Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

MỘT SỐ HẠN CHẾ TRONG PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc xây dựng con người còn nhiều yếu kém, bất cập. Có thể thấy rõ ở mấy điểm: thể lực con người Việt Nam chưa tốt, mặt bằng dân trí chưa cao, trình độ chuyên môn và trình độ khoa học, kỹ thuật của người lao động thấp, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa cao; tính sáng tạo và khả năng thích ứng với những biến đổi mới trong lao động và cuộc sống chưa tốt; tinh thần học hỏi và chí tiến thủ còn yếu...Cụ thể là:
Một là, sự chênh lệch về mức sống và điều kiện sống của người dân giữa các vùng, miền, các dân tộc, các bộ phận dân cư; tình trạng thất nghiệp; tình trạng mất dân chủ làm cho quyền của một bộ phận không nhỏ nhân dân bị vi phạm; sự yếu kém về y tế và công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng; sự yếu kém, bất cập trong giáo dục - đào tạo; nạn ô nhiễm môi trường, bệnh dịch; đặc biệt là sự xuống cấp về văn hóa, sự suy thoái về đạo đức, lối sống, nhân cách mà Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã khẳng định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”(2), “Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”(3)... Điều này đã và đang trở thành lực cản và là thách thức rất lớn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển con người Việt Nam trong tình hình mới.
Hai là, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng được biểu hiện ở sự suy giảm bản lĩnh chính trị, phai nhạt lý tưởng, bàng quan với các vấn đề xã hội; thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng, thấy việc đúng không tích cực ủng hộ, thấy tiêu cực cũng không dám đấu tranh. Đã có một bộ phận quần chúng dao động, hoài nghi về lý tưởng cách mạng, ủng hộ con đường đi lên CNTB. Nguy hại hơn là hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị chệch hướng, mất niềm tin vào chế độ, suy thoái về chính trị, tư tưởng, dẫn đến quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, vi phạm dân chủ... Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng ta nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp. Nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”(4).
Ba là, những giá trị văn hóa, đạo đức lối sống tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam có nhiều thay đổi, nảy sinh các vấn đề phản giá trị: chủ nghĩa thực dụng; khát vọng cá nhân được đẩy lên cao, dẫn đến lối sống phi nhân tính; tôn sùng tiện nghi vật chất, đồng tiền. Điều này phản ánh bức tranh đạo đức xã hội đang có nguy cơ suy thoái nghiêm trọng. Một bộ phận trong đó có không ít cán bộ, đảng viên, thanh, thiếu niên sống sa đọa, trụy lạc, coi thường chuẩn mực xã hội; vướng vào các tệ nạn xã hội.
Bốn là, xu hướng xem thường, phủ nhận các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ vẫn tồn tại. Từ Đại hội VI, Đảng ta đã nhận định: trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống. Một là, lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể và đất nước. Hai là, lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền. Nhiều người xa rời lý tưởng và đạo đức cách mạng, xa rời các giá trị dân tộc, đề cao tư tưởng thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, bất chấp đạo lý và pháp lý. Hội nghị Trung ương 5 Khóa VIII đã đánh giá thực trạng đạo đức, lối sống ở nước ta còn: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc”(5). Điều đáng báo động là thực trạng này chưa được ngăn chặn và có chiều hướng gia tăng trong điều kiện mức sống chung của xã hội đã được nâng lên.
Năm là,  thói quen sản xuất nhỏ, manh mún, tính ỷ lại, tính cục bộ địa phương, chủ nghĩa kinh nghiệm, coi thường pháp luật... còn phổ biến. Hằng số nông dân, nông nghiệp, nông thôn của văn hóa Việt Nam đã quy định những đặc trưng về lối sống, về quan niệm phẩm chất và năng lực của mỗi cá nhân và cộng đồng.

2 nhận xét: