Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

PHÁT HUY TINH THẦN SÁNG TẠO CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TRONG PHÒNG, CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID-19

Sáng tạo trong lao động là một giá trị cốt lõi trong nội dung bản sắc văn hoá dân tộc, là một trong những sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống sáng tạo trong lao động đã được thể nghiệm và chứng minh, chưng cất từ chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Ngày nay, người Việt Nam đang phát huy tinh thần sáng tạo ấy để đương đầu với thách thức to lớn - đại dịch Covid-19.

Tinh thần được hình thành từ chính quá trình thực tiễn sinh tồn và lao động sản xuất, nơi mà đòi hỏi con người Việt Nam phải sáng tạo, linh hoạt để vượt qua và thích nghi với sự khắc nghiệt của tự nhiên trong nền sản xuất nông nghiệp truyền thống; để kiên cường vượt qua mọi thử thách chiến đấu và chiến thắng các thế lực ngoại xâm hung tàn. Từ trong quá trình sinh tồn và phát triển ấy, tại mỗi thời khắc và giai đoạn đối diện với những khó khăn và hiểm nguy, người dân Việt Nam lại phát huy giá trị bản sắc này, biến nó thành sức mạnh vật chất để tồn tại và phát triển, minh chứng cho tinh thần và trí tuệ Việt Nam.

Đại dịch Covid – 19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như trong nước. Việt Nam đang ở trong làn sóng thứ tư của đại dịch với bao thách thức, khó khăn. Từ bối cảnh ấy, sức mạnh sáng tạo của người Việt lại được phát huy hơn bao giờ hết. Tinh thần sáng tạo được thể hiện trong hoạt động của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng người dân, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân, dù ở trong hay ngoài nước.

Từ rất sớm, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, đưa ra những phương thức, cách làm quyết liệt với tinh thần hết sức sáng tạo, như tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, quan điểm thực hiện “mục tiêu kép” (vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội), “thần tốc, thần tốc hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng”, phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), chú trọng vai trò chủ động của chính quyền các địa phương…

Trên cơ sở đó, các địa phương cũng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và nhiều địa phương trở thành điển hình trong phòng, chống Covid. Đó là cách làm sáng tạo khoanh ổ dịch “3 lớp” tại những nơi bị cách ly của huyện Đông Anh (Hà Nội), vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa “không ngăn sông cấm chợ”; mô hình xét nghiệm mẫu gộp 5 của Đà Nẵng, tiết kiệm chi phí xét nghiệm, trở thành kinh nghiệm cho các địa phương khác; nhiều địa phương thành lập các tổ tuyên truyền và giám sát cộng đồng, sáng kiến phát phiếu đi chợ (Hải Dương, Đà Nẵng…)…

Sự sáng tạo cũng được thể hiện thông qua chủ trương và hoạt động của các ngành, các lĩnh vực, nhất là Y tế - ngành chủ lực và trực tiếp trong đối đầu với đại dịch. Điển hình như thông điệp “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế), từ đó đã khơi dậy nhiều ý tưởng sáng tạo như: những bức tranh 5K, đồng dao 5K, thơ 5K, bài hát 5K…; và giờ đây là "5T" (Tuân thủ nghiêm 5K - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tại gia - Test Covid tất cả - Tiêm chủng tại phường, xã), thông điệp có vần điệu dễ hiểu, dễ nhớ; hay như việc phát động chiến dịch truyền thông lan toả thông điệp “Niềm tin chiến thắng”, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền, cổ động kêu gọi cộng đồng phòng, chống dịch…

Bên cạnh đó, các tổ chức và cá nhân ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau, với tinh thần trách nhiệm cộng đồng, đã phát huy tính sáng tạo cùng cả nước chung tay chống đại dịch. Đó là các kỹ sư ngày đêm miệt mài, chạy đua với thời gian để sáng chế ra những sản phẩm hỗ trợ các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch (buồng khử khuẩn được rất nhiều tổ chức, cá nhân tham gia sáng chế; ứng dụng bluezone, khai báo y tế điện tử, thiết lập các “điểm kiểm dịch” bằng việc quét mã QR; chế tạo robot xét nghiệm chống nóng; cải tiến công nghệ, chế tạo bộ đồ bảo hộ chống dịch, như làm mát bộ đồ bảo hộ; sáng kiến tiếp nước cho những người mặc quần áo bảo hộ y tế…).

Giới nghệ sỹ cũng luôn thể hiện tinh thần sáng tạo của mình cùng cộng đồng tham gia phòng chống Covid – 19. Họ đã sáng tác nhiều ca khúc, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật khác nhau với chủ đề kêu gọi cộng đồng chung tay chống dịch. Đó không chỉ là những ca khúc nhạc trẻ có hiệu quả tuyên truyền cao như “Vũ điệu rửa tay”, “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid…, mà các nghệ sĩ cải lương, bolero, hoạ sĩ…cũng giới thiệu đến công chúng những sáng tác nghệ thuật để giúp mọi người có thêm niềm tin, động lực vượt qua giai đoạn khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh…

Đây chỉ là những nét chấm phá cho tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của con người Việt Nam trước những hoàn cảnh khó khăn và những thách thức nghiêm trọng. Tiếp tục phát huy giá trị ấy, Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng đại dịch, vượt qua mọi gian nguy để thực hiện thành công các mục tiêu hiện tại và tương lai.

Tinh thần sáng tạo là truyền thống Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, được hình thành và phát triển từ trong thực tiễn, được tôn lên bởi tinh thần yêu nước, từ ý thức trách nhiệm với cộng đồng, từ truyền thống đoàn kết để tạo nên sức mạnh trường tồn cho dân tộc Việt Nam. Đó là cơ sở để “phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

1 nhận xét:

  1. Cuộc chiến chống dịch bệnh này đã thể hiện rõ nét về sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tới tính mạng của mọi người dân Việt Nam

    Trả lờiXóa