Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

TÍNH HAI MẶT CỦA LIÊN MINH QUÂN SỰ

“Liên minh quân sự là sự liên kết hoạt động quân sự giữa hai hoặc nhiều nước hay tập đoàn chính trị trên cơ sở thống nhất về mục đích và lợi ích. Tùy thuộc vào mục đích chính trị, liên minh quân sự có thể là tiến bộ hay phản động, tự vệ hay xâm lược”. Theo đó có thể thấy: (1). Liên minh quân sự tất yếu không chỉ hỗ trợ và ràng buộc nhau về quân sự mà còn cả chính trị và kinh tế; (2). Liên minh quân sự phải dựa trên cơ sở thống nhất về mục đích và lợi ích, trước hết là phải chấp nhận các điều kiện có đi, có lại về chính trị, kinh tế, nhiều khi là cả chủ quyền quốc gia; (3). Tùy theo mục đích chính trị, kinh tế, “lợi lộc” đến đâu mà các nước liên minh trước sau sẽ bộc lộ bản chất tiến bộ - phản động, tự vệ - xâm lược, chính nghĩa - phi nghĩa, vụ lợi - cùng có lợi.
Như vậy, liên minh quân sự có hai dạng, tích cực và tiêu cực, tùy theo mục đích, bản chất chính trị, kinh tế của các bên tham gia liên minh. Nếu liên minh đó là chính nghĩa, trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, thì nó sẽ phát huy tác dụng trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của các bên tham gia, đóng góp chung cho sự tiến bộ của nhân loại. Ngược lại, liên minh đó là phản động, phi nghĩa, thì càng làm gia tăng căng thẳng và đối đầu giữa các nước, các khối quân sự; tạo nguyên cớ để các nước có mưu đồ xấu, các khối quân sự chạy đua vũ trang, đẩy mạnh hoạt động, tăng cường hiện diện quân sự, đẩy thế giới, khu vực và đất nước đến “miệng hố chiến tranh”. Thậm chí, các tập đoàn tài phiệt, tập đoàn quân sự hùng mạnh hay các thế lực phản động thỏa hiệp với nhau, thực hiện chính sách hai mặt đối với các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu bị lôi kéo, ép buộc vào liên minh, buộc các quốc gia, dân tộc phải từ bỏ một phần hoặc hy sinh những lợi ích căn bản của mình, đặc biệt là quyền dân tộc tự quyết, độc lập chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia để phục vụ cho mục đích của họ, nhất là khi đối tác liên minh đạt được thỏa hiệp có lợi ích lớn hơn với nước đang là đối tượng gây ra xung đột, chiến tranh với mình...
Thực tiễn lịch sử thế giới gần đây cho thấy, các cuộc chiến tranh và xung đột khắp Nam Âu đến Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi mấy thập niên qua, điển hình như nội chiến ở Xy-ri, xung đột ở Ucraina,… đều chỉ ra, một trong những nguyên nhân và “ngòi nổ” của nó là chính sách đối nội và đối ngoại thiếu sự nhất quán của đảng cầm quyền và của chính phủ các nước đó. Chính phủ và ngay cả một bộ phận nhân dân các nước này luôn trông chờ sự “cứu giúp” của các thế lực bên ngoài. Họ biết đâu rằng, đằng sau những hành động và việc làm tưởng như vô tư đó là cả một mưu đồ tham vọng về lợi ích chiến lược của các cường quốc, mà hậu quả để lại cho nhân dân các nước đó không chỉ là phá hỏng không gian kinh tế - xã hội, kéo lùi sự phát triển của đất nước, mà còn là cảnh “nồi da nấu thịt”, chia cắt, tàn phá đất nước; chế độ và nhà nước có chủ quyền bị thủ tiêu hoặc luôn đối mặt với các nguy cơ bất ổn. Điều này cho thấy, giữ vững độc lập, tự chủ là bài học xương máu trong quan hệ quốc tế của mỗi quốc gia, dân tộc. Các nước tham gia liên minh quân sự đều có lợi ích riêng của mình. Vì vậy, các quốc gia phải cân nhắc cái được và cái mất để quyết định trước khi tham gia hay không tham gia liên minh. Việt Nam chủ trương không liên minh quân sự là hoàn toàn phù hợp và sáng suốt; là điều kiện quan trọng để giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

2 nhận xét:

  1. Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả đã chia sẻ

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta không thể liên minh quan sự với bất kể nước nào khác

    Trả lờiXóa