Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

KÊ BIÊN, PHONG TỎA TÀI SẢN KỊP THỜI, KHÔNG ĐỂ LỢI DỤNG TẨU TÁN TÀI SẢN

Đề cập đến khó khăn trong công tác thi hành án tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chia sẻ: Nhiều vụ việc người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị thấp, không đủ để thi hành nghĩa vụ. Một số tài sản kê biên đảm bảo thi hành án có tình trạng pháp lý chưa rõ ràng, phức tạp, gây khó khăn trong việc xác minh và xử lý.

Theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là công tác có tính chất liên ngành, trong đó khâu thi hành án dân sự (xử lý tài sản) là khâu cuối cùng, nên hiệu quả của công tác này phụ thuộc nhiều vào công tác truy tìm, phong tỏa, kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, thậm chí là từ khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

“Thiếu một khâu nào đều ảnh hưởng đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu, tẩu tán tài sản, hợp thức hóa tài sản phi pháp nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án”, Thứ trưởng nói.

“Có kê biên, phong tỏa kịp thời, đúng pháp luật thì đương sự mới không lợi dụng để tẩu tán tài sản và việc xử lý tài sản của các cơ quan THADS sẽ đạt kết quả cao hơn”, Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra hiện vẫn còn những quy định chưa theo kịp yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng như: chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục trong hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; luật pháp, cơ chế, chính sách còn nhiều kẽ hở, dễ để bị lợi dụng tham nhũng

Khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “chỉ kê biên bán tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại” cũng làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng, bởi khi khởi tố bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thể xác định được ngay thiệt hại mà tội phạm gây ra làm căn cứ quyết định phần tài sản phải kê biên, do đó, cơ quan tố tụng có thể chưa áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa dẫn đến đương sự có thể tẩu tán tài sản trước khi bị phát hiện.

“Thực tiễn cho thấy, nơi nào, vụ việc nào được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời thì nơi đó, vụ việc đó tỷ lệ thu hồi cao. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn hoặc chưa rõ cơ chế xử lý đã dẫn đến khó khăn, kéo dài trong việc thực hiện”, Thứ trưởng nói.

1 nhận xét: