Theo Từ điển Tiếng Việt,
tham nhũng “lợi dụng quyền hành để hạch sách nhũng nhiễu dân”. Còn theo Samuel
Hungtington (học giả người Mỹ), đó “là hành vi lệch chuẩn của nhân viên công
quyền để mưu cầu tư lợi”. Vì thế, có thể hiểu rằng, tham nhũng chính là sự mưu
lợi/hưởng lợi một cách bất chính/không chính đáng thông qua sự vi phạm các chuẩn
mực/vi phạm trách nhiệm và nghĩa vụ của những người được giao phó nhiệm vụ công
hoặc tư. Do đó, tham nhũng vốn không phải chỉ là khuyết tật của chế độ xã hội
chủ nghĩa/của chế độ xã hội do Đảng Cộng sản lãnh đạo mà chính là sản phẩm của
quyền lực, của tất cả các thể chế chính trị kể từ khi có nhà nước. Tham nhũng tồn
tại tất yếu khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước và chừng
nào mà nhà nước, quyền lực chính trị còn tồn tại, thì chừng đó còn có điều kiện
và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng (từ tham nhũng “to” đến tham nhũng “vặt”).
Ở Việt Nam, tham
nhũng là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng/lạm dụng
chức vụ, quyền hạn được trao/được đảm nhiệm nhằm mục đích vụ lợi cho cá nhân,
người thân, nhóm lợi ích… Cụ thể, theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018,
chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn; là người lợi dụng chức vụ,
quyền hạn được trao để đạt mục đích chính là vụ lợi. Đó là những: a) Cán bộ,
công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp… thuộc Quân đội nhân
dân và Công an nhân dân; c) Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp; d)
Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; đ) Những người
khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ,
công vụ đó.
Đồng thời, cũng theo Luật
phòng, chống tham nhũng năm 2018, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước
do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước
thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Lạm dụng chức vụ, quyền
hạn chiếm đoạt tài sản; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm
vụ, công vụ vì vụ lợi; đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ
lợi; e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ
để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; k)
Nhũng nhiễu vì vụ lợi; l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy
đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho
người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật
vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử,
thi hành án vì vụ lợi...
Vì thế, tham nhũng chính
là trở lực lớn đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước; làm
xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đối với sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội; đồng thời, đó cũng chính là một trong những nguy cơ đe dọa sự
tồn vong của Đảng và chế độ.
Nhận thức rõ nguy cơ và
tác hại của vấn nạn này, cho nên phòng và đấu tranh chống tham nhũng luôn là một
vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; đồng thời được xác định là một
trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đấu
tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên và lâu dài để
Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong lãnh đạo cách mạng
Việt Nam.
Tăng cường phòng và đấu
tranh chống tham nhũng theo văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng nói chung, Nghị
quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một
nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”; “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt
để hơn, hiệu quả hơn”. Cùng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
ngày 5/8 vừa qua đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và của người đứng đầu Đảng về
việc thực hiện nhiệm vụ trọng yếu này, chứ không phải/không bao giờ nhằm mục
đích “đánh bóng tên tuổi của mình”, nhằm “thanh trừng phe cánh”… như các luận
điệu bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội.
Những nhiệm kỳ gần đây,
phòng và đấu tranh chống tham nhũng được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ, quyết
liệt trong Đảng và trong cả hệ thống chính trị, bởi một trong những biểu hiện
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ
cán bộ, đảng viên; trong đó, có cả các đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý
các cấp (từ Trung ương đến địa phương) chính là tham nhũng. Điều này được chỉ
rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh
đốn Đảng và một số văn bản khác.
Để phòng và đấu tranh chống
tham nhũng hiệu quả, thực hiện đường lối, chủ trương về phòng, chống tham nhũng
trong các văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông
qua Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQHXI về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy
chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời,
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1009/2006 về nhân sự Ban Chỉ đạo. Quốc
hội cũng đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống
tham nhũng năm 2012 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018…
Khoản 2, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Cùng với Hiến pháp và Luật Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/201K/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã có một chế định pháp lý riêng, quy định các tội phạm tham nhũng… tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đồng bộ, khả thi để phòng và chống tham nhũng hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị; đồng thời, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, tham ô, tham nhũng trong Đảng, trong hệ thống chính trị.
Chống tham nhũng là phải vừa tích cực phòng ngừa, vừa xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng.
Trả lờiXóa