Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VAI TRÒ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TRONG THỰC HIỆN QUYỀN LỰC CỦA NHÂN DÂN

Trên cơ sở kế thừa những tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của Đảng cầm quyền cũng như nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, cùng với tư tưởng “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, Hồ Chí Minh đã coi tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Do đó, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước là phục vụ nhân dân vì "trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân".
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nguyên tắc tổ chức cao nhất của Đảng và Nhà nước là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực người dân trao là để bảo đảm thực thi quyền lợi của nhân dân, nhằm xây dựng Đảng liêm chính, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chính vì vậy, Người yêu cầu đối với chính quyền mới ngay sau 1 tháng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa: “bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các Ủy ban nhân dân bây giờ” và Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.
Xác lập những nguyên tắc căn bản đầu tiên cho việc thực hiện một chính quyền “mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 1946. Kế thừa tư tưởng tiến bộ của Người, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục đề cao quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm của Nhà nước là tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Trong đó, đề cao chủ quyền Nhân dân của Đảng và Nhà nước ta; khẳng định bản chất của “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Quyền lực tối cao của Nhân dân được thể hiện trước hết: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này” và đối với tổ chức quyền lực nhà nước, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đảm bảo: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Đối với Hồ Chí Minh, nhận diện đúng những biểu hiện tha hóa quyền lực và nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó là một bước quan trọng để tìm ra những phương cách hữu hiệu trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tha hóa quyền lực. Nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước là lãnh đạo, tổ chức, quản lý sao cho Nhân dân thực sự thể hiện quyền làm chủ của mình. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Đảng và Nhà nước phải chú ý đến việc kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên có chức có quyền. Theo Người: “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội… không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng. Nhưng không vì thế mà kinh sợ. Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa”.

2 nhận xét:

  1. Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  2. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Đảng và Nhà nước phải chú ý đến việc kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên có chức có quyền

    Trả lờiXóa