Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

“KHOẢNG TRỐNG” NHÂN DÂN GIÁM SÁT

Muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TN, TC) hiệu quả thì phải phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân, bởi không có gì mà nhân dân không biết và không có gì qua mắt được nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Nhận thức rõ vấn đề này, suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, đến Đại hội lần thứ XIII vừa qua, Đảng đã bổ sung thêm “dân thụ hưởng”. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong phòng, chống TN, TC nói riêng, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Quy chế dân chủ ở cơ sở… Đặc biệt, ngày 3-10-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW về hướng dẫn tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải công khai để nhân dân biết về nhiều nội dung, làm cơ sở góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bô, đảng viên (CB, ĐV)…

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân vẫn là khâu yếu, thậm chí còn tồn tại nhiều “khoảng trống” dẫn đến nhân dân rất khó thực hiện quyền kiểm tra, giám sát.

Đầu tiên, việc công khai, minh bạch là cơ sở, điều kiện để phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong tham gia kiểm soát quyền lực, phòng, chống TN, TC, bởi nếu nhân dân không biết thì làm sao có thể kiểm tra, giám sát? Thế nhưng lâu nay, việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, đối phó; thậm chí, có tình trạng không thực hiện công khai và hiện tượng cố tình đóng dấu “mật” vào những tài liệu lẽ ra cần công khai. Hình thức công khai cũng chưa phù hợp, người dân khó tiếp cận, dẫn đến rất ít người biết. Đơn cử, việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là biện pháp vô cùng hiệu quả để phòng, chống tham nhũng, vì quần chúng sẽ giám sát, kịp thời phát hiện những tài sản bất thường, thông báo cho các cơ quan chức năng kiểm tra xem đó có phải là từ thu nhập phi pháp hay không; nhưng hiện nay, chúng ta chưa quy định công khai rộng rãi bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ các cấp để đông đảo nhân dân được biết. Việc phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc (và một số trường hợp khác) cũng ít đơn vị thực hiện nghiêm.

“Khoảng trống” nữa là mặc dù Hiến pháp đã quy định rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” và “… Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28)… song hiện nay, vừa thiếu những quy định chi tiết để thực hiện, vừa chưa có chế tài thực sự hiệu quả để bắt buộc các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi nhân dân thực hiện quyền giám sát và phản ánh, kiến nghị. Thậm chí, khá nhiều người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa chấp hành nghiêm quy định tiếp công dân; vẫn còn hiện tượng trù dập, thành kiến với người khiếu nại, tố cáo, chưa thực sự quan tâm giải quyết.

Ngay việc dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là chủ trương nhất quán của Đảng, nhưng chúng ta cũng chưa có đầy đủ quy định để phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân trong công tác này, đặc biệt là chưa có quy định cụ thể để nhân dân tham gia vào việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ và phòng, chống TN, TC trong đội ngũ CB, ĐV, dẫn đến không ít trường hợp chọn nhầm cán bộ hoặc không kịp thời phát hiện cán bộ vi phạm. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của CB, ĐV chưa hiệu quả”…

Thực tế cho thấy, hầu hết những trường hợp cán bộ vi phạm pháp luật thì dư luận nhân dân đều có ý kiến xì xào về phẩm chất đạo đức, lối sống, về tài sản nghi ngờ bất minh từ trước khi những cán bộ này bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Vì thế, khi cán bộ đó bị kỷ luật hoặc truy tố thì người dân ở nơi cư trú và quần chúng cùng cơ quan, đơn vị cũng không mấy bất ngờ, nhất là với những cán bộ ngang nhiên vi phạm hoặc có nhiều dấu hiệu bất thường trong suốt thời gian dài, như: Trịnh Xuân Thanh (thời kỳ công tác tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương), Vũ Huy Hoàng (lúc là Bộ trưởng Bộ Công Thương), Tất Thành Cang (khi là lãnh đạo các cấp ở TP Hồ Chí Minh), hay một số cựu lãnh đạo của TP Đà Nẵng, tỉnh Bình Thuận, Bộ Y tế…

Những “lỗ hổng” trong cơ chế kiểm soát quyền lực, cùng với hệ thống pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, nhiều kẽ hở là nguyên nhân cơ bản khiến một số cán bộ thiếu bản lĩnh đã vi phạm pháp luật, kỷ luật. Vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập ở những bài sau. (còn nữa)

Cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, thể chế thì công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa. Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022).

1 nhận xét:

  1. Chống tham nhũng càng tốt thì đất nước càng phát triển mạnh mẽ

    Trả lờiXóa