Đại hội chi bộ là dịp để
mỗi “tế bào” của Đảng thêm một lần được củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực
lãnh đạo và sức chiến đấu toàn diện, thể hiện rõ vị trí, vai trò là cầu nối giữa
Đảng với đảng viên ở cơ sở.
Đại hội chi bộ có thành
công hay không phụ thuộc rất lớn vào tinh thần, thái độ, trách nhiệm của mỗi đảng
viên trong tất cả các khâu, các bước, các nội dung của đại hội.
Tự nguyện đi theo lý tưởng
cách mạng và đứng trong hàng ngũ của Đảng, trong đời đảng viên, người nhiều thì
đôi chục lần là thành viên chính thức tham dự đại hội chi bộ; người ít thì cũng
dăm bảy nhiệm kỳ vinh dự được cầm thẻ đảng viên tham gia biểu quyết thông qua
những vấn đề hệ trọng của chi bộ. Nói thế để thấy, tham dự đại hội chi bộ không
chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của
người đảng viên chân chính.
Vậy, mỗi đảng viên phải
làm gì trong đại hội để xứng đáng với tư cách là người góp phần quyết định đến
chiều hướng phát triển của chi bộ trong nhiệm kỳ mới? Câu hỏi tưởng đơn giản,
nhưng không dễ tìm ra lời giải đáp thỏa đáng nếu như đảng viên nào đó coi việc
đại hội chi bộ là trách nhiệm của cấp ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ, mà không
nhận thức thấu đáo rằng, việc hệ trọng này của chi bộ là công việc chung, trách
nhiệm chung của tất cả đảng viên trong chi bộ.
Thông thường, trước khi
tiến hành đại hội chi bộ, cấp ủy đương nhiệm xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm
vụ và hướng dẫn cụ thể cho từng đảng viên làm công tác chuẩn bị, từ người làm
công tác tổ chức, thư ký, tổ kiểm phiếu đến mỗi đảng viên trên mỗi cương vị, chức
trách tham gia phát biểu thảo luận tại đại hội. Thực tiễn cho thấy, cấp ủy chủ
động hướng dẫn càng sâu sát bao nhiêu, công tác chuẩn bị càng chu đáo bao nhiêu
thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức đại hội chi bộ suôn sẻ bấy
nhiêu.
Tuy vậy, cấp ủy, bí thư,
phó bí thư chi bộ khó có thể đảm đương và giải quyết hiệu quả mọi công việc
trong cùng một lúc, mà cần có sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ trách nhiệm
của mỗi đảng viên trong công tác chuẩn bị đại hội. Hơn lúc nào hết, mỗi lần tổ
chức đại hội chi bộ là dịp tốt nhất để mỗi đảng viên thể hiện tình cảm, tấm
lòng, tinh thần, trách nhiệm của mình với Đảng, với chi bộ.
Thuộc lòng và hát đúng
bài Quốc ca, Quốc tế ca; dành thời gian, tâm sức để nghiên cứu các văn bản, tài
liệu liên quan đến đại hội; chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung phát biểu thảo luận; làm
đúng việc, “tròn vai” khi được giao nhiệm vụ; tuân thủ nguyên tắc, kỷ luật phát
ngôn; giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất cao; công tâm lựa chọn những đảng
viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ mới… là đảng viên
thể hiện rõ nhất tính Đảng trong đại hội chi bộ.
Ngược lại, sự thờ ơ, được
chăng hay chớ, không dấn thân, lăn xả vào công việc chung của tập thể chi bộ;
thái độ “thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý”; lợi dụng dân chủ trong đại hội để
phát biểu ý kiến trái nguyên tắc; thể hiện “cái tôi” nhỏ nhen, lệch lạc hay có
biểu hiện bè phái, lợi ích nhóm trong công tác bầu cử… đều là những hiện tượng
làm giảm vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, thậm chí là biểu hiện suy
thoái về tư tưởng chính trị cần phải kiên quyết phòng ngừa, khắc phục.
Bác Hồ từng khẳng định: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Người cũng nhấn mạnh: “Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên do mỗi chúng ta lớn lên”. Từ lời dạy sâu sắc của Bác, chúng ta càng thấy rõ vai trò rất quan trọng của mỗi đảng viên trong việc chung tay góp sức, hiến kế để góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh nói chung, trong việc tổ chức thành công đại hội chi bộ nói riêng.
mỗi đảng viên phải chung tay, góp sức, hiến kế để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh
Trả lờiXóa