Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

TẤM GƯƠNG LÀM VIỆC KHOA HỌC, ĐỔI MỚI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Cùng với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân và đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm việc hết sức khoa học, luôn tìm tòi, đổi mới để đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất. Điều này được thể hiện ở những điểm sau:
Làm việc gì cũng luôn đi sâu đi sát, nghiên cứu, điều tra, khảo sát kỹ lưỡng
Trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định, giải pháp nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn chắc chắn, có độ tin cậy cao. Người không quyết định theo cảm tính, chủ quan, mà nghe nhiều bên, có phân tích, xem xét, đánh giá một cách khách quan rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Người nói: “So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học”. Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi “gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”. Cách làm khoa học này là cơ sở cho việc lãnh đạo đúng, trúng, sát hợp thực tế, tình hình.
Trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, bên cạnh việc tham vấn bộ máy, đội ngũ trợ lý, giúp việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp đi nghiên cứu, khảo sát, tiếp xúc với cơ sở, địa phương để tìm hiểu thực tế, nắm bắt tình hình, thu thập thông tin cụ thể. Người chỉ rõ, muốn lãnh đạo đúng, trước hết phải quyết định mọi vấn đề cho đúng. Muốn quyết định cho đúng, trước tiên phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên khi xử lý và giải quyết công việc cần phải tôn trọng hiện thực khách quan, không “tô hồng”, bóp méo sự thật, phải có tầm nhìn xa rộng, tránh rơi vào những việc sự vụ, thiển cận. Theo Người, khi ra quyết định công tác, xác định cách tổ chức, cách làm việc thì phải luôn căn cứ vào tình hình thực tế, xem xét mọi mặt. Người phê phán gay gắt những cán bộ mắc bệnh quan liêu, hình thức, ngồi bàn giấy chỉ nghe người ta báo cáo rồi ra quyết định, mà không nắm rõ tình hình thực tế,…
Làm việc có chương trình, kế hoạch
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc theo chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, chi tiết hằng năm, quý, tháng, tuần, từ dài hạn, trung hạn, đến ngắn hạn. Theo Người, chương trình, kế hoạch làm việc cần khoa học, cụ thể, chi tiết, không nên tham lam, thiết thực, vừa sức, “chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được”.
Người yêu cầu, cần đặt kế hoạch cho sát hợp. Kế hoạch đặt ra để mình và mọi người thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Người chỉ ra khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là của người lãnh đạo là: “Chương trình công tác thì quá rộng rãi mà kém thiết thực. Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để”. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên thường mắc phải khuyết điểm là đầu tư nhiều công sức vào việc vạch ra chương trình, kế hoạch, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho được kế hoạch, chương trình đã đề ra. Hơn nữa, chương trình, kế hoạch này thực hiện chưa xong, chưa biết kết quả thực hiện ra sao đã nghĩ đến chương trình, kế hoạch khác; hoặc xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc, nhưng cách sắp đặt công việc không khéo, ôm đồm làm nhiều việc cùng một lúc, hoặc làm không đúng, lại thiếu những biện pháp thích hợp, thiếu quyết tâm, nên chương trình, kế hoạch đặt ra đều không thực hiện được. Do vậy, Người nhắc nhở: “Kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, và quyết tâm phải ba phần, có như thế mới có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch”.
Làm việc gắn với kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm
Thực hiện quan điểm của V.I.Lê-nin: Lãnh đạo không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Mục đích của kiểm tra là để xem các cấp thực hiện có đúng đường lối, chính sách không, để nắm được chất lượng, tiến độ công việc, tuân thủ quy trình, các bước tiến hành triển khai công việc,… Người chỉ ra một thực trạng: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến việc tổng kết, rút kinh nghiệm. Theo Người, mỗi khi làm xong một việc gì, dù thành công hay thất bại, đều cần tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm những việc làm được, hoặc còn chưa làm được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc làm cơ sở cho việc bổ sung, phát triển lý luận, đề ra chủ trương, biện pháp một cách sát hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn. Trong thực tế quá trình lãnh đạo, Người thường xuyên kiểm tra, kiểm soát từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên để có cái nhìn đúng đắn, khách quan về hoạt động của cán bộ, đảng viên, cũng như của các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Làm việc phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm và nắm điển hình
Người yêu cầu người cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ; phải lãnh đạo toàn diện và cụ thể, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi đến chốn. Hồ Chí Minh phê phán căn bệnh “hữu danh vô thực” ở không ít cán bộ, đảng viên: “Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít, suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch… Thế là không làm tròn nhiệm vụ của mình. Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”.
Luôn đổi mới, sáng tạo trong công việc
Người luôn suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới trong công việc, không cứng nhắc, bảo thủ, đóng khung, cố chấp, mà rất linh hoạt, mềm dẻo khi xử lý, giải quyết từng vấn đề, sự việc cụ thể. Một ví dụ để minh chứng cho nhận định trên: Khi dự thảo công văn cho Bác, anh em giúp việc thường dựa vào các văn bản cũ đã được Người duyệt để làm theo. Không ngờ, có lần Người lại sửa khác đi. Anh em giúp việc có ý thanh minh: Thưa Bác, cháu thấy trong văn bản trước Bác đã thông qua một câu như vậy rồi ạ. Người nói, lần trước Bác chưa nghĩ ra, lần này Bác thấy phải sửa tiếp cho tốt hơn. Có thể thấy, phong cách làm việc của Người là luôn đổi mới, sáng tạo, không cứng nhắc, không chấp nhận tư duy lối mòn, kinh nghiệm chủ quan, mà hướng tới sự mới mẻ, hiệu quả để ngày càng đạt kết quả tốt hơn.

2 nhận xét:

  1. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.

    Trả lờiXóa
  2. Mọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.

    Trả lờiXóa