Trước hết,
nói về chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác do hai người thầy vĩ đại của giai cấp
công nhân là Mác và Ăngghen sáng lập vào giữa thế kỷ XIX. Xuất phát từ thực
tiễn phong trào đấu tranh đang phát triển mạnh mẽ của giai cấp công nhân và
nhân dân lao động chống lại sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản, đòi hỏi phải
có một lý luận khoa học hướng dẫn, Mác và Ăngghen đã vận dụng và kế thừa có phê
phán các tư tưởng tiên tiến của lịch sử nhân loại trước đó, bao gồm: Triết học
cổ điển Đức, Kinh tế chính trị học cổ điển Anh và Chủ nghĩa xã hội không tưởng
Pháp, xây dựng lên học thuyết cách mạng đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Chủ nghĩa Mác
được cấu thành từ ba bộ phận: Triết học Mác, Kinh tế chính trị học Mác và Chủ
nghĩa xã hội Mác, thống nhất với nhau, liên hệ biện chứng không tách rời nhau,
tạo nên hệ thống học thuyết cách mạng, khoa học và nhân đạo. Triết học Mác là
thế giới quan và phương pháp luận của giai cấp công nhân, là vũ khí tư tưởng để
giai cấp và chính đảng của nó nhận thức, cải tạo thế giới. Kinh tế chính
trị học Mác trình bày học thuyết giá trị thặng dư, vạch trần bản chất bóc
lột của giai cấp tư sản, vạch rõ bản chất, quy luật khách quan về nguồn gốc
hình thành, phát triển và diệt vong của CNTB, chỉ rõ vai trò và sứ mệnh lịch sử
của giai cấp vô sản trong xã hội tư sản, cung cấp căn cứ lý luận cho hoạt động
đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản. Chủ nghĩa xã hội khoa học Mác lấy
triết học Mác và kinh tế chính trị học Mác làm nền tảng lý luận, trình bày điều
kiện và quy luật phát triển của phong trào giải phóng giai cấp vô sản, chỉ ra
con đường đúng đắn giải phóng triệt để giai cấp vô sản.
Đánh giá chủ
nghĩa khoa học Mác, Lênin cho rằng: “Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở
chỗ nó đã làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản”(1), “nó
cung cấp cho loài người và nhất là cho giai cấp công nhân những công cụ nhận
thức vĩ đại”(2). Lênin chỉ rõ: “Toàn bộ thiên tài của Mác chính là ở chỗ ông đã
giải đáp được những vấn đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại nêu ra...”(3).
Lênin đã ra sức bảo vệ lý luận Mác, phê phán không khoan nhượng với mọi loại kẻ
thù tư tưởng xét lại và cơ hội; đồng thời, chú trọng tổng kết kinh nghiệm thực
tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân thế giới, dựa trên những kết
quả mới của khoa học, bổ sung, phát triển cơ sở lý luận của Mác với tinh thần
biện chứng duy vật.
Hai là, về
chủ nghĩa Lênin. Ra đời vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở nước Nga, chủ
nghĩa Lênin bao gồm các lý thuyết kinh tế và chính trị XHCN được phát triển
từ chủ nghĩa Mác, cũng như cách giải thích của Lênin, học thuyết Mác cho
ứng dụng thực tế với điều kiện chính trị - xã hội của đế quốc Nga nông nghiệp
đầu thế kỷ XX. Lênin đã vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp chủ nghĩa
Mác để nghiên cứu những tình hình mới, những đặc điểm mới về sự phát triển của
CNTB ở giai đoạn tột cùng là chủ nghĩa đế quốc. Dựa vào quy luật phát triển
không đều về kinh tế - xã hội các nước, Lênin đã đề ra luận điểm “cách mạng vô
sản có thể nổ ra và thắng lợi ở một số nước, thậm chí ở một nước lạc hậu”, tạo
ra bước đột phá, sáng tạo trong học thuyết của Mác và Ăngghen: “CNXH chỉ có thể
giành thắng lợi trước tiên ở các nước công nghiệp phát triển phương Tây”. Luận
điểm này, đã giúp Lênin giải quyết kịp thời những vấn đề cơ bản của cách mạng
vô sản Nga và chính Người đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga giành được thắng
lợi vĩ đại, mở ra thời đại mới: Thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi
toàn thế giới.
Những cống
hiến vĩ đại của Lênin cả về lý luận và thực tiễn, nhất là sau này, với Chính
sách kinh tế mới (NEP), chuyển trọng tâm của cách mạng sang phát triển
kinh tế và văn hóa, thực hiện các hình thức “quá độ gián tiếp “quá độ đặc biệt”
và “những biện pháp trung gian”; kết hợp đan xen thành quả của CNXH với những
thành tựu văn minh của nhân loại mà CNTB đạt được là một bước tiến có ý thức và
có tính hiện thực. Các biện pháp xây dựng CNXH do Lênin đề ra, một mặt đã phát
huy mạnh mẽ nguồn năng lực dồi dào của các thành phần kinh tế, những “sáng kiến
vĩ đại” của quần chúng nhân dân; mặt khác, “dùng cả hai tay để lấy những cái
tốt đẹp của nước ngoài” phục vụ cho công cuộc xây dựng CNXH.
Chủ nghĩa Lênin
trở thành học thuyết “chắc chắn nhất, chân chính nhất và cách mệnh nhất”(4), đã
góp phần làm hoàn chỉnh hơn hệ thống lý luận của Mác, Ăngghen. Những tư duy
“mới mẻ” của học thuyết Lênin kết hợp với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa
Mác, được những người cộng sản và giai cấp công nhân quốc tế trân trọng gọi là
chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, lấy đó làm chỉ dẫn lý luận, kim chỉ nam cho
mọi hành động của cách mạng vô sản.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ nam cho mọi hành động và không bao giờ lỗi thời cả
Trả lờiXóaBạn nói rất chính xác
Xóa