Một số trường hợp “quan
chức” sa ngã trên những con đường khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung: Họ từng
là những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước nhưng khi được giao những chức quyền
cao cấp, họ đã trượt xuống vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, đánh mất những phẩm
chất đạo đức tốt đẹp mà họ đã đánh đổi cả tuổi xuân để tôi luyện. Ngự trị nơi đỉnh
cao quyền lực, họ lơ là phòng bị, để “giặc trong lòng” đánh bại hoàn toàn. Sự
tha hóa của những người có quyền lực hoàn toàn không phải là điều xa lạ với những
người cộng sản, và không thể đổ lỗi cho bất kỳ cơ chế nào.
Cách đây ngót 180 năm,
khi nghiên cứu sự tha hóa của quyền lực nhà nước ở Tây Âu, Các Mác đã đưa ra những
cảnh báo: Quyền lực nhà nước càng lớn thì sự tha hóa của nó càng nguy hiểm, nó
càng gần với tư cách một lực lượng tự trị thoát khỏi sự kiểm soát của con người.
Các Mác coi giới quan chức tạo thành một xã hội đóng kín trong nhà nước. Nhà nước
chỉ còn tồn tại dưới dạng những lực lượng quan chức cụ thể khác nhau và với mỗi
quan chức cụ thể thì “mục đích nhà nước biến thành mục đích cá nhân của y,
thành việc chạy theo chức tước, thành việc mưu danh, cầu lợi”.
Sự tha hóa của giới quan
chức là biểu hiện của việc tha hóa quyền lực chính trị, đây dường như là căn bệnh
chung của mọi kiểu nhà nước. Các Mác đặc biệt lưu ý sự tha hóa của quyền lực
trong nền kinh tế thị trường, đó là hiện tượng tôn thờ đồng tiền, bất chấp đạo
lý. Ông đã viết: “Sức mạnh của tiền lớn bao nhiêu thì sức mạnh của tôi cũng lớn
bấy nhiêu… Tôi là người xấu, không thật thà, không có lương tâm, ngu ngốc,
nhưng tiền được tôn thờ thì người có tiền cũng được tôn thờ, tiền là cái tốt
cao nhất thì người có nó cũng tốt”.
Từ phân tích của Các Mác
về nguy cơ tha hóa của những người giữ quyền lực mà những người cộng sản đặt ra
yêu cầu rất cao của việc giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng. Lênin từng yêu cầu
phải “lay động các tòa án nhân dân và dạy cho họ biết trừng trị một cách không
thương xót, kể cả việc đem bắn những kẻ lạm dụng chính sách kinh tế mới”, “đối
với người cộng sản phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần so với những người ngoài
đảng”, “tôi rất mong chúng ta có thể đuổi ra khỏi đảng từ 10 vạn đến 20 vạn người
đã len lỏi vào đảng và đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ
cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này”.
Lênin cũng cảnh báo hai
khuynh hướng sai lầm trong đấu tranh chống sự suy thoái của những người giữ quyền
lực nhà nước: Một là, quan niệm giản đơn, đây là căn bệnh dễ chữa trị nên những
người cộng sản có thể hạn chế, khắc phục nó chỉ trong thời gian ngắn. Hai là,
cho rằng đó là thuộc tính xã hội của quyền lực nhà nước nên sự tồn tại của tham
nhũng là tất yếu, con người chỉ có thể hạn chế mà không thể xóa sạch nó.
PGS, TS Nguyễn Thanh Hải,
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên từng trả lời phóng viên Báo
Quân đội nhân dân về văn hóa liêm chính trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện
nay: “Trước đây, trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và
nhân dân ta đã xây dựng nên một xã hội liêm chính với tinh thần “con cá, chột
nưa”, kể cả trong thời bao cấp thì văn hóa “cho không lấy, thấy không xin, xin
không cho” vẫn lan tỏa trong xã hội như một nếp sống đẹp. Đến khi mở cửa, hội
nhập với thế giới, phát triển kinh tế thị trường, chúng ta đã sớm biết rõ tác hại
từ mặt trái của nó, nói một cách hình ảnh là khi ta mở cửa thì cùng với những
làn gió tươi mới, mát lành cũng không thể tránh khỏi có cả những làn gió độc
bay vào.
“Văn hóa thực dụng” xuất
hiện, dẫn tới nhiều cái xấu độc cũng bị ngộ nhận trở thành văn hóa. Đồng tiền
chi phối cuộc sống khiến nhiều quan niệm văn hóa bị méo mó, lệch lạc. Ví dụ,
bây giờ có những cán bộ liêm chính mà tác phong, lối sống quá giản dị thì thường
bị dư luận chê là nghèo, cổ hủ, lạc hậu. Hoặc có những cán bộ trong sạch, gương
mẫu nhưng không được xung quanh ủng hộ, cùng lắm là được “kính nhi viễn chi”,
được an ủi, động viên riêng lẻ chứ ít được ủng hộ công khai. Hay những người đấu
tranh chống tham nhũng, tiêu cực lại bị chính người thân phản đối, ghẻ lạnh. Đó
là những vấn đề khiến văn hóa liêm chính chưa lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng”.
Lịch sử cách mạng Việt
Nam chứng minh, từ khi trở thành Đảng cầm quyền cho đến nay, những người cộng sản
Việt Nam đã nêu những tấm gương sáng ngời về đạo đức khi được nhân dân giao phó
giữ chức trọng, quyền cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ tối cao của dân tộc
và Người đã hiến cả cuộc đời cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại, Người là hiện thân của đạo đức mới,
đạo đức cộng sản. Trong di sản mà Người để lại cho con cháu mai sau, có một kho
báu vô tận đó là nền tảng đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Trong bài viết “Một số vấn
đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Và chúng ta cần một hệ
thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ
lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng
những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội
và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và
nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.
Vì thế, chẳng phải ngẫu
nhiên khi phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng,
chống tham nhũng tiêu cực ngày 30-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại giãi
bày tâm sự: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời
người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm
tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn
hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt, xuôi tay, ta có thể tự hào rằng:
Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời-sự
nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự
vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân”.
Bằng con đường thực hành
đạo đức cách mạng trong cơ chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa, nhất định những người cộng sản Việt Nam sẽ tránh được “bẫy” suy
thoái của quyền lực. Con đường đó không hề bằng phẳng, dễ dàng, thậm chí sẽ phải
trả giá bằng việc loại ra khỏi đội ngũ rất nhiều cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật
Đảng, pháp luật Nhà nước. Cùng với thực hành đạo đức cách mạng, Đảng, Nhà nước
còn phải thực thi kiểm soát quyền lực. Vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập ở những
bài viết tiếp theo.
“Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình”-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ngày 30-6-2022.
cán bộ là phải thực sự gương mẫu
Trả lờiXóa