Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

QUAN NIỆM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ QUAN LIÊU, THAM NHŨNG

* Quan niệm về quan liêu: Theo Hồ Chí Minh thì quan liêu là xa rời thực tế, xa rời quần chúng, nó đối lập với dân chủ, đối lập với quyền lợi chính đáng của dân chúng.
Gốc rễ sâu xa của quan liêu và mọi chứng bệnh khác của thể chế nhà nước là chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ ở những người có chức, có quyền. Hồ Chí Minh đã phát hiện và đánh giá bản chất của quan liêu không chỉ ở thể chế, cơ chế mà còn ở đạo đức, phẩm hạnh cán bộ. Nó biểu hiện rõ nhất ở thái độ và hành động của các quan chức và công chức nói chung đối với dân chúng.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, vì sao quan liêu? Hồ Chí Minh tự trả lời: quan liêu là do xa dân, ghét dân, không tin dân, sợ dân, không thương dân và coi thường dân, đứng trên dân chúng để ra lệnh chứ không hòa mình vào dân chúng để bàn bạc dân chủ với dân, phát huy sức mạnh của dân, thuyết phục dân và phục vụ tận tụy dân chúng.
Để đấu tranh chống quan liêu theo Hồ Chí Minh thì phải ra sức phát huy thực hành dân chủ, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trao dồi đạo đức cách mạng.
Tham nhũng gắn liền với quan liêu, nhiều khi từ quan liêu dẫn đến tham nhũng. Bởi trong thực tế không phải cứ quan liêu thì tất sẽ tham nhũng.
* Quan niệm về tham nhũng:
Tham nhũng có nhiều quan niệm khác nhau, quan điểm được thừa nhận rộng rãi thì tham nhũng là hành vi của con người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng quyền hạn để tham ô, nhận hối lộ, hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ lợi nhuận, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, tập thể, cá nhân.
Đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh sống còn để bảo vệ và giữ vững chế độ, để làm lành mạnh môi trường xã hội, làm trong sạch thể chế Đảng và Nhà nước, làm cho đạo đức tinh thần và môi trường xã hội - nhân văn khỏi bị ô nhiễm. Ngày nay, sự ô nhiễm này rất nặng nề và nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến mất ổn định và rối loạn chính trị - xã hội. Tham nhũng là hành vi phản nhân văn, trái đạo lý, một hành vi chống xã hội được xác định là một tội phạm và phải được nghiêm trị theo pháp luật.
Tham nhũng như một vật thể gây bệnh nguy hiểm mà Hồ Chí Minh gọi là một thứ vi trùng độc hại nhất len lỏi vào cơ thể xã hội làm cho cơ thể đó mang bệnh, suy yếu, thậm chí có thể chết. Kết cục ấy là sự mục rỗng từ bên trong rồi đổ vỡ nếu thể chế không có sức đề kháng, ngăn chặn và chống lại tham nhũng bằng những giải pháp quyết liệt, triệt để và hữu hiệu. Có quan điểm cho rằng tham nhũng bắt đầu từ quyền lực nhà nước, còn các hình thức quyền lực chính trị khác thì còn tham nhũng. Mà chống tham nhũng lại gắn liền với quyền lực nhà nước và Đảng chính trị cầm quyền, song mức độ của nó lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm phòng chống của từng Chính phủ, vào điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị từng quốc gia. Nếu Chính phủ nào quan tâm phòng, chống một cách tích cực có hiệu quả thì hạn chế được nó. Ngược lại nếu không quan tâm rồi buông lỏng kỷ cương, thiếu biện pháp đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả, đặc biệt là khi tệ tham nhũng nằm ngay trong cơ quan nhà nước cấp cao thì tệ nạn này phát triển khôn lường. Một nhà nước có bộ máy và đội ngũ công chức trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả, từ chế định luật lệ đến thi hành luật lệ, thì ít tạo ra ham muốn và cơ hội tham nhũng, đồng thời có nhiều giải pháp để ngăn chặn lòng ham muốn và cơ hội tham nhũng nảy nở từ cơ chế thị trường.


2 nhận xét: