Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG CỦA HỒ CHÍ MINH VÀO XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa bao gồm những nội dung cơ bản toàn diện về các mặt hoạt động của con người, coi con người là nguồn gốc, động lực của sự phát triển. Tư tưởng đó đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo để phát triển toàn diện con người Việt Nam, đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay xây dựng nguồn lực con người chất lượng cao, ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội; từng bước vươn lên khắc phục những hạn chế con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại. Do vậy, cần vận dụng có hiệu quả tư tưởng của Người:

Một là, thực hiện nghiêm túc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng con người xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, các cấp, các ngành và mỗi người dù ở cương vị, chức trách nào cũng phải đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao tinh thần, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao; đồng thời, cụ thể hóa, thể chế hóa thành những tiêu chuẩn, cụ thể về xây dựng con người phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương mình; phải luôn xây dựng tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi lúc, mọi nơi; nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp phải thật sự gương mẫu, trong sạch về đạo đức, lối sống, bám sát cơ sở để động viên, giúp đỡ nhân dân, qua đó cũng để lựa chọn, tuyển dụng những người có đức, có tài vào cơ quan công quyền của nhân dân, góp phần đưa quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đi vào thực tiễn cuộc sống.

Hai là, phải không ngừng chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng quan tâm về mọi mặt đối với con người.

Muốn vậy, đẩy mạnh giáo dục, đào tạo coi đó là quốc sách hàng đầu, là yếu tố quyết định đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, giao lưu hợp tác quốc tế; chú trọng đào tạo ra những con người có trình độ tay nghề cao, công tác ở những ngành, những lĩnh vực mũi nhọn, có khả năng nắm bắt và ứng dụng nhanh vào điều kiện thực tế của đất nước; xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với từng bậc học, chú ý đến việc giáo dục về đạo đức, lối sống cho học sinh; giải quyết thỏa đáng lợi ích cho các giai cấp, tầng lớp trong xã hội thông qua những cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chịu hậu quả do thiên tai, lũ lụt gây ra. Đối với từng giai cấp cụ thể có những chính sách cụ thể không được cào bằng, đánh đồng quyền lợi giữa các giai cấp với nhau.

Ba là, đẩy mạnh các chương trình, chiến lược hợp tác quốc tế và khu vực để đào tạo những con người phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.

 Thực hiện tốt nội dung trên góp phần tạo ra nguồn lực chất lượng cao cho đất nước. Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ, mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Ứng với từng ngành, từng lĩnh vực đó phải xây dựng cho họ có tinh thần phục hưng dân tộc, đóng góp vào việc dựng xây, kiến thiết đất nước, mở rộng đến các đối tượng lao động trong xã hội; đồng thời, Đảng, Nhà nước và các lực lượng có liên quan có cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý để khuyến khích, động viên người có đức, có tài để họ có thể cống hiến cho đất nước bằng hết những tài năng và tâm huyết của mình.

Bốn là, phải kết hợp giữa “xây” và “chống” trong quá trình xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Đảng ta khẳng định: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Theo đó, cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân ở các ngành, các lĩnh vực; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho các tầng lớp nhân dân không để cho các phần tử phản động lợi dụng để chống phá, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng của Đảng, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

1 nhận xét: