Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

QUAN ĐIỂM CỦA PH. ĂNGGHEN VỀ TƯ DUY LÝ LUẬN

Vấn đề tư duy đã được Ph.  Ăng-ghen bàn đến trong nhiều tác phẩm. Trong tác phẩm “Chống Đuy-rinh”, ở Phần thứ nhất với tên gọi “Triết học”, khi tranh luận với O. Đuy-rinh về vấn đề những nguyên lý, Ph.  Ăngghen viết: “Nếu người ta đặt câu hỏi rằng tư duy và ý thức là gì, chúng từ đâu đến, thì người ta thấy rằng chúng là sản vật của bộ óc con người và bản thân con người, là sản vật của giới tự nhiên, một sản vật đã phát triển trong một môi trường nhất định và cùng với môi trường đó. Vì vậy, lẽ tự nhiên là những sản vật của bộ óc con người, - quy đến cùng cũng là những sản vật của giới tự nhiên - không mâu thuẫn mà lại còn phù hợp với mối liên hệ còn lại của giới tự nhiên”. Từ luận giải nói trên, chúng ta nhận thấy Ph.  Ăngghen đã khẳng định ý thức, tư duy của con người chính là chức năng của bộ não. Bộ não người là một dạng vật chất có tính tổ chức cao, có khả năng sản sinh ra tư duy, ý thức. Quan điểm này không chỉ là sự bác bỏ những luận điểm duy tâm của O. Đuy-rinh khi cho rằng những nguyên lý được rút ra từ tư duy chứ không phải từ thế giới bên ngoài, mà còn khẳng định rõ lập trường duy vật triệt để của Ph. Ăngghen khi bàn về vấn đề tư duy nói riêng và quá trình nhận thức của con người nói chung.
Không chỉ dừng lại ở vấn đề tư duy, Ph.  Ăngghen còn bàn nhiều đến vấn đề tư duy lý luận với tính cách là một nấc thang trong tiến trình nhận thức thế giới của con người. Vấn đề này được bàn đến trực tiếp trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, nhất là ở “Bài tựa cũ của cuốn Chống Đuy-rinh. Về phép biện chứng”. Trong tác phẩm này, tuy Ph. Ăngghen không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào về tư duy lý luận, nhưng bằng việc lược khảo tiến trình phát triển của tư duy nhân loại từ thời cổ đại đến bấy giờ, ông khẳng định: Tư duy lý luận là trình độ phát triển cao của năng lực tư duy con người. Nó mang tính lịch sử, là sản phẩm của lịch sử và ở mỗi thời đại khác nhau là khác nhau. Ông viết: “Tư duy lý luận của mỗi một thời đại, cũng có nghĩa là cả thời đại chúng ta, là một sản phẩm lịch sử mang những hình thức rất khác nhau trong những thời đại khác nhau và do đó có một nội dung rất khác nhau”. Điều đó đồng nghĩa với việc ông cho rằng, dù là một hình thức phát triển cao của tư duy nhưng tư duy lý luận không phải là một chân lý vĩnh viễn, không thay đổi được. Vì vậy, ông đã đồng nhất khoa học về tư duy với khoa học lịch sử theo nghĩa, việc nghiên cứu về tư duy nói chung và tư duy lý luận nói riêng cũng phải mang tính lịch sử, cũng có sự thay đổi gắn với điều kiện của mỗi thời đại khác nhau: “Thế cho nên cũng như bất kỳ khoa học nào khác, khoa học về tư duy là một khoa học lịch sử, là khoa học về sự phát triển lịch sử của tư duy con người”.
Cũng trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, Ph. Ăngghen còn bàn đến những điều kiện hình thành tư duy lý luận. Cụ thể như sau:
Một là, tư duy lý luận phải được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm. Điểm xuất phát của tư duy lý luận chính là những kinh nghiệm được con người tích lũy trong cuộc sống hằng ngày. Không có kinh nghiệm thì sẽ không có sự khám phá của con người về những quy luật vận động nội tại, tất yếu của các sự vật, hiện tượng. Những kinh nghiệm được tích lũy đã đòi hỏi phải có sự hệ thống hóa và phải tìm ra một sự liên hệ bên trong tất yếu của nó.
Hai là, tư duy lý luận phải gắn liền với khoa học, nhất là khoa học tự nhiên. Theo Ph.  Ăngghen, việc gắn với sự phát triển khoa học sẽ giúp cho tư duy nắm được những quy luật và các mối liên hệ bên trong giữa các sự vật, hiện tượng.
Ba là, tư duy lý luận không thể tách rời tư duy biện chứng duy vật. Theo Ph. Ăng-ghen, tư duy biện chứng duy vật chính là hình thức cao nhất của tư duy lý luận. Ph. Ăngghen rất đề cao vai trò của phép biện chứng đối với tư duy lý luận.
Bốn là, muốn có tư duy lý luận phải có sự nghiên cứu một cách nghiêm túc toàn bộ lịch sử triết học. Theo Ph. Ăngghen, tư duy lý luận ở mỗi chúng ta chỉ tồn tại dưới dạng năng lực tiềm tàng, không phải tự nhiên mà có, nên việc nghiên cứu một cách nghiêm túc lịch sử triết học của nhân loại sẽ làm cho năng lực đó trở thành hiện thực.
Như vậy, với việc chỉ ra bốn điều kiện cơ bản cho việc hình thành tư duy lý luận, Ph.  Ăngghen đã cung cấp cho chúng ta những phương pháp luận đúng đắn và cần thiết trong việc hình thành tư duy lý luận trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn. Không chỉ có vậy, trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, ông còn chỉ ra vai trò to lớn của tư duy lý luận bằng một luận điểm nổi tiếng: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”(11). Luận điểm này chứng tỏ tư duy lý luận chính là thước đo trình độ phát triển khoa học của một quốc gia, một dân tộc. Tư duy lý luận là điều kiện tiên quyết phản ánh sự phát triển khoa học của mỗi thời đại. Vì vậy, thông qua những gương mặt tiêu biểu có tầm cao về tư duy lý luận, như Cantơ, Hêghen, C.  Mác, Ph. Ăngghen..., chúng ta cũng có thể lý giải được tại sao Đức là một trong những nước có trình độ khoa học phát triển bậc nhất ở châu Âu vào thế kỷ XIX.

2 nhận xét:

  1. Bài viết rất hữu ích, cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  2. Ph. Ăngghen đã cung cấp cho chúng ta những phương pháp luận đúng đắn và cần thiết trong việc hình thành tư duy lý luận trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn

    Trả lờiXóa