Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

NGHIÊN CỨU BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH ĐỐI VỚI TÀI SẢN CỦA NGƯỜI THÂN KHI CÓ CƠ SỞ NGHI NGỜ

Theo Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển, một bất cập lớn trong hoạt động thanh tra thời gian qua, đó là việc thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích được phát hiện trong quá trình thanh tra và khắc phục kiến nghị xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV cho thấy, dường như giải pháp cho bất cập nêu trên chưa được chú trọng.

Mặc dù dự thảo Luật có quy định về việc tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép (Điều 78) nhưng biện pháp này không được áp dụng trong trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, mặc dù khoản 3 Điều 66 dự thảo Luật có quy định việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, song lại chưa có quy định về việc chuyển tiếp biện pháp ngăn chặn cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan.

Theo quy định của dự thảo Luật thì việc áp dụng biện pháp phong toả tài khoản, tạm giữ tiền, đồ vật sử dụng trái phép chỉ được thực hiện đối với tiền, tài sản trong phạm vi thanh tra. Trường hợp phát hiện tiền, tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật và phát hiện có dấu hiệu của việc chuyển dịch tài sản nhưng không thuộc phạm vi thanh tra thì người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra cũng không được áp dụng các biện pháp nêu trên.

Để tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác thu hồi tiền, tài sản nói chung, qua hoạt động thanh tra nói riêng, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển đề xuất bổ sung một số biện pháp ngăn chặn mà cơ quan thanh tra có thể áp dụng nhằm phòng ngừa nguy cơ tẩu tán tiền, tài sản. Theo đó, cùng với việc nghiên cứu giao trưởng đoàn thanh tra có thẩm quyền quyết định phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra, thì cũng cần nghiên cứu giao trưởng đoàn thanh tra có thể áp dụng cả biện pháp tạm giữ tiền, đồ vật, giấy tờ nếu có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra sẽ tẩu tán các tài sản này. Bên cạnh đó, đối với tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản, cần nghiên cứu bổ sung biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng tài sản của đối tượng thanh tra nhằm ngăn chặn hoặc tạm dừng các hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản của đối tượng thanh tra.

Đối với trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm, thì cùng với việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, cần bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, chuyển tiếp đối với các biện pháp ngăn chặn mà trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra đã thực hiện. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung quy định cho phép đoàn thanh tra hoặc thanh viên viên thực hiện việc xác minh, kê biên đối với tài sản của đối tượng thanh tra cần thu hồi.

“Các quy định này nếu được bổ sung cũng sẽ góp phần tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của đoàn thanh tra, thanh tra viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, ông Hiển nói.

Song ông Hiển cũng lưu ý, đi cùng với việc mở rộng thẩm quyền cũng cần quy định trình tự thủ tục thực hiện chặt chẽ và có cơ chế tăng cường giám sát của các cơ quan có liên quan.

Về lâu dài, theo ông Hiển phải nghiên cứu bổ sung các quy định trong pháp luật phòng chống tham nhũng về trách nhiệm giải trình đối với tài sản của người thân trong gia đình hoặc người có liên quan khi có cơ sở nghi ngờ những người này giúp đối tượng thanh tra tẩu tán, che giấu tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật.

“Với tài sản tăng thêm mà họ không giải trình được hợp lý thì cơ quan chức năng được quyền khởi kiện vụ án dân sự tại toà án có thẩm quyền để có phán quyết về nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập đó theo trình tự khởi kiện vụ án dân sự”, ông Hiển đề xuất.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch. Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

“Nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc, cái nguy hiểm nhất, dẫn đến tham nhũng, hư hỏng; không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn mất người, thậm chí mất cả chế độ”, Tổng Bí thư lưu ý.

Lời phát biểu của Tổng Bí thư cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện thể chế pháp luật trong cuộc đấu tranh PCTN nói chung và công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta nói riêng; tạo sức lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, tạo bước chuyển lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Có thể thấy, thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.

Cần phải khẳng định, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề rất phức tạp, gay go. Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ đấu tranh với những người khác mà ngay cả với chính bản thân mình. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp bổ sung, hoàn thiện về thể chế, thì giải pháp quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người. Bởi các quy định pháp luật dù hoàn hảo đến đâu nhưng người có chức vụ, quyền hạn hay thực thi pháp luật tâm không sáng, lòng không trong, thì vẫn cố tìm mọi cách lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi, tham nhũng tiêu cực.

Hơn hết, cần chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, chống mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm “không có vùng cấm” đối với các đối tượng tham nhũng nói chung và các sai phạm, tiêu cực trong quá trình thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng; đưa nội dung thu hồi tài sản tham nhũng vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình…

Nếu không thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp này, kẻ tham nhũng không bao giờ từ bỏ ý định lợi dụng kẽ hở pháp luật để vơ vét, che giấu tài sản, thậm chí là “hy sinh đời bố củng cố đời con“…!

Vy Anh

1 nhận xét: