Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi
là một tấm gương đạo đức sáng ngời về sự tiên phong, gương mẫu. Ở Người kết
tinh chặt chẽ sự thống nhất trong tư tưởng, đạo đức và phong cách, giữa nói và
làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương sáng về đạo đức, đạt tới sự nhất quán
giữa công việc và cuộc sống đời tư, giữa đạo đức của bậc vĩ nhân và đạo đức của
một người làm cách mạng.
Kể từ khi Hội Việt Nam
Cách mạng Thanh niên (tiền thân của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam) được thành
lập, Người đã luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bằng chứng là
người đã viết tác phẩm “Đường Kách Mệnh” để làm tư liệu giáo dục những thanh
niên yêu nước đi theo con đường cách mạng đúng đắn, có khát vọng và lý tưởng.
Người coi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Cán bộ là cái dây chuyền của
bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn
bộ máy cũng tê liệt” và đi đến kết luận: “Công việc thành công hoặc thất bại đều
do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, Người rất quan tâm đến đạo đức cách mạng, hình
tượng người đảng viên trong lòng quần chúng nhân dân, luôn đề cao việc rèn luyện
tính tiên phong, gương mẫu đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.
Trong giáo dục đạo đức
cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Người đặc biệt quan tâm và đề cao tính tiên
phong, gương mẫu. Người từng dạy: “Nói miệng ai cũng nói được. Ta cần phải thực
hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm
trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, làm gương trong anh em, và khi đi
công tác, làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn
hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công.
Muốn làm được ta phải: quyết tâm, tín tâm, đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực
hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí thành công”. Tính tiên
phong, gương mẫu của người đảng viên không thể ngày một, ngày hai mà có được. Đảng
viên thể hiện được sự tiên phong, gương mẫu phải gắn chặt việc học tập và làm
theo gương Bác từ những việc làm cụ thể hàng ngày trong đời sống xã hội. Phải
thực hành tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong qua mỗi nhiệm vụ được tổ chức
đảng giao phó, qua mỗi việc làm cá nhân. Đảng viên phải tự nâng cao đạo đức
cách mạng và phẩm chất chính trị của bản thân mỗi ngày. Việc thực hành gương mẫu
phải được đề cao, phải biến những phẩm chất tốt đẹp, những hành động tử tế,
đúng đắn thành thói quen hàng ngày. Đảng viên phải đóng vai trò thực sự là người
tiên phong, đi đầu trong mọi hoạt động, nhận thức được vai trò của người đảng
viên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong giai đoạn “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng ngày càng tăng. Để giữ gìn sự gương mẫu, mỗi
đảng viên cần phải xác định vai trò hạt nhân của bản thân, của tổ chức đảng tại
đơn vị. Đảng viên phải ra sức củng cố vai trò, vị thế của tổ chức đảng trong thực
hiện các nhiệm vụ chính trị mà các cấp bộ đảng giao phó.
Tính gương mẫu của người
đảng viên được Người chỉ rõ: để mọi người noi gương thì bản thân cán bộ, đảng
viên phải thực hành làm mẫu trong công việc, hết lòng vì công việc, hết sức làm
tròn trách nhiệm với công việc được giao: “khi có Đảng, Chính phủ, hoặc cấp
trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần,
lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công.”.
Không những vậy, Người còn đề cao tinh thần trách nhiệm, chính tinh thần trách
nhiệm của mỗi cá nhân sẽ là tiền đề, là hạt nhân xây dựng nên tính gương mẫu của
người đảng viên. Người nói: “Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi
đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ... Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt,
thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt
hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ
ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm
cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ,
rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm tròn nhiệm vụ”. Cán
bộ, đảng viên là người tiên phong, là lực lượng nồng cốt dẫn dắt quần chúng, muốn
quần chúng làm theo thì bản thân phải “cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng
trong mọi việc”. Chỉ có làm tốt cho quần chúng thấy thì quần chúng mới có thể lấy
đó làm tấm gương mà học tập, noi theo. Như thế thì người đảng viên mới thực sự
nêu gương và trở thành hình mẫu trong lòng quần chúng.
“Đảng viên đi trước, làng
nước theo sau”. Một câu nói rất quen thuộc trong việc giáo dục đạo đức cách mạng
của người đảng viên được Người nhiều lần nhắc đến trong các tài liệu, các bài
nói. Quan điểm này của Người nhằm mục đích nhấn mạnh sự tiên phong, đi đầu, sự ủng
hộ của quần chúng đối với người đảng viên. Nếu đảng viên không hăng hái, tính cực,
không có tính tiên phong vậy thì sẽ đánh mất đi vai trò thực sự của tổ chức đảng
trong lòng quần chúng. Tổ chức đảng với vai trò lãnh đạo quần chúng nhân dân
trong cả kháng chiến và thời bình luôn đề cao tính tiên phong. Đặc biệt hơn, được
thể hiện rõ ở các cán bộ lãnh đạo, những hạt nhân đóng vai trò “đầu tàu”, “thuyền
trưởng” tại các cơ quan, đơn vị. Người thường căn dặn các cán bộ nòng cốt, lực
lượng cốt cán của đảng “đã hứa là phải thực hiện”, “nói thì phải làm”, “lí luận
gắn liền với thực tiễn”, người đảng viên không thể chỉ nói suông, không thể chỉ
nói mà không nêu gương, không thực hành, không làm mẫu để quần chúng noi theo.
Trong thực thi các công việc của đảng, người cũng đã phê bình, phê phán những
cán bộ “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác.
Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”.
Từ những giá trị đạo đức, tư tưởng Người để lại, ta thấy rằng cần thiết phải xây dựng hình tượng người đảng viên tiên phong, gương mẫu trên tất cả các mặt trận kinh tế - xã hội, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong các phong trào, hoạt động thi đua. Chính họ sẽ là những hình mẫu lan tỏa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Sinh thời, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Với Người, người tốt việc tốt ở đâu cũng có; ngành nào cũng có. Phải biết phát huy và tuyên dương kịp thời gương người tốt việc tốt để làm động lực cho sự phát triển các mặt trong đời sống xã hội. Từ đó làm nền tảng cho xã hội ngày một phát triển phồn vinh, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóa