Cuộc đấu tranh bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là rất
khó khăn, phức tạp, rất quyết liệt và không khoan nhượng. Trong bối cảnh tình
hình mới, Đảng ta phải coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo đối với nhiệm vụ trọng
yếu, thường xuyên, lâu dài này.
Giữa thế kỷ XIX, với sự uỷ
nhiệm của Liên đoàn những người cộng sản, hai nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại
C.Mác và Ph.Ăngghen đã sáng lập chủ nghĩa Mác, thông qua việc khởi thảo và công
bố “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” - Văn kiện có tính cương lĩnh của các Đảng cộng
sản và công nhân - Tác phẩm lý luận, ngọn cờ tư tưởng soi đường cho giai cấp
công nhân và các lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải
phóng xã hội, giải phóng con người.
60 năm sau, V.I.Lênin và
Đảng Bônsêvích Nga đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác, làm nên thắng lợi vĩ đại
của cuộc cách mạng tháng Mười - Mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ
nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. V.I.Lênin và Đảng
Bônsêvích Nga đã phát triển chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa
Mác-Lênin là một học thuyết cách mạng và khoa học cung cấp hệ thống lý luận và
phương pháp luận khoa học không chỉ để khám phá các quy luật vận động và phát
triển của xã hội loài người, chỉ ra quy luật phát sinh, phát triển và diệt vong
của chủ nghĩa tư bản, sự ra đời và thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội, mà
còn vạch ra mục tiêu, con đường, lực lượng và phương pháp cách mạng để xoá bỏ
chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, giải phóng con người khỏi mọi hình
thức áp bức, bóc lột, bất công, tha hoá. Chính vì vậy mà ngay từ khi ra đời và
trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của mình, chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị
các thế lực thù địch, phản động chống phá điên cuồng, quyết liệt trên cả bình
diện lý luận và thực tiễn với quy mô rộng lớn, mang tính toàn cầu. Là hệ tư tưởng
của giai cấp công nhân, cho nên cuộc đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa
Mác-Lênin là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận chính trị.
Tính chất của cuộc đấu tranh này là quyết liệt, không khoan nhượng.
Ở Việt Nam, từ khi Đảng cộng
sản Việt Nam ra đời cho đến ngày nay, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được Đảng ta và Chủ
tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện
của Việt Nam và quy luật của thời đại.
Ngay từ khi Đảng ta ra đời
năm 1930 đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại các âm mưu, thủ
đoạn chống phá thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị
trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, bảo vệ bản chất cách mạng và khoa học của chủ
nghĩa Mác-Lênin, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh - Bảo vệ hệ thống các quan điểm
toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ
bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ
nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá
trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
Từ năm 1986, khi đất nước
ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, từng bước hội nhập quốc tế và nhất là sau thảm
hoạ chính trị - sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực chống cộng,
thù địch coi Việt Nam là một trọng điểm đẩy mạnh âm mưu chiến lược “diễn biến
hoà bình”, tăng cường chống phá ta trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Trong bối cảnh
hiện nay, chúng ta đã nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn, phương thức, hình thức,
các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tấn
công vào nền tảng tư tưởng, cương lĩnh đường lối của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước ta thể hiện chủ yếu trên những vấn đề sau:
- Tấn công trực diện vào
nền tảng tư tưởng của Đảng để phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, phủ định con đường đi lên CNXH. Các thế lực thù địch đẩy mạnh tuyên truyền,
cổ xuý du nhập các trào lưu tư tưởng cực đoan: chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa thực
dụng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan từ bên ngoài kết hợp với kích động chủ nghĩa
cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa bè phái, chủ nghĩa hưởng lạc từ bên trong
nhằm thúc đẩy “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” trong hệ thống chính trị và xã hội.
- Phủ nhận sự lãnh đạo của
Đảng và thể chế chính trị XHCN với các luận điệu: “Đảng tự cho mình đứng trên tất
cả”; “Đảng cầm quyền phi chính danh”, “Đảng không còn bản chất cách mạng của
giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”; cổ xuý “Phi chính trị
hoá” lực lượng vũ trang; phủ nhận kinh tế thị trường định hướng XHCN, đối lập
kinh tế thị trường với định hướng XHCN; quy kết chế độ hiện nay mắc “lỗi hệ thống”,
đòi cải cách thể chế chính trị theo hướng đa nguyên, đa Đảng, thực hiện “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân
sự” theo tiêu chí phương Tây.
- Xuyên tạc tình hình đất
nước, rêu rao cái gọi là “khủng hoảng toàn diện”, “tình thế hiểm nghèo”; cường
điệu, vu khống khoét sâu các vấn đề xã hội, tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, đất
đai… nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Nguỵ tạo, tô vẽ, thổi
phồng những yếu kém khuyết điểm của một số tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên
quy kết thành bản chất của Đảng cầm quyền, kích động đối lập Đảng, nhà nước với
nhân dân.
- Xâm nhập vào nội bộ của
ta, tiếp cận, lôi kéo, mua chuộc nhằm phân hoá nội bộ, dựng “ngọn cờ” để tập hợp
lực lượng. Đẩy mạnh tìm kiếm những phần tử thoái hoá biến chất trong hàng ngũ
cán bộ, đảng viên nhất là những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, có biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hoá” để tán phát các quan điểm sai trái, phản động.
- Phá hoại đường lối đối
ngoại độc lập tự chủ đa phương hoá, đa dạng hoá trong hội nhập quốc tế của Đảng
ta với các chiêu bài như “bài”, “thoát” nước này, liên minh với nước kia, cổ
xuý chủ nghĩa ly khai. Chúng triệt để lợi dụng các vấn đề chủ quyền biển đảo để
tung tin thất thiệt làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào quyết tâm bảo vệ chủ
quyền biển đảo của Đảng và Nhà nước ta. Chúng tổ chức tán phát các “Thư ngỏ”,
“tuyên bố”, “kiến nghị” để lôi kéo kích động đồng bào ta ở trong và ngoài nước
kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ,
gây sức ép với Việt Nam về các vấn đề dân chủ, nhân quyền…
Trong bối cảnh mới của
tình hình, trên cơ sở nhận rõ âm mưu chiến lược, chiến thuật, thủ đoạn, chiêu
trò, biện pháp, phương thức, phương tiện của các thế lực thù địch chống phá ta
trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, Đảng ta trong nghị quyết 35 của Bộ chính trị
khóa XII ngày 22.10.2018 đã xác định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng yếu, có ý
nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ
nghĩa.
Tiến hành nhiệm vụ trọng
yếu, thường xuyên này trong tình hình mới khi các lực lượng thù địch tăng cường,
đẩy mạnh hơn bao giờ hết chiến lược “diễn biến hòa bình” gắn chặt với các cuộc
“cách mạng màu”, chúng đầu tư lượng tài chính khổng lồ, sử dụng hàng nghìn
chuyên gia tư tưởng, chiến tranh tâm lý, lợi dụng triệt để những yếu kém, bất cập
của các tổ chức và cá nhân trong công cuộc đổi mới và hội nhập, xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc để sản xuất và phát tán hàng trăm ngàn quan điểm, luận điệu sai trái
thù địch. Các thế lực thù địch lợi dụng triệt để các hoạt động ngoại giao thân
thiện, hợp tác kinh tế, văn hóa, hoạt động của hàng trăm tổ chức phi chính phủ
để cài cắm lực lượng, tiếp cận, lôi kéo, kích động các phần tử cơ hội chính trị,
thoái hóa biến chất trong nội bộ ta để tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức
chính trị đối lập, đẩy mạnh các hoạt động truyền bá các quan điểm luận điểm sai
trái, thù địch. Đáng chú ý các tổ chức thế lực thù địch bên ngoài phối hợp cấu
kết chặt chẽ với các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong nước thông qua
hàng chục đài phát thanh, truyền hình tiếng Việt, hàng trăm báo, tạp chí, bản
tin, nhà xuất bản tiếng Việt ở nước ngoài cùng với việc các thế lực thù địch lập
ra hàng trăm Website, blog, Fanpage, mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài để
thường xuyên, liên tục truyền bá chuyển tải các quan điểm sai trái, các thông
tin xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, đả phá, công kích vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, chống phá chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng ta.
Tình hình trên cho thấy
cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai
trái thù địch hiện nay là rất khó khăn, phức tạp rất quyết liệt và không khoan
nhượng. Trong bối cảnh tình hình mới, Đảng ta phải coi trọng nâng cao năng lực
lãnh đạo đối với nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài này.
Nghị quyết số 35-NQ/TW về
“Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch trong tình hình mới” được hình thành trên cơ sở tổng kết thực
tiễn gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 là 30 năm Đảng ta kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, để nhận thức ngày càng sáng tỏ về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH làm cơ sở cho Đảng ta từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN. 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 cũng là 30 năm Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Chúng ta phải tích cực đấu tranh vạch trần bộ mặt nhơ bẩn của bọn phản động thông qua các bình luận ở các tài khoản của bọn chúng.
Trả lờiXóa