Các nhà kinh điển Mác -
Lênin luôn coi tệ sùng bái cá nhân là một hiện tượng hoàn toàn xa lạ với bản chất,
mục đích, lý tưởng của giai cấp vô sản; đi ngược lại với lợi ích của tập thể và
nhân dân lao động. Hệ lụy của nó là tư tưởng “cuồng tín”, quan liêu mệnh lệnh,
“vô hiệu hóa” dân chủ...
C.Mác, Ph.Ăngghen và
V.I.Lênin luôn đấu tranh không mệt mỏi nhằm chống lại mưu toan đưa tư tưởng và
thực tiễn sùng bái cá nhân vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Trong nhiều bức thư gửi
G.B.Svai-xơ và V.Líp-nếch, C.Mác đã phê phán gay gắt sự sùng bái cá nhân. Một
trong số đó, ông đã viết: “Sự gia nhập lần đầu tiên của Ăngghen và tôi vào hội
bí mật của những người cộng sản diễn ra với một điều kiện không thể thiếu được
là phải gạt bỏ khỏi điều lệ tất cả những gì góp phần vào sự mê tín sùng phục những
cá nhân có uy tín”.
Đồng quan điểm của C.Mác,
trong Thư của Ph.Ăngghen gửi Bê-ben, bên cạnh việc chỉ ra những sai lầm của
một số thành viên trong Ban lãnh đạo Đảng Dân chủ - Xã hội Đức, Ph.Ăngghen đã
nhấn mạnh đến ý nghĩa tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gô-ta” của C.Mác đối với việc
nâng cao trình độ lý luận - tư tưởng của đảng viên và khắc phục ảnh hưởng của tệ
sùng bái cá nhân trong đảng. Theo đó, đảng cần quan tâm nắm vững lý luận cách mạng
và sự phát triển của nó, mở rộng các cuộc thảo luận khoa học...
Nhất quán với quan điểm của
C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin là một mẫu mực trong đấu tranh với tệ sùng bái
cá nhân. Trong tác phẩm Bệnh ấu trĩ ʺtả khuynh” trong phong trào cộng sản,
V.I.Lênin phê phán sai lầm của một số người cộng sản “tả khuynh”, do lẫn lộn
các khái niệm “lãnh tụ”, “đảng”, “giai cấp”, “quần chúng”, nên đem đảng đối lập
với giai cấp, đưa ra những lý lẽ mị dân về “chuyên chính của lãnh tụ” và
“chuyên chính của quần chúng”.
Cùng với triệt để lên án
tệ sùng bái cá nhân - điều xa lạ với tinh thần của chủ nghĩa Mác và làm hạ thấp
ý nghĩa của đảng, V.I.Lênin cũng kiên quyết lên án những hành động phá hoại sự
thống nhất của đảng; lên án một số cá nhân phái “tả” nấp dưới khẩu hiệu “đả đảo
lãnh tụ” để chiếm lấy cương vị lãnh đạo và gán ép ý chí cá nhân cho đảng, bỏ
qua vai trò và ý kiến tập thể.
Theo quan điểm duy
vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, điều tai hại của tệ sùng bái cá nhân
trước hết là ở chỗ nó hạ thấp vai trò của nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử,
hạ thấp vai trò của Đảng Cộng sản là người lãnh đạo tập thể quần chúng
nhân dân. Về mặt công tác tư tưởng, tệ sùng bái cá nhân dẫn tới chủ nghĩa giáo
điều, bệnh sách vở... Sùng bái cá nhân, thần thánh hóa cá nhân người lãnh
đạo sẽ dẫn đến hậu quả là chỉ thấy vai trò quyết định tất cả của cá
nhân người đó, phủ nhận cơ bản vai trò của quần chúng và cấp dưới,
làm cho họ thiếu tin tưởng, không phát huy được năng lực sáng
tạo. Cán bộ mắc “bệnh” sùng bái cá nhân thường đề cao vai trò của
bản thân, coi mình trên cả tập thể, cao hơn tập thể; thậm chí còn có tư tưởng đứng
trên và ngoài sự kiểm soát của tổ chức. Nguy hiểm hơn, những người này còn có
tư tưởng nâng đỡ, đề bạt những kẻ thích xu nịnh, ca tụng, đề cao mình; đồng
thời, có hành động khống chế, chèn ép những người trung thực, dám đấu
tranh, nói thẳng, nói thật...
Thực tiễn đấu tranh chống
sùng bái cá nhân I.V.Xta-lin của Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây đã chứng minh
tính tất yếu phải loại bỏ tệ này. Sau khi trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng
và Nhà nước, mặc dù đã có những cống hiến lớn, song I.V.Xta-lin đã xem thường
những lời cảnh báo của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin.
Vì vậy, ở Liên Xô đã xuất hiện tình trạng chủ yếu dựa vào nghe báo cáo, xem
công văn, gửi chỉ thị, ra mệnh lệnh để tìm hiểu tình hình và giải quyết vấn đề mà rất
ít đi vào thực tế, tiếp xúc quần chúng. Sau thắng lợi của Chiến tranh
Vệ quốc, tư tưởng sùng bái đối với I.V.Xta-lin trong Đảng ngày càng nặng,
khiến cho lãnh đạo lớp trên khó nghe được ý kiến của quần chúng,
ý kiến của cấp dưới cũng khó đến cấp trên. Ngoài dẫn đến sự xa rời
nguyên tắc tập thể lãnh đạo, tệ sùng bái cá nhân còn gây nên những vi
phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa, đưa lại không ít tổn thất cho xã hội Xô-viết. Trước
tình hình đó, Đảng cộng sản Liên Xô đã áp dụng các biện pháp nhằm loại
trừ những hậu quả của tệ sùng bái cá nhân. Trước hết là nới rộng
quyền của tập thể và lãnh đạo trong giải quyết những vấn đề về xây dựng
kinh tế và văn hóa; nâng cao vai trò của các Xô-viết ở Trung ương và
địa phương, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong hệ thống chính
trị; tiến hành những biện pháp củng cố pháp chế, mở rộng quyền hạn và tự
do của công dân...
Thấu triệt quan điểm
của các nhà kinh điển Mác - Lênin, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng,
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu và chủ trương lên án, phê
phán mạnh mẽ tệ sùng bái cá nhân. Cùng với đề cao vai trò là chủ, làm chủ của
nhân dân, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của Đảng, vai trò tập thể lãnh
đạo trong việc phát huy dân chủ; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng luôn
là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam... Vì vậy, Người thường
xuyên quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ
chức và đạo đức. Người nhắc nhở: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức,
để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải
trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp”. Trong Đảng phải nhất
quyết tẩy trừ cho bằng được tư tưởng sùng bái cá nhân, “không thể
nào dung túng tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả tai hại của nó”.
Trong Lời bế mạc Hội
nghị lần thứ chín (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (tháng
4/1956) khi nói về Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên
Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại hội đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc
Mác - Lênin về việc thực hiện lãnh đạo tập thể và phản đối sùng bái cá nhân… Về
vấn đề chống sùng bái cá nhân, chúng ta cần có sự nhận định toàn diện đối với đồng
chí Xtalin. Đồng chí Xtalin có công lao to lớn với cách mạng, nhưng cũng có sai
lầm nghiêm trọng. Đại hội đã dạy cho chúng ta một bài học phê bình và tự phê
bình rất dũng cảm...”.
Theo Hồ Chí Minh, những
thiếu sót và căn nguyên của tệ sùng bái cá nhân là: “Vì chúng ta còn
kém về trình độ lý luận và về mặt nắm tình hình thực tế. Vì trong Đảng ta chưa
xây dựng hẳn hoi các chế độ công tác thích hợp. Vì dân chủ nội bộ chưa thật mở
rộng; vì phê bình và tự phê bình chưa được phát huy, nhất là phê bình từ dưới
lên”. Nguyên nhân khách quan dẫn đến tư tưởng sùng bái cá
nhân là: “Đảng ta lớn lên trong hoàn cảnh thuộc địa và nửa phong kiến, một nửa
nước vừa mới thoát khỏi ách đế quốc và phong kiến, cho nên dễ bị những tư tưởng
xấu, tư tưởng không vô sản, ảnh hưởng vào trong Đảng”.
Hồ Chí Minh chỉ rõ
nguyên tắc Mác - Lênin trong lãnh đạo của Đảng và chống sùng bái cá
nhân: “Từ Trung ương đến chi bộ xã đều phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể,
cá nhân phụ trách; đều phải chống cái tệ sùng bái cá nhân và quan liêu mệnh lệnh;
đều phải thật thà tự phê bình và phê bình thẳng thắn; đều phải thật sự dân chủ”.
Muốn phòng chống tệ sùng bái cá nhân, Hồ Chí Minh cho rằng phải vận dụng tổng hợp, linh hoạt các hình thức và phương pháp; song, phương pháp giáo dục là chủ yếu: “Để sửa chữa hiện tượng sùng bái cá nhân, chủ yếu là dùng phương pháp giáo dục; đồng thời nâng cao vai trò của Đảng, của tập thể, của nhân dân”. Đối với nội bộ Đảng, Người nhấn mạnh: “Phải khắc phục hiện tượng thiếu tập thể, thiếu dân chủ, khắc phục tác phong quan liêu mệnh lệnh, phải nghe ngóng ý kiến của cán bộ và nhân dân”. Người cũng yêu cầu: “Trong nội bộ Đảng có dân chủ rộng rãi, đồng thời có kỷ luật nghiêm khắc. Người đảng viên phải khiêm tốn, thành khẩn. Không có đảng viên nào có thể đứng trên Đảng, tự cho mình là hơn Đảng”.
Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo
Trả lờiXóa