Chiều 22/9 (theo giờ New
York, tức rạng sáng 23/9 giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự
Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, Chủ tịch nước
Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn trọng thể
này.
Trong bài phát biểu, Chủ
tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá lớn cùng các đề xuất
cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm và lấy luật
pháp quốc tế làm nền tảng, để cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu phức tạp
như chiến tranh, xung đột, tranh chấp tài nguyên, biến đổi khí hậu và đặc biệt
là đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến hoà bình, an ninh và phát triển
trên toàn thế giới.
Chủ tịch nước cho rằng vấn
đề cấp bách nhất hiện nay là cần kiểm soát đại dịch COVID-19 thông qua hợp tác
quốc tế, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho những nước có tỷ lệ tiêm chủng
còn thấp, đồng thời tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất
và tham gia chuỗi cung ứng vaccine.
Trước những tác động sâu
sắc của đại dịch làm bộc lộ rõ những yếu kém của hệ thống quản trị toàn cầu, Chủ
tịch nước cho rằng cần nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia, dựa
trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các quốc gia, để từ đó có thể biến các
thách thức thành những cơ hội cho phát triển thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số
và ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và
sức tự cường của nền kinh tế.
Đây cũng là cơ hội để các
quốc gia chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các nỗ lực giảm
thiểu và xử lý các tác động tiêu cực đang ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước
Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những nỗ lực này sẽ không thể mang lại kết quả nếu
không có môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế
giới.
Chủ tịch nước cho biết Việt
Nam và các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của
Hiệp hội trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á và châu
Á-Thái Bình Dương; chia sẻ tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng
của duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng
không ở Biển Đông; yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hành động làm
phức tạp tình hình, giải quyết hoà bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở Hiến
chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật
Biển (UNCLOS) năm 1982; thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên
trên Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)
thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm
1982.
Chia sẻ về tình hình Việt
Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khát vọng của dân tộc Việt Nam
xây dựng đất nước hùng cường, với Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì
dân, khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt, ý chí quật cường, khối đại đoàn kết và
phát huy năng lực đổi mới sáng tạo của toàn dân tộc.
Chủ tịch nước khẳng định
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển,
đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn
diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ
lực chung của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy
đối thoại, hợp tác, cùng nhiều sáng kiến quan trọng trên cương vị Uỷ viên không
thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, tăng cường tham gia các hoạt động
gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng mặc dù chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, song Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc.
Khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra như thế này; người dân các nước TBCN mới thấy hết giá trị tốt đẹp và nhân văn của chế độ XHCN; điển hình là ở Việt Nam
Trả lờiXóa