Trong các Văn kiện Đại hội
của Đảng đều chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ xã hội
chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội X của Đảng chỉ rõ: tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu tham
nhũng, lãng phí là nghiêm trọng. Đại hội XII Đảng tiếp tục khẳng định: Tăng cường
xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ… đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí,
quan liêu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định lại quan điểm
nhất quán này đó là: kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan
liêu, tham nhũng lãng phí, lối sống cơ hội thực dụng, bè phái, nói không đi đôi
với làm trong cán bộ đảng viên.
Như vậy, có thể nhận thấy
công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng xác định là nhiệm vụ trực tiếp,
thường xuyên của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo
của Đảng; là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, khó khăn, phức tạp; phải tiến
hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không nóng vội, không chủ quan, với những
bước đi vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm; phòng chống tham nhũng cần phải thực
hiện đồng bộ các biện pháp; phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham
nhũng, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, các hành vi bao che,
dung túng tiếp tay cho tham nhũng; không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” trong
chống tham nhũng ở Việt Nam…
Với sự quyết tâm và
nghiêm khắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều vụ tham nhũng được xét xử, nhiều
cán bộ tha hóa, biến chất ở mọi cấp, mọi ngành, “không có vùng cấm” đã chịu sự
trừng phạt của pháp luật; đã thu hồi, đề nghị thu hồi tại sản trị giá hàng
nghìn tỷ đồng cho Nhà nước. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức
tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công
khai, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống
tham nhũng.
Tính đến năm 2020, các cơ
quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410
bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức
vụ. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, từ khi thành lập đến
nay đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp,
dư luận xã hội quan tâm ra xử lý... Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban
Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện
Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy
viên Trung ương, 4 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị)…
Các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập
thể và nhiều cá nhân sai phạm; chuyển cơ quan điều tra hơn 650 vụ việc có dấu
hiệu tội phạm… Mới đây, hàng loạt cán bộ cao cấp ở tỉnh Bình Dương, Khánh Hòa,
Thành phố Hồ Chí Minh cả đương chức và đã nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật và bị truy
tố vì các vi phạm.
Từ những dẫn chứng nêu trên cho thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam không bao giờ bao che, dung túng cho quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chống tham nhũng không có “vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tất cả những ai có hành vi phạm tội, tùy theo mức độ vi phạm đều bị xem xét xử lý nghiêm khắc theo pháp luật, thấu tình đạt lý. Đảng luôn coi tham nhũng là “giặc nội xâm”, một trong các nguy cơ, đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển đất nước, làm mất uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vì thế, Đảng không thể không quyết liệt trong đấu phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng là mệnh lệnh sống còn của Đảng. Do đó, luận điệu cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thực tâm chống tham nhũng là luận điệu xuyên tạc, chống phá nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Chống tham nhũng là phải vừa tích cực phòng ngừa, vừa xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng.
Trả lờiXóa