Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

QUYỀN LỰC ẢO TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Sự phát triển của công nghệ truyền thông và các nền tảng mạng xã hội đã giúp cho người sử dụng đạt được nhiều tiện ích trong tiếp nhận, chia sẻ thông tin, hình ảnh, đồng thời được bộc lộ chính kiến, quan điểm và thảo luận đa chiều về nhiều vấn đề xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tác dụng tích cực, việc sử dụng mạng xã hội (MXH) cũng gây ra rất nhiều hệ lụy cho người dùng.

“NGÁO” PHÂY, “HÁO” LIKE, “NGHIỆN” TRANH LUẬN

Với cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới vật lý đang được số hóa. Đời sống thực đang được phản chiếu vào không gian mạng. Chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh và có sóng wifi, 4G người ta có thể tham gia thế giới ảo trên MXH mọi lúc, mọi nơi. Chính vì vậy, MXH ngày càng chiếm ưu thế và là phương tiện truyền thông rộng rãi và nhanh nhất thế giới với lượng người dùng lên tới hàng tỷ người, tính tương tác cao.

Đặc trưng nổi bật của MXH là sự bình đẳng trong tranh luận và bày tỏ quan điểm chính kiến, thể hiện sự yêu – ghét đối với các vấn đề được đăng tải công khai trên các nền tảng MXH. Trên MXH, một vị giáo sư, bác tiến sỹ hay anh lái xe công nghệ, bà bán trà đá, cô công nhân vệ sinh môi trường cũng đều có quyền như nhau khi thả các nút “yêu thích”, “thương thương” hay “phẫn nộ”, “buồn chán”; đồng thời được thoải mái “bình luận” thể hiện kiến thức, cảm xúc, phông văn hóa của mình đối với một chủ đề. Các nền tảng MXH xuyên quốc gia cho phép người dùng tranh luận, đưa ra quan điểm, chính kiến cá nhân một cách công khai, “tự do” đăng tải hình ảnh, bài viết về các sự kiện mà không bị “kiểm duyệt”, không phải xác minh, không chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của thông tin, hình ảnh đã lôi kéo được rất nhiều người sử dụng. Việc tham gia MXH có nhiều đối tượng ở nhiều ngành nghề, mỗi người tham gia đều mang một tâm thế, sở thích khác nhau. Có người tham gia chỉ thuần túy giải trí, thư giãn; tìm hiểu thông tin cho công việc; người khác lại tìm kiếm lợi nhuận từ việc bán hàng “online”… Một số người nhờ những bài viết của mình mà trở thành thành KOLs (người dẫn dắt ý tưởng), có vị thế, uy tín trên MXH…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực là những mảng tối. Một bộ phận không nhỏ người dùng MXH vướng vào “quyền lực ảo” trên không gian mạng với một số biểu hiện đặc trưng sau:

Thứ nhất, mất quá nhiều thời gian truy cập MXH. Người sử dụng liên tục ở trạng thái “online”, mất thời gian lướt mạng, luôn phải tìm kiếm, nghĩ ra đề tài, bài viết nhằm duy trì lượng người người đọc, người hâm mộ. Thậm chí, MXH luôn còn khiến người dùng luôn “nơm nớp” một cảm giác FOMO (sợ hãi về việc sẽ bỏ lỡ một điều gì đó). Cảm giác này ám ảnh rằng nếu không thường xuyên vào mạng sẽ bị bỏ lỡ những điều hay ho, rồi trở thành “lạc hậu” trong mắt cộng đồng mạng.

Thứ hai, được tung hô thái quá, quên đi xuất phát điểm, quên vị trí và công việc chuyên môn của mình. Có một thực tế là, một số nhà báo, giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ công chức do đặc thù nghề nghiệp nên được tiếp cận sớm với nhiều thông tin, trong đó có những thông tin quan trọng, thông tin mang tính chất “nội bộ” hơn các đối tượng khác. Nhờ việc được tiếp cận, biết thông tin sớm cộng với có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành theo dõi nên họ viết bài đăng tải trên trang cá nhân và được cộng động mạng hưởng ứng, khích lệ bằng lượt “thích”, “chia sẻ”, “bình luận”… Hiệu ứng từ việc hưởng ứng và “tung hô” của “cư dân mạng” khiến cho người viết trước mắt có được cảm giác hân hoan, được thừa nhận, được chứng tỏ, nhưng về lâu dài khi cảm giác được “tung hô” và những lời khen “vô thưởng vô phạt” luôn thường trực sẽ khiến người viết sa vào ngộ nhận về một thứ quyền lực ảo mà quên đi trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Nguy hiểm hơn, một bộ phận có biểu hiện “hai mặt”, chẳng hạn như có những phóng viên, nhà báo khi viết tin bài đăng báo theo nhiệm vụ thì ủng hộ chủ trương chính sách, nhưng trong các bài viết đăng tải trên MXH thì luôn đi ngược lại những quy định, chủ trương, đường lối, thể hiện thái độ tiêu cực; có những cán bộ ngành trong họp chuyên môn thuần túy không phát biểu ý kiến, nhưng trên trang cá nhân lại gay gắt bày tỏ thái độ bất mãn, phản đối các chủ trương, định hướng của lãnh đạo ngành… Chưa kể một số KOLs, một số nhà báo có fanpages có lượng theo dõi lớn chỉ chú tâm đăng tải bài viết với mục đích “tống tiền” doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có dấu hiệu sai phạm.

Thứ ba, có quan điểm lệch lạc, sai trái dẫn đến lèo lái, định hướng dư luận xã hội một cách tiêu cực. Thực tế việc duy trì chế độ “online” trên mạng đã khiến một số KOLs đắm chìm trong thế giới ảo gây nên những hệ lụy thật. Không ít người đã đăng tải trạng thái, bài viết với những thông điệp cực đoan, lệch lạc, tiêu chuẩn kép, công kích về giới tính, tôn giáo, đạo đức và pháp luật. Xu thế chửi bới, bôi nhọ, “bóc phốt”, tấn công cá nhân trên không gian mạng là những biểu hiện “lệch chuẩn”, đang thu hút một lượng lớn người theo dõi, lấn át các thông tin quan trọng của đất nước, của đời sống xã hội. Nó là sự thách thức đối với thể chế, khi một số lượng lớn những người theo dõi trở thành “fan cuồng” có thể quay ra “tấn công” các cơ quan nhà nước, các cơ quan truyền thông chính thống bằng nhiều hình thức.

Để được cộng đồng mạng tung hô, chia sẻ, bình luận nhiều một số người dùng MXH đã không ngần ngại đánh tráo khái niệm, sao chép, trích dẫn, cắt dán tùm lum để dựng nên những bài viết không chính xác, đi ngược dòng dư luận, phản biện lại các thông tư, nghị định, dự thảo luật đang được đệ trình, xin ý kiến… mà không căn cứ vào cơ sở khoa học, cơ sở pháp luật, văn hóa… miễn sao nhiều like, nhiều chia sẻ là vui.

Thứ tư, xa rời thực tế, đắm chìm trong không gian ảo khiến họ trở nên lạc lõng, không bắt nhịp được với đời sống thực tại. Điều nguy hại này không chỉ xảy đến với những người lớn tuổi mà có một bộ phận không nhỏ giới trẻ cũng đang mắc phải biểu hiện sống ảo. Vì quá đắm chìm trong sự “tung hô”, cổ vũ mà không ít người luôn có biểu hiện, thái độ thờ ơ, vô cảm với mọi diễn biến cuộc sống xung quanh. Đi ăn, đi cà phê, đi du lịch cũng chỉ “loay hoay” chụp ảnh, nghĩ ý tứ minh họa cho ảnh rồi đăng tải, xong rồi “cắm mặt” vào đếm “like”! Có người chỉ vì mê mải với “cõi ảo” khiến năng lực công tác giảm sút, không đáp ứng và theo kịp yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn…

Thứ năm, ảo tưởng, sẵn sàng công kích cá nhân, nhãn hàng, cơ quan nếu như không được cung cấp dịch vụ vừa ý. Từ khi MXH phát triển một số bộ phận người dân đã nảy sinh thái độ ứng xử không đúng mực, ra đường khi vi phạm pháp luật, gặp cảnh sát giao thông thay vì xuất trình giấy tờ hợp lệ chỉ “lăm lăm” dùng điện thoại để quay phim, chụp ảnh. Khi xếp hàng thực hiện các dịch vụ công thay vì lấy số thứ tự chờ đến lượt thì xông vào giơ điện thoại “livestream” chất vấn người tiếp nhận hồ sơ. Một số khác khi đi du lịch về thì đăng hóa đơn thanh toán dịch vụ, viết các bài đánh giá chất lượng dịch vụ du lịch nhằm hạ uy tín nhà hàng, khách sạn, nhãn hàng… Đến khi bị phản biện, biết sai thì ầm thầm hạ tút, xóa bài không một lời xin lỗi, giải thích. Việc “sống ảo” của một số người dùng MXH đã gây thiệt hai không nhỏ cho một số tổ chức, cơ quan và các nhãn hàng.

Thứ sáu, chuyện gì cũng đưa lên MXH. Chính nhờ MXH có tính tương tác cao, kết nối nhiều thành phần, nhiều tổ chức, nhiều đối tượng nên tạo ra sự tự do kết nối, tự do tiếp cận, tương tác, giao lưu, chia sẻ; thực tế MXH cũng có sự hữu ích khi có không ít các vụ việc, sự vụ được giải quyết nhanh chóng và kịp thời. Tuy nhiên, một số người vì ngộ nhận “quyền lực ảo” nên luôn hiếu thắng, manh động, “cầm đèn chạy trước ô tô”, chuyện gì cũng đưa lên MXH để bàn thảo.


1 nhận xét: