Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

NHẬN DIỆN NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ QUYỀN QUỐC GIA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Các thế lực, thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang triệt để lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động bôi nhọ, vu khống, xuyên tạc đường lối, quan điểm, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước ta và những đồng chí lãnh đạo cấp cao,… chúng triệt để lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, chủ quyền quốc gia để phá hoại nền tảng tư tưởng, đẩy mạnh khoét sâu các mâu thuẫn tồn tại trong xã hội để hô hào, kích động biểu tình, bạo loạn, kêu gọi các quốc gia khác can thiệp và tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền; tuyên truyền gây mất đoàn kết và phá hoại nội bộ lãnh đạo, gây suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước… nhằm thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá Việt Nam. Chúng sử dụng các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, Zalo, Viber,… để tuyên truyền, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, từng bước triển khai thực hiện mục tiêu thay đổi chế độ chính trị nước ta. Thực tiễn đã chứng minh, trước, trong và sau các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, chúng luôn tận dụng tối đa không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, cần chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, truyền thông, không gian mạng và trật tự an toàn xã hội.

Lợi dụng không gian mạng để hoạt động gián điệp

Không gian mạng đã và đang trở thành môi trường để các thế lực thù địch tiến hành các hoạt động gián điệp nhằm vào Việt Nam. Các hoạt động thu thập bí mật quốc gia, tình báo, gây nhiễu loạn thông tin và tấn công mạng đe dọa nghiêm trọng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đã và đang tác động lớn đến ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Thời gian qua, cơ quan đặc biệt nước ngoài đã tiến hành tuyển lựa công dân Việt Nam qua không gian mạng, có những trường hợp đã được các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện, bóc gỡ. Bên cạnh đó, các cơ quan đặc biệt nước ngoài còn triệt để lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động xâm nhập gián điệp, thu thập tin tình báo chống Việt Nam. Các hoạt động này được tiến hành thông qua các mã độc, phần mềm gián điệp được cài sẵn trong các phần mềm, ứng dụng, các thiết bị số làm quà tặng, bán ra thị trường hoặc có thể cài đặt từ xa thông qua in-tơ-nét. Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), hằng năm có hàng triệu mã độc tấn công các máy tính của Việt Nam, với hàng nghìn virus máy tính mới xuất hiện và hàng trăm website của các cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công, xâm nhập.

Gây tình trạng mất an ninh, an toàn thông tin mạng và đánh cắp dữ liệu

Việt Nam đang phụ thuộc vào thiết bị hạ tầng và hệ thống công nghệ mạng lõi do các công ty nước ngoài cung cấp và luôn thường trực nguy cơ bị nước ngoài kiểm soát, giám sát. Phần lớn hạ tầng công nghệ phần cứng của Việt Nam, từ các hạ tầng lõi cho đến các thiết bị cá nhân đều nhập từ nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc và Mỹ. Các hãng bảo mật và cơ quan chức năng nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã chứng minh và cảnh báo về các mã độc, “cửa hậu” được cài sẵn trong các thiết bị trước khi xuất xưởng, cho phép đối phương có thể truy cập, kiểm soát từ xa. Bên cạnh đó, nhiều trang thiết bị mạng sử dụng trong nước, gồm cả các trang thiết bị của các cơ quan, tổ chức nhà nước có xuất xứ nước ngoài. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, nhất là về an ninh, an toàn mạng cũng dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát được các vấn đề an ninh, an toàn mạng. Đáng chú ý, nhận thức của một số cấp lãnh đạo, quản lý, ý thức và kỹ năng về an ninh, an toàn mạng của người sử dụng tại Việt Nam còn hạn chế, trong đó có cả cán bộ thuộc các bộ phận cơ mật, thiết yếu, nắm quyền quản trị các hệ thống quan trọng, liên quan đến nhiều bí mật nhà nước.

Có thể nói, hoạt động chống phá trên không gian mạng ở nước ta đang gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh trong khu vực, nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém về an ninh, an toàn mạng của các cá nhân và tổ chức, do đó các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá đường lối, quan điểm về chủ quyền quốc gia và đánh cắp bí mật quốc gia trên không gian mạng.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nâng cao cảnh giác và đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động

    Trả lờiXóa