Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

LOẠI BỎ THÓI PHÔ TRƯƠNG LÃNG PHÍ

Đối với cán bộ, đảng viên, thói phô trương, lãng phí chính là biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây phản cảm, tạo dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của tổ chức Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Vì thế, nhất thiết phải loại bỏ thói xấu này ngay từ trong suy nghĩ cũng như hành động.

Dư luận xã hội những ngày gần đây xôn xao khi biết thông tin về “tiệc chia tay”, “tiệc nghỉ hưu” xa hoa, diễn ra vào cuối tháng 6-2022 liên quan đến ông Ninh Văn Chủ, khi đó vẫn là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh (nhận quyết định nghỉ hưu ngày 29-7-2022). Được tổ chức trên 2 du thuyền sang trọng cập mạn trên vịnh Hạ Long, bữa tiệc được mô tả là “vô tiền khoáng hậu” về độ hoành tráng với sự tham gia của khoảng 140 người.

Ngay sau khi rà soát thông tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy bộ phận CDC Quảng Ninh và ông Ninh Văn Chủ. Sở Y tế Quảng Ninh cũng đề xuất tạm dừng việc xét tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân với ông Ninh Văn Chủ cho đến khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Thông tin về bữa tiệc khiến dư luận không khỏi bức xúc bởi sự phô trương, lãng phí đến mức phản cảm. Càng phản cảm hơn khi bữa tiệc diễn ra giữa lúc cả nước vẫn đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và ngành Y tế còn nhiều khó khăn, hàng nghìn nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc vì thu nhập chưa đủ sống.

Xét trên nhiều góc độ, soi chiếu với các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, bữa tiệc nói trên dù được chi trả bằng nguồn tiền của cá nhân cũng rất đáng lên án.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã xác định, phải khắc phục ngay tình trạng ăn uống, “liên hoan”, “gặp mặt” không lành mạnh... Điều 18 trong Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Những điều đảng viên không được làm” cũng nêu rõ: Không được tổ chức các sự kiện cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí. Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTƯ ngày 29-11-2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện Điều 18 Quy định số 37-QĐ/TƯ còn nêu cụ thể: Đảng viên không được “Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, Tết, sinh nhật, lên chức, mừng nhà mới, mừng thọ, chuyển công tác,...) một cách phô trương, hình thức, lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội”. Xét theo văn bản mới nhất là Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTƯ ngày 1-8-2022 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc tổ chức sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trên 2 du thuyền nói trên còn thuộc nhóm các hành vi tiêu cực, cần tập trung chỉ đạo phòng, chống.

Có thể khẳng định, vụ việc liên quan đến nguyên Giám đốc CDC Quảng Ninh kể trên là bài học cảnh tỉnh chung cho cán bộ, đảng viên - những người mang trọng trách làm gương cho quần chúng nhân dân về lời nói, hành động và giữ gìn thanh danh của Đảng.

Để không phát sinh thêm những vụ việc tương tự, trước hết cần phải hiểu rằng, thói phô trương, lãng phí chính là làm những việc không đáng làm, không nên làm; lẽ ra chỉ cần làm bé nhưng lại làm to. Đây là thói hư tật xấu rất dễ mắc phải bởi đặc tính khoe khoang, thể hiện của chủ nghĩa cá nhân. Đối với cán bộ, đảng viên, thói phô trương, lãng phí vừa vi phạm đạo đức cách mạng, vừa không phù hợp với đạo đức xã hội, đi ngược với văn hóa dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Trời có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính/Thiếu một phương, thì không thành đất/Thiếu một đức, thì không thành người”. Trong đó, hiểu về “Kiệm” theo tư tưởng của Bác, chính là tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, ngay cả khi đó là tiền của mình.

Trị “bệnh” trên, điều quan trọng là phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức Đảng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên... Trong đó, cần vận dụng các mô hình hay, cách làm mới, đưa việc thực hành nêu gương trở thành ý thức tự giác, việc làm hằng ngày cả khi làm việc và sinh hoạt, cả khi công tác đến lúc đã nghỉ hưu. Cần phải coi trách nhiệm nêu gương là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên; gắn cam kết với sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân.

Một giải pháp khác không thể thiếu là cấp ủy, tổ chức Đảng theo thẩm quyền phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý cán bộ, đảng viên; trước hết là nâng cao chất lượng công tác nắm bắt tình hình; chủ động, kịp thời ngăn chặn trước những hành vi có biểu hiện của thói phô trương, lãng phí...

Xét cho cùng, để không xảy ra những sự việc phô trương, lãng phí, phản cảm như trên, ý thức của bản thân cán bộ, đảng viên vẫn là quan trọng nhất. Mỗi người cần thường trực ý thức nêu gương và sâu xa là phải thực sự thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo Bác là nhu cầu, lẽ sống tự nhiên, mong muốn vươn lên, hoàn thiện chính bản thân mình.

Hãy ngăn chặn ngay thói phô trương, lãng phí, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, lối sống để góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử mới, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước!

1 nhận xét: