Tìm hiểu những vụ việc vi
phạm pháp luật, kỷ luật của cán bộ có chức quyền trong những năm qua, nhất là
những vụ án cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật, chúng tôi nhận thấy hầu hết khi
đương chức, những cán bộ này như là “vua con”. Dù họ có nhiều việc làm sai trái
nhưng cấp dưới không dám ngăn cản, thậm chí buộc phải làm theo.
Chẳng hạn, ông Vũ Huy
Hoàng có nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ khiến dư luận rất bất bình.
Rồi các ông: Nguyễn Bắc Son khi làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tất
Thành Cang khi làm Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức
Chung khi làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội… cùng nhiều cán bộ cấp bộ, cấp tỉnh, cấp
huyện đã ngang nhiên lạm dụng quyền lực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi
hành công vụ để tham nhũng, trục lợi.
Vì sao Đảng ta đã có quy
định về những điều đảng viên không được làm, đã ban hành các quy chế, quy định
yêu cầu các cấp ủy và CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức đảng
phải gương mẫu thực hiện để chống lạm dụng quyền lực; pháp luật cũng có những
quy định khá chặt chẽ để phòng, chống lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi
hành công vụ, chống TN, TC, nhưng vẫn có nhiều CB, ĐV, công chức, nhất là cán bộ
cấp cao vi phạm như vậy?
Thẳng thắn nhìn nhận
chúng ta sẽ thấy, “lỗ hổng” ở đây chính là sự lạm quyền của một số cán bộ cấp
cao, của người đứng đầu. Lạm quyền dẫn đến siêu quyền lực, siêu mánh lới, siêu
mưu kế đen tối ở một số cán bộ, một số người đứng đầu. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến
“lỗ hổng” kiểm soát quyền lực này chính là vai trò của người cầm cân nảy mực.
Việc phát huy trách nhiệm, quyền hạn người đứng đầu là phù hợp với thực tế phát
triển, nhưng nhiều người đứng đầu không chuẩn mực về đạo đức, tư cách, nhiều
trường hợp tham lam vô độ, nịnh trên nạt dưới, tạo bè cánh bao bọc cho mình. Với
cơ chế chủ yếu vẫn là xin-cho, người đứng đầu có quyền phân bổ kinh phí, đề bạt,
bổ nhiệm cán bộ, phân công các công việc gắn liền với lợi ích cá nhân; người đứng
đầu phẩm chất kém khi đã thích ai, có cảm tình với ai thì người đó được hưởng lợi
(và ngược lại) thì khó ai dám trái ý “sếp” mà chủ yếu là lờ đi hoặc đồng lõa với
những sai phạm của “sếp” để được lòng (đồng nghĩa với được hưởng lợi).
Thực tế cho thấy, hầu hết
những sai phạm của cán bộ lãnh đạo trong những năm qua đều có sự độc đoán,
chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; vi phạm
các quy định trong công tác cán bộ, quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng đất đai,
tài chính, tài sản… và cái đích cuối cùng là tham nhũng, trục lợi… Những vi phạm
này, không thể nói là tất cả các thành viên cấp ủy, ban lãnh đạo và chi bộ, đồng
nghiệp cùng công tác với những cán bộ đó đều “không biết”, mà nhiều người biết
rõ nhưng không có ý kiến phản biện. Nhiều trường hợp tập thể phải biểu quyết
theo quy định cũng chỉ là để “hợp lý hóa ý muốn của thủ trưởng”! Việc kiểm soát
quyền lực thực sự rất khó ở chỗ này và vì thế, nhiều cán bộ cấp cao, người đứng
đầu đã lạm quyền, bị quyền lực làm cho tha hóa, dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ
luật.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn đánh giá: Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ; việc kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp…
Cuộc chiến chống tham nhũng được nhân dân ta hết lòng ủng hộ
Trả lờiXóa