Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

MÙA XUÂN NĂM CANH NGỌ LỊCH SỬ

Sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bắt đầu xúc tiến chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập một chính đảng kiểu mới ở Việt Nam. Tháng 11/1924, Người về Quảng Châu (Trung quốc), mở lớp huấn luyện chính trị, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (6/1925), ra báo Thanh niên (21/6/1925) cùng các tờ báo Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong... nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam; làm cho luồng gió cách mạng của thời đại thẩm thấu vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân ta, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc về chất và lượng.
Những bài giảng của Người ở lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu được tập hợp thành cuốn sách “Đường Cách mệnh” (xuất bản năm 1927); trong đó, Người khẳng định: "Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”  và Đảng phải có hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học dẫn đường, đó là “phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”…
Cùng với đó, chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua phong trào “vô sản hóa” được những chiến sĩ tiên phong của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên truyền bá về trong nước, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động. Phong trào công nhân chuyển mạnh từ đấu tranh tự phát sang tự giác, từ đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế lên đấu tranh đòi quyền lợi về chính trị; phong trào yêu nước phát triển sâu rộng theo khuynh hướng vô sản, tạo điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam cộng sản Đảng (10/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1/1930).
Việc xuất hiện ba tổ chức cộng sản biệt lập, cùng ra Tuyên ngôn, Chính cương và Điều lệ trong nước dẫn đến tình trạng tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, chia rẽ và phân liệt phong trào đấu tranh cách mạng. Nhận thức sâu sắc nguy cơ bất lợi cho sự phát triển của phong trào cách mạng Đông Dương, với nhãn quan chính trị nhạy bén, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ động, kịp thời trên cương vị “phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương” gửi thư về nước mời đại diện của các tổ chức cộng sản sang Hồng Kông bàn việc hợp nhất các tổ chức cộng sản.
Mùa xuân năm 1930, tại Cửu Long, Hồng Kông (từ ngày 6/1/1930 đến ngày 7/2/1930), Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tham dự Hội nghị có Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh (Đông Dương Cộng sản Đảng); Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm (An Nam Cộng sản Đảng) và Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn giúp việc Hội nghị. Trên cơ sở bỏ mọi thành kiến xung đột cũ và đoàn kết, Hội nghị thống nhất đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Người dự thảo. Các văn kiện này trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng; trong đó, Đảng xác định rõ đường lối, mục tiêu, phương châm của cách mạng Việt Nam là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”... Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đó là đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc, “là đạo đức, là văn minh”, là danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại.

2 nhận xét:

  1. Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  2. Mọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.

    Trả lờiXóa