Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

VÕ CHÍ CÔNG – NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Đồng chí Võ Chí Công (bí danh Năm Công), nguyên Bí thư Khu ủy Khu 5, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước), tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Từ người yêu nước trở thành người cộng sản, cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công gắn liền với những năm tháng chiến tranh ác liệt và gian khổ, lăn lộn bám dân, bám địa bàn, để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng quân dân Khu 5 và đồng bào cả nước.

Người thanh niên Võ Chí Công sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ năm 1930; tháng 5-1935 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tại Chi bộ ghép Mỹ Sơn. Thông minh, nhanh nhẹn, giỏi tuyên truyền, vận động, đồng chí tích cực tham gia tổ chức cách mạng bí mật tại quê hương Tam Kỳ, Quảng Nam và gây dựng cơ sở cách mạng tại các tỉnh miền Trung.

Từ năm 1936-1939, trên cương vị Bí thư chi bộ ghép một số xã, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy Tam Kỳ, đồng chí đã lãnh đạo tổ chức đấu tranh chống lại sự đàn áp của địch, khôi phục tổ chức Đảng, giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương; kiên trì, bền bỉ giác ngộ những người yêu nước để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, tăng cường đội ngũ cán bộ cho Đảng, đồng thời nỗ lực vận động nhân dân giữ vững niềm tin nhằm duy trì, mở rộng phong trào cách mạng ở địa phương.

Với từng bước trưởng thành trong quá trình hoạt động của mình, tháng 1-1940 đồng chí được phân công đảm trách Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ rồi Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam vào tháng 3-1940. Tiếp đó, trên cương vị Ủy viên xứ ủy Trung Kỳ phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, những năm 1941-1942 đồng chí bí mật lặn lội đi khắp miền Trung, vừa lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của địch, vừa gây dựng thêm nhiều cơ sở cách mạng, tái lập hệ thống tổ chức của Đảng, phát triển rộng rãi Mặt trận Việt Minh ở Quảng Nam và Trung Bộ.

Là nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng và quần chúng nhân dân, nên đồng chí luôn là mục tiêu săn lùng của kẻ thù.

Tháng 10-1943, đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù. Mặc dù bị tra tấn rất dã man, nhưng đồng chí luôn giữ vững chí khí của người cộng sản kiên cường, không hé răng nửa lời với địch và đã kiên cường vượt qua những tháng năm bị cực hình tra tấn ở nhà tù Hội An, bị đày ải, giam cầm trong nhà đày Buôn Ma Thuột. Tháng 3-1945, đồng chí được ra tù, trở về Quảng Nam, tiếp tục hoạt động cách mạng, làm Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh, chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam – Đà Nẵng.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ở Quảng Nam – Đà Nẵng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên khu V, lãnh đạo nhân dân Liên khu V kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường chính Bắc Bộ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, tổ chức chỉ đạo quân và dân Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giành được nhiều thắng lợi to lớn.

Tháng 3-1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, quyết tâm giải phóng miền Nam. Đồng chí Võ Chí Công đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tham gia chỉ đạo đánh mở màn vào Buôn Ma Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng cố thủ. Nắm bắt thời cơ mới xuất hiện, đồng chí đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị, chớp thời cơ tiến công giải phóng Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định. Thắng lợi ở Tây Nguyên và Đà Nẵng góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta đánh thắng ý đồ kéo dài chiến tranh của Mỹ, ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975 lịch sử.

Gần 30 năm lãnh đạo quân dân Quảng Nam – Đà Nẵng và Khu V chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Võ Chí Công đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước. Những mốc son trên con đường hoạt động cách mạng thời kỳ này của đồng chí đã được ghi vào lịch sử của Đảng ta, tô đậm trang sử kháng chiến oai hùng của quân và dân Nam Trung Bộ.

1 nhận xét:

  1. Đồng chí Võ Chí Công đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước

    Trả lờiXóa