạo cho công chức tham nhũng. Ở nước ta cho đến nay, chính sách tiền lương chưa có sự thay đổi đáng kể, vẫn còn nặng về giải pháp tình thế, chắp vá, chưa có chiến lược về chính sách tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó cũng là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và các tệ nạn khác.
Năm là, về công tác kiểm tra: Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát còn yếu, không định rõ trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, dẫn đến tình trạng. Hoặc kiểm tra không nghiêm, không thực hiện đúng chức năng thanh tra. Bởi vì thanh tra lành mạnh ngoài chức năng buộc tội, xử lý, chấn chỉnh ra còn có chức năng định hướng, giúp đỡ. Nhưng ít khi định hướng và giúp đỡ.
Sáu là, về văn hóa, đạo đức dân tộc: Nạn tham nhũng xuất hiện còn do truyền thống văn hóa và quan niệm đạo đức. Trong truyền thống của nhiều quốc gia đang phát triển, thường coi lợi ích của gia tộc cao hơn lợi ích quốc gia, tình trạng lợi dụng chức quyền tạo điều kiện cho người thân vơ vét tài sản công là phổ biến và không bị coi là trái đạo đức. Ở các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, đời sống xã hội đứng trước nhiều quan niệm cũ và mới, các giá trị đạo đức cũ bị phá vỡ, giá trị đạo đức mới chưa được xác lập đã tạo thành quan niệm đạo đức hỗn tạp, phát sinh dao động trong quan niệm đạo đức dẫn đến suy giảm đạo đức và tạo điều kiện cho nạn tham nhũng tràn lan.

2 nhận xét: