Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

XÂY DỰNG QUAN HỆ ĐỒNG MINH VỚI HOA KỲ TRONG CUỘC ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC

Trước Cách mạng tháng Tám, Mặt trận Việt Minh đã thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ, quốc gia giữ vai trò chủ chốt trong phe Đồng Minh. Đó là lý do để Chủ tịch Hồ Chí Minh khảng khái tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập: "Một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh mấy năm nay"…

Ngoài tiếp xúc và thiết lập quan hệ với Trung Hoa dân quốc, một trong những lực lượng Đồng Minh mà Việt Minh quan tâm là Hoa Kỳ.

Các hoạt động tình báo của Hoa Kỳ nhắm đến Đông Dương thực sự bắt đầu ở Trung Quốc vào tháng 5/1942 khi Đại úy Hải Quân Mỹ Milton Edward Miles đã đến Trung Quốc với nhiệm vụ thiết lập cơ sở tình báo, chuẩn bị những điều kiện cho các cuộc đổ bộ của Hải quân Hoa Kỳ những năm sau đó.

Về phía Việt Minh, sự quan tâm đến Hoa Kỳ được đẩy lên một bước mới từ cuối năm 1942, khi Chiến tranh thế giới thứ hai có những biến chuyển hết sức nhanh chóng, nhất là khi chiến tranh tại khu vực Thái Bình Dương đang ngày càng khốc liệt.

Việt Minh nhận thấy đây là cơ hội tốt cho việc tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với công cuộc giải phóng dân tộc. Đặc biệt, nắm bắt nhu cầu tin tức của Hoa Kỳ về tình hình trên bán đảo Đông Dương, Hồ Chí Minh và Việt Minh chủ trương chủ động bắt liên lạc và đứng hẳn về phía Hoa Kỳ và phe Đồng Minh, thể hiện quyết tâm chống quân phiệt Nhật.

Mùa Đông năm 1944, một chiếc phi cơ của không quân Mỹ bị quân Nhật bắn rơi trên địa phận xã Đề Thám (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, Trung úy phi công William Shaw phải nhảy dù xuống một vùng núi gần đó.

Trong khi đang bị cả quân đội Nhật Bản và Pháp lùng bắt, phi công Shaw đã được một người dân địa phương giúp đỡ và dẫn đường thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đến ấn náu ở một hang núi.

Dưới sự sắp xếp của một cán bộ Việt Minh, Trung úy Shaw được đưa tới gặp Phạm Văn Đồng và ông lập tức cử người đưa Trung úy Shaw đi gặp Hồ Chí Minh (lúc này đang ở tại biên giới Việt Nam- Trung Quốc).

Đầu tháng 3/1945, Hồ Chí Minh thực hiện chuyến đi tới Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), giúp đưa phi công W. Shaw trở về Tập đoàn không quân số 14 của Hoa Kỳ (ở Côn Minh lúc đó có Bộ Tổng tham mưu lục quân của Tướng Hà Ứng Khâm, Bộ Tư lệnh Không Quân Hoa Kỳ, phái đoàn quân sự Anh và một phái đoàn quân sự Pháp).

Hoa Kỳ đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Việt Minh và Hồ Chí Minh, ngỏ ý tặng thuốc men, tiền bạc giúp đỡ Việt Minh.

Sau khi Nhật tiến hành chiến dịch Meigo, đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, kiểm soát hoàn toàn Đông Dương, Hoa Kỳ chủ trương ủng hộ việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bất kỳ tổ chức nào tại Đông Dương thuộc Pháp giúp đỡ một cách hiệu quả việc giải thoát lính Mỹ. Theo đánh giá của OSS thì “Việt Minh như một bộ máy kháng chiến hiệu quả duy nhất ở Việt Nam”, là một lực lượng có thể tin cậy được trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít.

Tại Côn Minh, các tháng 3 và 4/1945, nhân danh Việt Minh, Hồ Chí Minh tích cực tiếp xúc với cơ quan cứu trợ không quân Hoa Kỳ (AGAS), Trung úy Charles Fenn, Tướng Chenault và Thiếu tá tình báo Hoa Kỳ A. Patti …, vận động công nhận tổ chức Việt Minh như một thành viên trong lực lượng chống phát xít.

Tiếp xúc với những nhân vật này, Hồ Chí Minh chuyển cho họ những thông tin về những cuộc chuyển quân mới nhất của quân đội Nhật Bản ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, khẳng định những hoạt động quân sự dọc theo biên giới Việt - Trung là âm mưu mới của Nhật, nhằm phòng ngừa một cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh vào Đông Dương.

Hồ Chí Minh cam kết Việt Minh sẽ sẵn sàng làm việc và cộng tác chặt chẽ với lực lượng không quân, tình báo của tướng Claire Chennault, với OSS, Cơ quan thông tin chiến tranh Hoa Kỳ (OWI) để cung cấp tin tức về quân đội Nhật Bản và các mục tiêu hoạt động của họ.

Hồ Chí Minh cũng giải thích cho Hoa Kỳ hiểu rằng, Việt Minh là một tổ chức đa năng, vừa là tổ chức chính trị, vừa là lực lượng vũ trang. Lực lượng này đã tổ chức thành những đơn vị du kích và đã tích cực tiến hành một cuộc chiến đấu không cân sức chống lại quân phiệt Nhật.

Hồ Chí Minh khẳng định: Ở Đông Dương, không còn lực lượng nào khác chống lại quân phiệt Nhật ngoài Việt Minh; nêu rõ quan điểm nhất quán của Việt Minh là ủng hộ và đứng về phía Đồng Minh chống quân phiệt Nhật.

Trước thiện chí của Việt Minh và nhu cầu nắm bắt thông tin về quân Nhật ở Đông Dương, OSS và OWI có nhu cầu thiết lập mối liên hệ với Việt Minh. Do tác động của những yếu tố nói trên, cuối tháng 4/1945, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Minh và OSS đã được thiết lập.

Sau khi quan hệ được thiết lập, Mặt trận Việt Minh và lực lượng Hoa Kỳ có mặt ở Đông Dương đã phối hợp hành động, cùng hợp tác khá chặt chẽ. Người Mỹ nhận cung cấp các phương tiện thông tin liên lạc, người sử dụng các phương tiện ấy và huấn luyện người của Việt Minh có thể sử dụng chúng thành thạo. Ban không trợ mặt đất của Mỹ đã lập một mạng lưới vô tuyến điện từ Hà Nội đến Sài Gòn. Trung úy C. Fenn, phụ trách nhóm tình báo Đồng Minh hoạt động ở Việt Nam được giao nhiệm vụ làm liên lạc giữa OSS và Việt Minh.

Về phía Việt Minh, một mặt, tăng cường lực lượng du kích, mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng này; mặt khác, cung cấp những tin tức tình báo và khí tượng cho không quân Mỹ hoạt động trên chiến trường chống Nhật ở Đông Dương...

Nhờ sự giúp đỡ của Việt Minh, Hoa Kỳ dễ dàng thiết lập được một hệ thống tình báo và hệ thống này hoạt động khá hiệu quả, thu thập thông tin về Đông Dương và quân đội Nhật Bản chuyển về cho các cơ quan liên quan xử lý, ra quyết sách.

Các cán bộ Việt Minh ở Côn Minh đã in 8 vạn tờ truyền đơn tiếng Việt nhờ Không quân Mỹ đem rải ở miền Bắc Việt Nam nhằm khuếch trương thanh thế của Việt Minh, góp phần nhanh chóng nâng cao uy tín của Việt Minh như một lực lượng của phe Đồng Minh chống phát xít.

Ngày 9/5/1945, Hồ Chí Minh viết một lá thư gửi Charles Fern và Berna, cảm ơn sự giúp đỡ của Hoa Kỳ đối với Việt Minh.

Giữa tháng 5/1945, Hồ Chí Minh yêu cầu Trung uý John, báo vụ của OSS, điện về Côn Minh đề nghị thả dù một quyển Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ.

Trong tháng 5/1945, một mặt, Hồ Chí Minh gửi A Patti một bức thư cùng hai tài liệu đề nghị chuyển cho phái đoàn Hoa Kỳ ở Hội nghị Liên Hợp Quốc, kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam; mặt khác, từ Tân Trào, Hồ Chí Minh phái giao liên trao cho A. Patti (lúc này đang ở tại Côn Minh) một thông báo về việc quân đội Nhật Bản xây dựng công sự ở Cao Bằng và trên đường về Hà Nội.

Đầu tháng 6/1945, Hồ Chí Minh điện báo cho A. Patti rằng Việt Minh đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.000 quân du kích được huấn luyện tốt, tập trung ở Chợ Chu, Định Hóa.

Tháng 6/1945, khi OSS đề nghị Việt Minh bố trí cho một sân bay để máy bay cỡ nhỏ có thể lên xuống, Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ này cho Võ Nguyên Giáp thực hiện và chuẩn bị địa điểm cho sân bay tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Sau khi sân bay được hoàn tất, chiều 16/7/1945, biệt đội “Con Nai” (The Deer Team) của Cục tình báo chiến lược Hoa Kỳ do Thiếu tá Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống làng Kim Lũng (chiến khu Tân Trào), mang theo một số vũ khí, đạn dược cùng, thuốc men, khí tài thông tin liên lạc...ủng hộ Việt Minh.

Ngày 29/7/1945, biệt đội Con Mèo (Cat Team)[3] do Đại úy Holland chỉ huy nhảy dù xuống Kim Lũng và đến ngày 31/7/1945, Đội này lên đường đến khu vực khác lập căn cứ; tuy nhiên, thành viên đội Con Mèo đã bị người Nhật bắt vào giữa tháng 8/1945. Một thành viên đã trốn thoát và được người của Việt Minh đưa đến Biệt đội Con Nai. Hai thành viên khác là Đại úy Holland và Trung sĩ John Burrowes sau đó được người Nhật phóng thích tại Hà Nội và trơ thành những người Mỹ chứng kiến nền độc lập của Vệt Nam.

Để tiện cho việc tiếp tế vũ khí, đạn dược, biệt đội “Con Nai” đã cố vấn cho Việt Minh xây dựng một sân bay dã chiến ở Lũng Cò (cách Tân Trào khoảng 8 km về hướng Tây Bắc).

Qua một số lần trao đổi với A. Patti, Hồ Chí Minh đã tự mình đến xóm Lũng Cò (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) khảo sát địa hình và và tìm hiểu tình hình mọi mặt, chọn địa điểm làm sân bay để đón quân Đồng Minh.

Sau khi được xây dựng, sân bay Lũng Cò đã tiếp nhận thành công một số chuyến bay của không quân Hoa Kỳ cùng vũ khí, đạn dược... tiếp tế cho Việt Minh chống quân phiệt Nhật. Trong lúc Việt Minh còn hết sức khó khăn cùng với Việt Nam giải phóng quân vừa mới thành lập đang thiếu thốn vũ khí trầm trọng thì số lượng vật chất được Hoa Kỳ tiếp tế tuy không lớn nhưng có ý nghĩa thiết thực. Về phía Việt Minh, thời gian này, Việt Minh nỗ lực giúp Hoa Kỳ tìm những người Mỹ đang lẩn trốn khỏi sự bắt bớ của Nhật ở khu tam giác Tuyên Quang- Thái Nguyên-Bắc Cạn.

Đầu tháng 8/1945, Việt Minh tuyển lựa 200 du kích để Đội “Con Nai” huấn luyện sử dụng súng cácbin, M.A.S, tiểu liên Thomson, bazoka, cối và lựu đạn...

Từ ngày 1 đến ngày 6/8/1945, lực lượng Đồng Minh phối hợp với Việt Minh dựng trại huấn luyện và đã huấn luyện khoảng 40 du kích, đồng thời, cùng lực lượng của Việt Minh thành lập “Đại đội Việt - Mỹ” do ông Đàm Quang Trung chỉ huy, Thiếu tá A.K.Thomas làm cố vấn (Hồ Chí Minh đã gọi đội quân này là “bộ đội Việt - Mỹ”).

Đội “Con Nai” tiếp tục huấn luyện du kích Việt Minh cho đến ngày 15/8/1945, khi Tokyo tuyên bố chính thức chấp nhận đầu hàng Đồng Minh.

Sau khi Quân lệnh số 1 về Tổng khởi nghĩa được phát đi, đơn vị này đã tham dự lễ xuất quân từ cây đa Tân Trào, cùng Việt Nam giải phóng quân tiến về giải phóng Thái Nguyên.

Sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương (ngày 14 và 15/8/1945) bế mạc, thay mặt Việt Minh, Hồ Chí Minh nhờ Trung úy John gửi về Bộ Tổng hành dinh của Mỹ bức điện với nội dung khẳng định Việt Minh đã đứng về phía Đồng Minh chống phát xít và mong muốn Đông Dương có được nền độc lập như mong đợi.

Tranh thủ thời cơ do thắng lợi của phe Đồng Minh mang lại, Việt Minh quyết định phát động nhân dân vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau khi Việt Minh giành được chính quyền vào tháng 8/1945, quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ với Việt Minh thay đổi theo chiều hướng đi xuống do Hoa Kỳ muốn để ngỏ cửa cho Pháp trở lại xâm lược Việt Nam.

Mặc dù vậy, ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh một lần nữa viết thư cho Charles Fern, bày tỏ tình cảm với những người bạn Hoa Kỳ và ẩn sâu trong đó là những hy vọng về một mối bang giao Việt- Mỹ. Bức thư có đoạn: “Chiến tranh đã kết thúc. Đấy là điều tốt cho mọi người. Tôi cảm thấy áy náy khi những người bạn Mỹ phải rời chúng tôi quá nhanh. Việc ra đi của họ khỏi đất nước này có nghĩa là mối quan hệ giữa ông và chúng tôi sẽ khó khăn hơn. Chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Nhưng chúng tôi, những nước nhỏ và phụ thuộc, không có phần đóng góp hoặc đóng góp rất ít vào thắng lợi của tự do, của dân chủ. Nếu muốn đóng góp một phần xứng đáng chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn ủng hộ chúng tôi”.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu của Chính phủ Việt Minh, Hoa Kỳ đã im lặng.

Cuối tháng 8/1945, Tổng thống H.S.Truman chính thức tuyên bố với Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đang thăm Washington rằng, Hoa Kỳ ủng hộ sự trở lại Đông Dương của Pháp.

Không lâu sau ngày giành được độc lập, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đương đầu với cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp.

1 nhận xét: