Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

“BOM HÀNG” MÙA DỊCH - HÀNH VI KHÓ CHẤP NHẬN

     Trong lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng, các cơ quan chức năng đi chợ giúp người dân thì một phường tại quận Tân Phú (TP HCM) lại bị "bom hàng" tới 30 đơn khiến dư luận bức xúc.

     Nhằm tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, chính quyền các địa phương tại TP HCM đã tổ chức thực hiện việc đi chợ giúp người dân. 

     Đây là biện pháp cần thiết và có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện trong thực tế còn gặp một số khó khăn, mới đây nhất là tình trạng trong ngày 27-8, một phường ở quận Tân Phú (TP HCM) đã bị "bom hàng" 30 đơn. 

     Từ vụ việc này, vấn đề pháp lý được đặt ra đó là hành vi "bom hàng" có vi phạm pháp luật và có bị xử lý hay không?

     Thứ nhất, pháp luật hiện hành không có bất cứ thuật ngữ hay quy định nào về việc "bom hàng". Tuy nhiên, có thể hiểu đây là việc bên bán hàng và bên mua hàng tự mình hoặc thông qua bên thứ ba (trường hợp này là đại diện địa phương) thỏa thuận, xác lập thành công việc mua hàng. Nhưng khi thực hiện việc giao, nhận hàng và thanh toán thì bên đặt hàng không thực hiện giao dịch đó (cố tình không nghe điện thoại, hoặc từ chối không nhận hàng).

     Thứ hai, căn cứ quy định tại Điều 116, 119, Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp này, giao dịch giao đặt hàng được xem là việc các bên đã xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa. 

     Theo đó, khi hợp đồng được xác lập, mỗi bên có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc giao đặt hàng, cụ thể với bên mua là phải thực hiện nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền mua. Nếu không thực hiện thì vi phạm thỏa thuận của hai bên và quy định của pháp luật dân sự. 

     Trách nhiệm pháp lý phải chịu là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 360, Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra trong trường hợp người bị bom hàng tiến hành khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết. Nói cách khác, nếu người bị bom hàng không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người bom hàng đối với người bị bom hàng không được đặt ra.

     Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, các văn bản hướng dẫn xử lý, truy cứu trách nhiệm pháp lý do vi phạm các quy định liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng chưa có bất cứ chế tài nào xử lý hành chính nào đối với người bom hàng. Mặt khác, vì đây chỉ là giao dịch dân sự nên không có căn cứ để quy kết trách nhiệm hình sự.

     Khi pháp luật chưa có chế tài hành chính hay hình sự, thì việc giải quyết những vấn đề như trên chỉ dừng lại ở góc độ pháp luật dân sự. 

     Việc này chỉ được thực hiện theo nguyện vọng của chủ thể bị bom hàng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp thì việc yêu cầu bồi thường dân sự hầu như không xảy ra, cho nên không có ý nghĩa chấn chỉnh ý thức và thái độ của một phận người dân. 

     Do vậy, giải pháp tối ưu nhất cần làm là chính quyền từng địa phương cần tăng cường động viên, vận động người dân tuân thủ, đồng lòng phối hợp, thực hiện đúng các quy định, chỉ đạo của cơ quan ban ngành, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "chỉ đặt hàng thử", "đặt cho vui". 

     Đối với mô hình đi chợ giúp người dân, có thể tăng cường rà soát đơn hàng, xác nhận lại với người đặt mua hàng cụ thể về việc có mua hàng hay không? Trường hợp không nhận hàng phải có lý do chính đáng. Việc "bom hàng" trong thời gian dịch bệnh diễn ra căng thẳng, đi lại khó khăn là điều khó chấp nhận, do đó mỗi người dân cần ý thức việc làm của mình để tránh ảnh hưởng công việc chung.

1 nhận xét: