Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

LUÂN CHUYỂN ĐỂ NGĂN NẠN “THÂN QUEN”, “CÁNH HẨU”

Tự xa xưa, người Việt Nam đã truyền tụng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, nói đến văn hóa có tính tập tục lâu đời về sự dựa dẫm, nhờ vả, thân quen, cánh hẩu giữa “quan” với gia đình, dòng tộc, họ hàng, làng xóm… Để ngăn chặn tình trạng trên, tránh làm méo mó quá trình thực thi nhiệm vụ, công tác luân chuyển cán bộ, bố trí bí thư, chủ tịch, giám đốc các sở, ngành không phải là người địa phương đã được Đảng ta đặt ra và vạch rõ lộ trình thực hiện.

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.

Bản tính người Việt Nam nói riêng, Á Đông nói chung thường mang nặng văn hóa gia đình, dòng tộc, địa phương từ trong đời sống đến công tác, từ xã hội đến chính trị. Tự xa xưa, dân gian đã quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ”, “nhất thân, nhì quen”, “nhất quan hệ, nhì hậu duệ”, “con ông, cháu cha”… Để ngăn ngừa tình trạng quan hệ, dòng tộc bám víu vào đời sống chính trị, từ thời Lý, Trần đã có chính sách hồi tị đối với đội ngũ quan lại và ngày càng hoàn chỉnh, về sau xây dựng thành Luật Hồi tị vào thời nhà Nguyễn. Thời Vua Minh Mạng, Luật Hồi tị (1831) quy định, khi bố trí quan về trị nhậm chức tại các địa phương cần phải tránh những nơi: Quê gốc (quê cha) là nơi có quan hệ họ nội nhiều đời; trú quán là nơi bản thân đã ở lâu, học hành, sinh hoạt; quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ).

Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-1- 2002, của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, trong đó có nội dung “thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương”. Trong 20 năm qua, chủ trương này luôn được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nhất quán lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và thường xuyên được nhắc tới trong các văn kiện lãnh đạo của Đảng liên quan tới công tác cán bộ với mục tiêu, yêu cầu ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn. Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt (bí thư, chủ tịch UBND, trưởng các ngành công an, tòa án, viện kiểm sát) không phải người địa phương, phấn đấu đến năm 2015 trên 25% tỉnh, thành phố và trên 50% quận, huyện thực hiện chủ trương này; kết hợp bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các cấp, các ngành, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ và hiện tượng cục bộ, trì trệ, quan liêu, tham nhũng”. Tuy nhiên, theo Ban Tổ chức Trung ương, trong nhiệm kỳ 2010-2015, việc bố trí trên chỉ đạt hơn 22% đối với cấp tỉnh (14 người) và 291/715 (chiếm 40,7%) bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, có 336/715 (chiếm 47%) đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương.

Trước tình hình đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đánh giá, việc luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương, trong đó có bí thư cấp ủy các cấp còn bất cập, chưa đạt yêu cầu. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã phân công, điều động, bố trí nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng không là người địa phương làm bí thư nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban thường vụ các tỉnh, thành phố cũng đã luân chuyển, bố trí nhiều cán bộ không là người địa phương làm bí thư huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Theo số liệu từ Ban Tổ chức Trung ương, tại đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở (đảng bộ cấp huyện và tương đương), nhiệm kỳ 2020-2025, tổng số bí thư cấp ủy được bầu là 1.141 đồng chí, trong đó có 456 bí thư không phải người địa phương (chiếm 40%). Sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị tiếp tục phân công, điều động, bố trí nhiều Ủy viên Trung ương Đảng không phải là người địa phương làm bí thư các tỉnh. Tính đến tháng 7-2021, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 35 bí thư không phải là người địa phương.

Trước đây, việc luân chuyển cán bộ, bố trí người địa phương này sang địa phương khác thường chuyển sang những địa phương lân cận. Tuy nhiên, hiện giao thông đi lại đã không còn là vấn đề, việc cán bộ từ Bắc vào Nam, Nam ra Bắc, miền xuôi lên miền núi, miền núi về miền xuôi với khoảng cách từ hàng trăm đến hàng ngàn km đã là bình thường. Nhiều năm qua, nhiều cán bộ có quê quán từ miền xuôi, đồng bằng, từ miền Trung được điều động bố trí bí thư, chủ tịch, giám đốc sở ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc hay tại các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng song Cửu Long chiếm tỷ lệ khá cao. Trong thực tế đã phát huy nhiều tác dụng, tạo ra sự đổi mới nhất định trong công tác cán bộ, gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương cả về mục tiêu và nhiệm vụ. Một số tỉnh từng gây bức xúc dư luận khi bí thư tỉnh ủy là người địa phương thì kéo theo “chùm khế ngọt” gồm anh, em, con, cháu dâu rể bên chồng, bên vợ lần lượt giữ các chức vụ quan trọng ở sở, ngành, huyện của tỉnh đó. Khi đưa bí thư là người nơi khác đến, dẫu không dễ gì thay thế ngay những “cánh hẩu” của người trước để lại nhưng đã từng bước hạn chế sự “mọc mầm” của tình trạng họ hàng, dòng tộc nơi đây.

Tuy vậy, thực tiễn việc luân chuyển cán bộ về các địa phương cũng nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn. Vì không là người địa phương, bí thư cấp ủy phải mất thời gian nắm vững địa bàn, con người, văn hóa, phong tục nên khi đến địa bàn mới còn lung túng, xử lý, giải quyết vụ việc còn chậm, thiếu kiên quyết. Bên cạnh đó, tư tưởng cục bộ tại nhiều địa phương đã gây ra những khó khăn cho “người mới đến”. Khi lãnh đạo từ nơi khác được điều về tỉnh, huyện, số cũ ở địa phương đó tạo phe nhóm, cấu kết để thực hiện các hành động, ý đồ riêng, thậm chí một số tìm cách liên kết để chống đối, gây áp lực, tạo các lý do nhằm “hất cẳng” lãnh đạo mới.

Trong khi đó, cũng có những cán bộ khi “đi sứ” chỉ mang tư tưởng trải nghiệm là chính, chờ chóng hết thời gian để rút về Trung ương. Vì tư tưởng đi chỉ để “tráng men” nên họ làm cầm chừng, thiếu quyết liệt, nhất là với những việc phức tạp như chống tham nhũng, tiêu cực, chống bè phái cục bộ trong công tác tổ chức, cán bộ ở địa phương thì họ lại do dự theo kiểu “né cho lành”. Họ không thêm dũng khí, không thêm thử thách tôi luyện mà lại thu mình, giữ mình để làm sao khi hết thời gian luân chuyển được trở về trong “lành lặn”, để hồ sơ bổ nhiệm không có vết gợn, trầy xước. Điểm nữa, có việc bố trí cán bộ theo kiểu dàn trải, không đúng yêu cầu, nhiệm vụ, sở trường của cán bộ. Chẳng hạn, cán bộ chỉ có kinh nghiệm làm đoàn, không có vai trò, thành tích gì nổi bật song sau một thời gian giữ chức bí thư, phó bí thư tỉnh đoàn thì cứ theo lập trình điều về làm bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện. Việc điều chuyển theo cơ cấu, cứ làm đoàn rồi đi cơ sở phát triển “theo lộ trình” cũng ít nhiều gây bức xúc trong dư luận. Một số cán bộ được bố trí về làm bí thư cấp ủy các tỉnh, huyện thời gian qua còn mang tính xử lý tình huống trước mắt, có trường hợp về cơ sở quá nhanh lại rút về, chưa đủ thời gian “trải nghiệm”…

Dù có những tồn tại, khó khăn nêu trên song chủ trương luân chuyển cán bộ đi các địa phương khác với quê hương, bản quán của mình là yêu cầu khách quan, cần thiết.

Mục đích, ý nghĩa của công tác này góp phần tránh được tình trạng cục bộ địa phương, khép kín, lợi ích nhóm, vun vén cho gia đình, dòng họ, người thân quen đang tồn tại và trở thành vấn đề nhức nhối. Khi lãnh đạo không là người địa phương sẽ ít chịu ảnh hưởng, tác động, chi phối bởi các mối quan hệ thân quen, từ đó xử lý công việc sẽ thuận lợi, công tâm, khách quan hơn.

Hai là, bố trí bí thư, giám đốc cấp ủy cấp tỉnh, huyện không là người địa phương sẽ ngăn chặn được một bước tình trạng nhũng nhiễu, hạn chế độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu. Ba là, đây là phương thức hết sức hữu hiệu để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng phát triển.

Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ nêu rõ, việc luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện. Kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng), trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. “Dứt khoát phải nâng cao nhận thức của cán bộ luân chuyển. Cán bộ luân chuyển không nên nghĩ cứ đi luân chuyển về là sẽ giữ vị trí cao hơn”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt Quy định 65. Quan điểm của Bộ Chính trị là không đưa cán bộ đi luân chuyển một cách ồ ạt, yêu cầu phải đi thực, làm thực.

1 nhận xét:

  1. luân chuyển còn giúp cho cán bộ làm việc tốt ở mọi môi trường

    Trả lờiXóa