Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

TIẾP TỤC QUÁN TRIỆT, THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC TÔN GIÁO TRONG TÌNH HÌNH MỚI


     Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo; nhiều người Việt Nam có tín ngưỡng tôn giáo. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 1 năm 2019, Nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự.  Tôn giáo của người Việt Nam có tính dung hợp, đan xen, hòa đồng cao; đại đa số tín đồ, chức sắc tôn giáo là người lao động, trong đó chủ yếu là nông dân; chức sắc tôn giáo, nhà tu hành của các tôn giáo ở Việt Nam khá đông đảo; các tôn giáo ở Việt Nam có quan hệ quốc tế rộng rãi; hiện nay tôn giáo ở Việt Nam có những biến thái mới theo hướng thế tục hóa, thương mại hóa, xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới; tôn giáo ở Việt Nam luôn là đối tượng trong chính sách lợi dụng của các thế lực thù địch để chống phá sự nghiệp cách mạng. Đồng bào có tôn giáo là một bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác tôn giáo (CTTG) có vai trò quan trọng nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo của đồng bào, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
     Trong những năm qua, mặc dù công tác tôn giáo đã đạt được nhiều kết quả đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và hội nhập quốc tế của đất nước: Nhận thức của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về tôn giáo và công tác tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực; công tác quản lý nhà nước về tôn giáo có những tiến bộ, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện; hoạt động đối ngoại về tôn giáo từng bước được mở rộng; hệ thống chính trị vùng có đạo… được củng cố, tăng cường; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bình đẳng giữa các tôn giáo được quan tâm, tôn trọng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; các tổ chức tôn giáo được công nhận cơ bản hoạt động theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, phát huy được những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội.
     Tuy nhiên, CTTG vẫn còn một số hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền chức sắc, đồng bào có đạo chưa thực sự đổi mới và phù hợp với thực tiễn. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số vùng giáo còn yếu kém; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật ở một số nơi còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về đất đai liên quan đến tôn giáo ở nhiều nơi còn bất cập, tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, hiến tặng đất trái pháp luật, khiếu kiện liên quan đến đất đai tôn giáo chưa được giải quyết dứt điểm. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ờ những nơi đông đồng bào có đạo còn thiếu và yếu về năng lực. Còn tình trạng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chống Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hiện tượng tà đạo, mê tín dị đoan có xu hướng gia tăng. Đảng ta xác định: “Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm sâu sắc về công tác tôn giáo trong tình hình mới, còn mặc cảm, thờ ơ, cực đoan với tôn giáo. Công tác dự báo, nắm bắt tình hình, tham mưu, quản lý hoạt động tôn giáo còn hạn chế. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết và đổi mới phương thức vận động quần chúng đối với địa bàn có đông đồng bào tôn giáo còn chưa thường xuyên, hiệu quả”.

2 nhận xét:

  1. Nội dung bài viết rất bổ ích, xin cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  2. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo có những tiến bộ, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện hơn

    Trả lờiXóa