Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU CHO RẰNG: VIỆT NAM ĐÃ THỪA NHẬN CHỦ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC TẠI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

Từ trước đến nay, các học giả Trung Quốc luôn viện dẫn nội dung Bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày 14 - 9 - 1958, xem đây là bằng chứng cho rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 17 - 4 - 2020, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), trong đó, Trung Quốc khẳng định Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận điều này thông qua công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Vậy sự thật lịch sử về nội dung Bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc ngày 14 - 9 - 1958 như thế nào?

Văn kiện (Sách trắng) của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1982 nêu rõ: “Nội dung công hàm không hề nói tới Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí không nói đến cả vấn đề lãnh thổ một cách chung chung, và lại càng không nói gì về việc “công nhận” chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo đó. Bắc Kinh đã cố tình biến cử chỉ hữu nghị chân thành của Việt Nam thành một tuyên bố “công nhận” Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc để rồi lớn tiếng vu cáo “Việt Nam lật lọng”.Trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào tháng 4 - 1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói rõ: “Công hàmngày 14 - 9 - 1958 của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ biểu thị thái độ ghi nhận và tán thành tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc về hải phận 12 hải lý, hoàn toàn không nói gì đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà lúc đó Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có chủ quyền, nên Trung Quốc không thể coi đó là văn bản xác nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo”.Trong cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông ngày 16 - 6 - 2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ,Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 như là bằng chứng về việc Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.

Chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thiêng liêng, không thể nhân nhượng, không thể thỏa hiệp, không thể đánh đổi. Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, luôn kiên quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý và kiên trì đấu tranh trước những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.Trong các tuyên bố chính thức của Chính phủ Việt Nam và các Công hàm gửi Liên Hợp Quốc, Việt Nam luôn khẳng định lập trường pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Savà các vùng biển đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” tại Biển Đông. Việt Nam khẳng định,Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

1 nhận xét:

  1. Bọn phản động luôn lợi dụng các vấn đề nhạy cảm để xuyên tạc, kích động và chống phá đất nước; vì vậy chúng ta phải cảnh giác

    Trả lờiXóa