Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

CẦN NẮM VỮNG THỰC CHẤT, THỰC HIỆN ĐÚNG BẢN CHẤT CÔNG TÁC TÔN GIÁO

Công tác tôn giáo là tổng thể các hoạt động của cả hệ thống chính trị trong việc hoạch định và hiện thực hóa quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực tôn giáo, nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo,  vùng  tôn giáo được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết tôn giáo, lương giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực chủ yếu cho sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước.
Các nội dung chủ yếu của CTTG, gồm: Công tác xây dựng chính sách và văn bản liên quan đến lĩnh vực tôn giáo; Xây dựng tổ chức, bộ máy và đội ngũ CBCC; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tôn giáo; Quản lý Nhà nước về tôn giáo; Công tác vận động chức sắc, quần chúng tín đồ và xây dựng lực lượng chức sắc, tín đồ tiêu biểu; Công tác đối ngoại trong tôn giáo; Công tác đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo.
Mục đích tiến hành CTTG là tác động và tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo, vùng tôn giáo được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cùng phát triển; đồng thời, phát huy vai trò của đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và tăng cường khối đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn tôn giáo nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Công tác tôn giáo phản ánh mối quan hệ giữa chủ thể lãnh đạo, quản lý xã hội nước ta, trước hết và chủ yếu là Đảng, Nhà nước, tiếp đó là các tổ chức chính trị - xã hội khác thuộc hệ thống chính trị với khách thể chủ yếu là đồng bào các tôn giáo, vùng đông đồng bào tôn giáo trong quốc gia dân tộc Việt Nam.
Chủ thể tiến hành CTTG là mọi tổ chức hợp thành hệ thống chính trị, gồm chủ thể lãnh đạo, chủ thể quản lý nhà nước và chủ thể thực hiện để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhân dân cùng thực hiện CTTG theo quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. 
Chủ thể lãnh đạo CTTG: Trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; ở cấp địa phương, các cơ quan, đơn vị, các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo toàn diện CTTG. Chủ thể lãnh đạo có vai trò, nhiệm vụ xác định chủ trương, đường lối và các mục tiêu, biện pháp tiến hành CTTG phù hợp với từng tôn giáo, từng vùng tôn giáo, từng giai đoạn cách mạng nhất định.
Chủ thể quản lý nhà nước về CTTG: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về CTTG; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về CTTG theo quy định của pháp luật. Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CTTG trong phạm vi cả nước. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về CTTG ở địa phương theo quy định của pháp luật.
Chủ thể thực hiện CTTG: Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa có trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và CTTG; cơ quan chuyên trách lĩnh vực tôn giáo (có địa phương ghép chung hai lĩnh vực dân tộc – tôn giáo) ở các địa phương vừa có nhiệm vụ tham mưu cho ủy ban nhân dân, vừa chủ trì phối hợp với các ban ngành đoàn thể ở địa phương tiến hành CTTG.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương tham gia thực hiện CTTG. Công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc có các nhiệm vụ: Tập hợp, đoàn kết đồng bào các tôn giáo xây dựng khối đoàn kết lương – giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; Tuyên truyền, động viên  đồng bào tôn giáo phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chính sách  của Đảng, Nhà nước; Tổ chức, hướng dẫn tín đồ, chức sắc tôn giáo tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cấp; phản ánh tâm tư nguyện vọng tín đồ, chức sắc tôn giáo đến Đảng, Nhà nước; Phản biện xã hội góp phần xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về tôn giáo; Tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, đồng bào tôn giáo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, sống tốt đời, đẹp đạo.
Nhân dân, với tư cách là thành viên các tổ chức trong hệ thống chính trị, tham gia thực hiện các nội dung CTTG.  
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ thể tổ chức thực hiện và tham gia thực hiện CTTG phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở từng địa phương.  
Khách thể - đối tượng của CTTG chủ yếu tập trung vào các tôn giáo, hoạt động tôn giáo ở nước ta, với những hoạt động cụ thể cần được giải quyết để thực hiện được mục tiêu của CTTG. Đồng thời cũng tác động vào các chủ thể và toàn thể nhân dân nói chung để tất cả các lực lượng này nắm vững và thực hiện tốt CTTG.

2 nhận xét: