Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ VAI TRÒ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TRONG THỰC HIỆN QUYỀN LỰC CỦA NHÂN DÂN THEO QUAN ĐIỂM CỦA V.I.LÊNIN

V.I.Lênin không những bảo vệ mà còn bổ sung, phát triển, đưa ra những chỉ dẫn rất cụ thể về nhiệm vụ của đảng cầm quyền và nhà nước khi đã có nhà nước vô sản.
Trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng”, V.I.Lênin chỉ rõ rằng: Trong cuộc đấu tranh cho chuyên chính vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần phải làm cho đảng “đủ sức nắm chính quyền và dẫn dắt toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới, đủ sức làm thầy, làm người dẫn đường, làm lãnh tụ của tất cả những người lao động và những người bị bóc lột”. Nếu không có đảng lãnh đạo, thì giai cấp vô sản và tất cả nhân dân lao động không thể lật đổ giai cấp tư sản, không thể giành được thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin cũng đã trình bày về các nhiệm vụ cơ bản của chuyên chính vô sản. Những nhiệm vụ cơ bản đó là: Trấn áp sự phản kháng của bọn bóc lột đã bị đánh đổ và củng cố những thắng lợi của mình. Xây dựng khối liên minh công - nông, giai cấp tư sản và giai cấp nửa vô sản dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Sử dụng chính quyền vô sản để tổ chức chế độ xã hội chủ nghĩa, dẫn dắt toàn dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, đủ sức lãnh đạo và tổ chức một chế độ mới.
Mối quan hệ giữa chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ với thực hành dân chủ được V.I.Lênin nhấn mạnh “không thể giản đơn đóng khung trong việc mở rộng dân chủ được” mà phải “biến thành chế độ dân chủ cho người nghèo, chế độ dân chủ cho nhân dân”.
Vấn đề tổ chức quản lý và xây dựng nhà nước đã được đặt ra ngay sau khi giai cấp công nhân Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích (Nga) giành chính quyền. Trong tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết”, V.I. Lênin vạch rõ một nhiệm vụ đặc biệt cấp thiết, đó là những cốt cán lãnh đạo ưu tú nhất và đáng tin cậy nhất của giai cấp vô sản cách mạng và của bộ phận nông dân không bóc lột phải trở thành những cán bộ quản lý và xây dựng nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ trọng đại này thật sự không dễ dàng, bởi tình trạng yếu kém của đội ngũ cán bộ khi đó là một thực tế không thể phủ nhận. Những khó khăn thường trực và nhiệm vụ của đảng cầm quyền và nhà nước phải giải quyết như: thiếu vắng trầm trọng số cán bộ, nhất là những cán bộ lãnh đạo chính trị có học thức, có văn hóa và có khả năng quản lý đất nước; không ít cán bộ lãnh đạo đã bị tiêm nhiễm bởi căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản hay bởi “những tập quán, quan hệ, thói quen, tâm lý… mang tính chất tiểu tư sản”, tham ô, nhận hối lộ, bè phái, đặc quyền đặc lợi, thiếu trách nhiệm đối với công việc. Đặc biệt, V.I.Lênin đã phê phán và nêu cao tinh thần cảnh giác với hiện tượng một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý mắc căn bệnh quan liêu. Những cán bộ này đã “thiếu nghiên cứu kinh nghiệm thực tế, thiếu trao đổi kinh nghiệm, thiếu kiểm tra lẫn nhau”, không biết dựa vào kinh nghiệm địa phương để kiểm tra tính đúng đắn của nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và lấy sự lãnh đạo của Trung ương để kiểm tra thực tiễn địa phương. Ông cũng chỉ ra đây là nguy cơ thường trực và hàng đầu với sự tồn tại của đảng và chính quyền. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ của nhà nước phải gắn liền với cuộc đấu tranh chống sự lệch lạc quan liêu chủ nghĩa để đảm bảo mối quan hệ vững chắc giữa nhà nước và nhân dân. Trách nhiệm của Đảng là phải xác định được động lực, mục tiêu chính xác cho mỗi thời kỳ, “tìm cho ra cái mắt xích đặc biệt mà người ta phải đem toàn lực ra nắm lấy để giữ vững được toàn bộ cái xích và chuẩn bị để chuyển vững chắc sang mắt xích kế bên; hơn nữa trình tự nối tiếp, hình thức, mối liên hệ của các mắt xích và những đặc điểm của khác nhau của mắt xích này với mắt xích khác trong cái xích những sự biến lịch sử, đều không đơn giản, và cũng không phải sơ sài như trong cái xích thường do bàn tay người thợ rèn làm ra”.
V. I. Lênin chỉ ra nhiệm vụ của đảng cầm quyền trong công tác tư tưởng “thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”. Nhiệm vụ này không chỉ đặt ra trước khi đảng cầm quyền mà phải coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Nhiệm vụ thứ hai của đảng là “giành lấy chính quyền, đập tan sự phản kháng của bọn bóc lột”. Đây cũng trách nhiệm không thể lơi là của đảng bởi kể cả khi có chính quyền trong tay rồi, các thế lực phản động vẫn luôn luôn có âm mưu chống phá, lật đổ chính quyền ấy.
Trách nhiệm quan trọng được coi là “chủ yếu, trung tâm” của đảng là lãnh đạo nhà nước tổ chức và quản lý xã hội. Trách nhiệm, nhiệm vụ chủ yếu của đảng chuyển từ “thuyết phục nhân dân và dùng lực lượng quân sự trấn áp bọn bóc lột sang nhiệm vụ chủ yếu là quản lý”. Trách nhiệm và cũng là yêu cầu đối với đảng trong điều kiện đã có được chính quyền trong tay là phải nâng cao năng lực “tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn”. V.I.Lênin cũng khẳng định, đây là “nhiệm vụ khó khăn nhất vì vấn đề là phải tổ chức theo phương thức mới những cơ sở sâu xa nhất, những cơ sở kinh tế của đời sống của hàng chục và hàng chục triệu con người. Đó cũng là nhiệm vụ cao cả nhất vì chỉ sau khi đã thực hiện được nhiệm vụ ấy (trên những nét chủ yếu và cơ bản của nó) thì mới có thể nói rằng nước Nga không những đã trở thành một nước cộng hòa Xô - viết, mà còn là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa nữa”.

2 nhận xét:

  1. Nội dung bài viết này rất hay, tôi rất thích

    Trả lờiXóa
  2. Trách nhiệm và cũng là yêu cầu đối với đảng trong điều kiện đã có được chính quyền trong tay là phải nâng cao năng lực “tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn”

    Trả lờiXóa