Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng,
Nhà nước ta luôn có chính sách về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp để tập
hợp, phát huy vai trò của đồng bào có đạo trong xây dựng và phát triển đất nước.
Điểm nổi bật của hệ thống chính sách đó là: tôn trọng và bảo đảm quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, nhận thức về vai trò của tôn giáo cũng có sự
phát triển, từ nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo đến
việc giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo và
coi tôn giáo là nguồn lực trong quá trình phát triển đất nước. Quan
điểm coi tôn giáo là nguồn lực phát triển đất nước vừa mới, vừa là bước
đột phá tiếp theo của Việt Nam trên con đường đổi mới nhận thức về vai trò của
tôn giáo trong hội nhập quốc tế. Thật vậy, đến tháng 9-2019, các tôn giáo ở nước
ta có khoảng 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện; 300 trường mầm non,
2.000 lớp học tình thương; 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo, bao gồm:
02 trường trung cấp nghề và 10 trung tâm dạy nghề, tuyển sinh, đào tạo hệ trung
cấp và dạy nghề ngắn hạn; gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật
giáo, Công giáo, Cao Đài... đang nuôi dưỡng trên 12.000 trẻ em mồ côi, trẻ tàn
tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối
tượng có hoàn cảnh khó khăn góp phần chia sẻ với Nhà nước trong việc chăm sóc đối
tượng bảo trợ xã hội.
Quan điểm trên được thể hiện rõ nét từ
khi bắt đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (năm 1986) đến nay. Điều đó được
thể hiện ở việc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành các nghị quyết, chỉ
thị, pháp lệnh, luật, nghị định đồng bộ để việc thực hành tự do tín ngưỡng, tôn
giáo của người dân ngày càng được thuận lợi hơn. Nghị quyết 24/NQ-TW, ngày
16-10-1990 của Bộ Chính trị (khóa VI) về “Tăng cường công tác tôn giáo trong
tình hình mới”; Nghị quyết 25-NQ/2003/TW, ngày 12-3-2003 của Hội nghị lần thứ Bảy,
Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo; Chỉ thị 18-CT/TW, ngày
10-01-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25 về công tác tôn
giáo trong tình hình mới. Chính phủ ban hành Nghị định 69/HĐBT, ngày 21-3-1991
của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về các hoạt động tôn giáo, tạo
hành lang pháp lý cho hoạt động tôn giáo và quản lý các hoạt động tôn giáo
trong giai đoạn đầu những năm đổi mới; Nghị định 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động
tôn giáo thay thế Nghị định 69. Ngày 18-6-2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban
hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định 22/NĐ-CP, ngày 01-3-2005 về hướng
dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, sau đó được thay
thế bằng Nghị định 92/2012/NQ-CP, ngày 08-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết
và một số biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 18-11-2016, tại
kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã
thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo đó, ngày 30-12-2017, Chính phủ ban hành Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tiếp tục
tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Đặc biệt, việc Nhà nước ban hành Luật
Tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định: Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, hoàn
thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể hóa chủ trương nhất quán về quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật này không chỉ quy định chung như Hiến pháp
2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một
tôn giáo nào”, mà còn quy định chi tiết, rõ hơn tại Điều 6: Mỗi người có quyền
bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học
tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo,
học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đối với người chưa
thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải
được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Đối với người bị tạm giữ, tạm giam theo
quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù;
người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc,
cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng,
tôn giáo. Quy định này đã thể hiện rõ hơn tính nhân văn trong chính sách của
Nhà nước Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho những người bị hạn chế
quyền công dân. Không những thế, Luật này còn quy định về quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam, tại Điều 8. Điều đó
cho thấy, ở Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là quyền công
dân mà còn là quyền của mọi người, không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính,
độ tuổi.
Như vậy, Việt Nam luôn là thành viên
tích cực, có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo; là minh chứng để chống mọi luận điệu của các thế lực
xấu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Đảng ta đã rất quan tâm đến vấn đề tự do, tín ngường của nhân dân Việt Nam
Trả lờiXóaViệt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Trả lờiXóa