Hiện nay, tình trạng lãng
phí với nhiều biểu hiện phức tạp và quy mô khác nhau làm thất thoát nguồn lực
quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Lãng phí thậm chí còn được nhìn
nhận là nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân
dân. Lãng phí mà kết hợp với xa hoa thì rất gần với hủ bại nhân cách, “tự chuyển
hóa”.
Dư luận đang rất bức xúc
trước những thông tin về “tiệc nghỉ hưu” liên quan đến nguyên Giám đốc Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh. Những hình ảnh xuất hiện trên báo
chí và lan truyền trên mạng xã hội cho thấy độ hoành tráng, xa hoa của “lễ chia
tay”, “tiệc tri ân” được tổ chức tại khách sạn rồi sau đó là trên hai du thuyền
5 sao cập mạn vào nhau trên vịnh Hạ Long, với sự tham gia của đông đảo quan
khách CDC các tỉnh, thành miền Bắc… Cho dù chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc,
nhưng những hình ảnh đó là hết sức phản cảm, gây nhiều điều tiếng trong dư luận
xã hội.
Điều đáng nói, vụ việc xảy
ra vào thời điểm ngành y tế đang kiệt quệ vì cuộc chiến phòng, chống đại dịch
COVID-19. Thời gian qua, hàng nghìn nhân viên y tế trên cả nước đã xin thôi việc,
bỏ việc vì mức thu nhập thấp trong khi công việc vất vả, nhiều áp lực và nguy
hiểm đến sức khỏe… Nhằm giữ chân nhân lực ngành y tế, Thủ tướng Chính phủ mới
đây đã phải “bật đèn xanh” để xem xét lại chế độ phụ cấp ưu đãi, đồng thời tiếp
tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi
dịch COVID-19.
Đặc biệt, nhiều CDC trên
cả nước đang vướng vào “đại án” Việt Á. Nhiều lãnh đạo, cán bộ CDC các địa
phương đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi tiếp tay cho Việt Á
lũng đoạn thị trường kit xét nghiệm vào thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng nhất.
Đây cũng là vụ án được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung
ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong bối cảnh “lò lửa” chống “giặc
nội xâm” của Đảng ta đang nóng hơn bao giờ hết.
Khi dịch COVID-19 đang có
dấu hiệu phức tạp trở lại trong thời gian gần đây kèm theo nguy cơ dịch chồng dịch
từ bệnh đậu mùa khỉ, vậy mà cán bộ CDC nhiều địa phương vẫn có thời gian để “tiệc
tùng” ở Hạ Long, tổ chức “tiệc nghỉ hưu” cho Chủ tịch Câu lạc bộ CDC miền Bắc?
Điều này thực sự tạo ra hình ảnh khó coi, phản cảm, thậm chí như thách thức dư
luận.
Không phải tự nhiên dư luận
lại đặt ra những câu hỏi như: Phải chăng họ đã sử dụng tiền thuế của dân để tiệc
tùng? Nếu không tham ô, tham nhũng thì lấy đâu ra tiền để tổ chức những bữa tiệc
xa hoa như vậy? Liệu đằng sau bữa tiệc này có hình bóng của nhóm lợi ích?…
Các thế lực thù địch cũng
không bỏ qua cơ hội này để tiếp tục công kích hệ thống chính trị của Việt Nam,
“vơ đũa cả nắm” quy kết và bôi nhọ cán bộ, đảng viên, hòng làm lung lay niềm
tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
Hiện tại, Ủy ban Kiểm tra
Tỉnh ủy Quảng Ninh đã vào cuộc xác minh, làm rõ về những dấu hiệu vi phạm đối với
Đảng ủy bộ phận CDC Quảng Ninh và nguyên Bí thư Đảng ủy bộ phận CDC Quảng Ninh,
nguyên Giám đốc CDC Quảng Ninh. Trong khi đó, nguyên Giám đốc CDC tỉnh Quảng
Ninh cũng đã bị tạm dừng xét tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.
Ở đây, từ góc nhìn xã hội
đơn thuần, có thể thấy việc được mọi người quý mến, chia sẻ lúc chia tay trong
bất cứ trường hợp nào cũng là điều đáng ghi nhận. Thế nhưng, cái cách thể hiện
tình cảm đó sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lại là điều cần được nhìn
nhận thấu đáo và chấn chỉnh. Trong vụ việc này, nếu phát hiện vi phạm của tổ chức,
cá nhân, thì dư luận cũng rất mong chờ những biện pháp xử lý nghiêm minh, không
có vùng cấm, không có “hạ cánh” an toàn, không để “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh
hưởng đến uy tín của Đảng.
Trước đây, từng có nhiều
bài học liên quan đến việc cán bộ, đảng viên tổ chức tiệc tùng, đám cưới, đám
ma… rình rang, linh đình, với sự góp mặt của nhiều “xe biển xanh” và bị nhân
dân lên án về thói xa hoa, lãng phí. Trong nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến
tham nhũng, tiêu cực được đưa ra ánh sáng gần đây, những khối tài sản “kếch xù”
của một số cán bộ, đảng viên cũng khiến dư luận bức xúc, bất bình, mà nguyên
nhân là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong
đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện,
sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống”.
Tại Quy định số 37-QĐ/TW
về những điều đảng viên không được làm, Điều 18 nêu rõ: Tổ chức việc cưới, việc
tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm mục
đích vụ lợi. Mới đây nhất, Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng nhận diện “Tổ chức việc cưới, việc
tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình (ngày lễ, tết, sinh nhật, lên chức,
mừng nhà mới, mừng thọ, luân chuyển, chuyển công tác,…) một cách phô trương
hình thức, lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi dụng việc cưới, việc
tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia
đình hoặc cho người khác” là 1 trong 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo
phòng, chống.
Sinh thời, Bác Hồ từng nhắc
nhở rằng lãng phí là một căn bệnh, là tội lỗi với Đảng, với Nhà nước và nhân
dân. Sự lãng phí gây ra rất nhiều tác hại trước mắt và hậu quả lâu dài. Từ đó,
Người nhấn mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xa xỉ: “Có tiết kiệm,
không hoang phí, xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí,
xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả
dối”.
Do vậy, học và làm theo Bác, cần lắm trước hết ở cán bộ, đảng viên những hành động thiết thực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và lối sống xa hoa, thay vì những lời nói suông, đánh trống bỏ dùi; cần lắm những cán bộ, đảng viên “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và nhận thức đúng đắn hành động của mình như dân gian ví von “Vui thôi, đừng vui quá!”.
cần phải học tập Bác Hồ suốt đời
Trả lờiXóa