Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

MỘT SỐ THÀNH TỰU CỦA BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG CHÍNH TRỊ Ở NƯỚC TA

Với Việt Nam, trong mỗi thời kỳ phát triển, đặc biệt kể từ ngày thành lập Đảng, Ðảng ta luôn coi trọng công tác phát triển phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, trong đó nhấn mạnh cả vấn đề trao quyền chính trị cho phụ nữ. Quan điểm của Ðảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết của Ðảng qua các kỳ Đại hội. Nhiều chính sách được ban hành nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.

Với những chủ trương, đường lối đúng đắn phù hợp với từng giai đoạn phát  triển của đất nước, nên trong lĩnh vực bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong tham gia lãnh đạo quản lý nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Dấu ấn rõ nét đó là chỉ số bình đẳng giới không ngừng được cải thiện. Năm 2020, Việt Nam được xếp vị trí  thứ 87 trên tổng số 153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới. Nhìn lại những con số thống kê qua các kỳ bầu cử cho thấy những thành quả quan trọng mà cả hệ thống chính trị đã quyết tâm thực hiện trong lĩnh vực tham chính của phụ nữ,… Kết quả bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XV tỷ lệ đại biểu là nữ đạt 30,26% và đây cũng là lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện đạt 27,9% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ trước). Việc bố trí lãnh đạo nữ trong Quốc hội kỳ này chiếm gần 40%. Đây là minh chứng cho thấy sự ưu việt trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người của Đảng, Nhà nước ta và cũng cho thấy sự vươn lên của phụ nữ Việt Nam, đưa vị thế phụ nữ Việt Nam tham gia Quốc hội đứng thứ hai khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đứng thứ 6 ở châu Á. Tại Đại hội XIII, trong số Ủy viên Trung ương Đảng chính thức được bầu có 18 đại biểu nữ, tăng 01 đại biểu so với nhiệm kỳ khóa XII. Trong 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 có tới 9 người là nữ thuộc các tỉnh: Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi và An Giang. Đây là số lượng nữ bí thư tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong nhiệm kỳ này, ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%. Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16%, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước. Trong bộ máy hành chính nhà nước cấp Trung ương và địa phương tính đến hết tháng 7-2020, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ (30) có lãnh đạo nữ đạt 36,6% (11/30).

1 nhận xét: