Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

SỨC MẠNH TOÀN DÂN TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang tim mọi cách xuyên tạc, chống phá cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Một trong những nội dung chúng thường dùng là gây mất đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nhân dân với Đảng, Nhà nước để phủ nhận thành công, kích động nhân dân chống lại chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng mà chúng ta đang đẩy mạnh với nhiều kết quả tích cực. Chúng đòi Việt Nam phải đa nguyên, đa đảng vì cho rằng nếu còn chế độ độc đảng thì sẽ không chống tham nhũng, tiêu cực được và vu cáo: Đảng chỉ lo củng cố quyền lực, tham nhũng, tiêu cực, không quan tâm đến cuộc sống của nhân dân, nhân dân không biết gì, không được tham gia gì vào việc chống tham nhũng, tiêu cực…

Đây là sự chống phá trắng trợn, thậm độc, nhưng đều đã bị thất bại trước sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác có hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Thực tiễn ở Việt Nam những năm qua đã chứng minh rõ điều đó, nhất là về việc phát huy sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chủ nghĩa Mác – Lênin và thực tế các cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cho thấy vai trò rất to lớn của quần chúng nhân dân cũng như sự cần thiết phải huy động được sự ủng hộ, đóng góp của quần chúng nhân dân vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Lênin đã nhắc nhở những người cộng sản rằng: đối với Đảng Cộng sản “…thì một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là sự tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”.

Với cách mạng Việt Nam, Hồ Chủ tịch cũng chỉ rõ sức mạnh to lớn của nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người luôn yêu cầu phải huy động được cao nhất, hiệu quả nhất sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra một trong những bài học thành công của cách mạng Việt Nam, là: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”.

Thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực những năm qua của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cũng đã chứng minh rất rõ vai trò to lớn của nhân dân trong nhiệm vụ quan trọng này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấy rõ vai trò và trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Ngay từ năm 1946, Người đã xác định: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm chính…”. Người còn chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”.

Hồ Chủ tịch cũng đề các giải pháp chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có giải pháp thực hiện dân chủ: “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên, phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công”. Người còn cho rằng: cũng như các công việc khác của cách mạng, phòng, chống tham nhũng phải có được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, vì: “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”. ”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải huy động được sức mạnh của nhân dân bằng các biện pháp tích cực, đồng bộ, trong đó có việc quan trọng là: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Đồng thời, Người căn dặn quần chúng nhân dân: “Cán bộ phải tôn trọng dân chủ, nhưng đồng bào phải đòi quyền dân chủ nhân dân của mình. Mình làm cách mạng để thực hiện dân chủ, không phải làm cách mạng để thành “Cán chủ”. Phải loại trừ cho nhanh chừng nào tốt chừng ấy các tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí”.

Trong quá trình triển khai công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng rất chú trọng đến vai trò to lớn của nhân dân. Đảng quan tâm đến việc đề ra những chủ trương, chính sách, cơ chế, các giải pháp tích cực, phù hợp trong hoạt động của Đảng cũng như của hệ thống chính trị để nhân dân có thể tham gia hiệu quả nhất vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ giải pháp là: “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí”.

Nổi bật trong thời gian qua là Đảng, hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể… đã rất quan tâm vấn đề công khai, dân chủ, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, có cơ hội tham gia hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong làm chủ của nhân dân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết của Đảng ta đã khẳng định phải: “Thường xuyên tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức vào ngày 30 – 6 – 2022 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những bài học thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là: “Chúng ta đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng của nhân dân, như lời căn dặn của Bác Hồ: Phải “động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công!”.

Tuy nhiên, việc huy động sức mạnh nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều hạn chế. Một số ý kiến phản ánh, đóng góp, phê bình… của nhân dân chưa được quan tâm xem xét, xử lý kịp thời, đúng mức. Ở một số nơi, một số lĩnh vực nhân dân chưa được tạo thuận lợi để thực hiện chức năng biết, bàn, kiểm tra, giám sát. Việc bảo vệ, động viên khen thưởng người dân có thành tích trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Những hạn chế, khuyết điểm trên cùng với các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác dẫn đến tham nhũng, tiêu cực ở nước ta vẫn còn phức tạp với nhiều hậu quả khôn lường, như Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Chính vì vậy, Đảng tiếp tục xác định phải: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”. Và để đạt hiệu quả tốt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng đề ra nhiều giải pháp kiên quyết, tích cực: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự”.

Nghị quyết Đại hội XIII còn chỉ rõ phải có cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để khen thưởng, động viên người có thành tích tốt, đồng thời ngăn ngừa, xử lý những sai phạm trong công tác này. Cụ thể là: “bảo vệ, khuyến khích những người làm công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý tham nhũng cũng như với người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ”. Đây chính là cơ sở quan trọng để nhân dân tích cực tham gia, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trước hết mỗi người dân cần làm tốt chức trách, công việc, nhiệm vụ của mình ở nơi làm việc, công tác với nhiệm vụ cụ thể được giao. Đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, quy trình về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng pháp luật hiện hành, không lợi dụng việc tham gia phòng, chống tham nhũng tiêu cực để làm sai, vu khống, có hại cho Đảng, cho cách mạng, cho đất nước và nhân dân

Với quyết tâm cao, giải pháp tích cực, sự lãnh đạo, vào cuộc quyết liệt của Đảng, hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, nhất định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam sẽ đạt kết quả tốt đẹp.


1 nhận xét: