Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Ý NGHĨA HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC TẾ II ĐỐI VỚI PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ NHƯ THẾ NÀO?

 

Sự tồn tại và hoạt động của Quốc tế II có ý nghĩa như sau:

Một là, sự tồn tại và hoạt động của Quốc tế II ở giai đoạn đầu do Ph.Ăngghen lãnh đạo đã giúp cho các đảng dân chủ xã hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác; tạo ra những tổ chức công nhân có tính chất quần chúng rộng rãi, tập hợp, giáo dục họ để chuẩn bị lực lượng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra và giành chính quyền.

Hai là, Quốc tế II đã tích cực đấu tranh phê phán các trào lưu cơ hội xét lại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tạo điều kiện cho chủ nghĩa Mác thâm nhập vào phong trào công nhân và giữ địa vị thống trị trong các đảng dân chủ xã hội ở giai đoạn do Ph.Ăngghen lãnh đạo.

Ba là, Quốc tế II đã đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt, góp phần thúc đẩy phong trào công nhân phát triển sâu rộng. Đúng như V.I.Lênin đã khẳng định, Quốc tế II có vị trí, vai trò rất quan trọng, nó đánh dấu một thời kỳ chuẩn bị cơ sở để cho phong trào lan rộng trong quần chúng ở nhiều nước.

NGUYÊN NHÂN NÀO DẪN ĐẾN QUỐC TẾ II BỊ PHÁ SẢN ?

 

Quốc tế II phá sản xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:

 Một là, chủ nghĩa cơ hội xét lại làm phân hóa nội bộ giai cấp công nhân. Tình trạng “tư sản hoá” giai cấp công nhân, xuất hiện “tầng lớp công nhân quý tộc” do giai cấp tư sản sử dụng một phần nhỏ trong số lợi nhuận thu được để mua chuộc một số người thuộc tầng lớp trên của giai cấp vô sản, đảm bảo cho những người này trong thời bình có được một cuộc sống tiểu thị dân khá giả và bắt những thủ lĩnh của tầng lớp đó phục vụ cho chúng.

- Ba là, chủ nghĩa cơ hội xét lại “khoác áo mácxít, “hóa trang làm người mácxít”, “bọc đường chủ nghĩa cơ hội của mình bằng những câu chữ mácxít” nhưng chống lại những quan điểm mácxít trong Quốc tế II, tạo nên tính do dự, thiếu kiên định, dao động và lừng chừng về chính trị trong phong trào đấu tranh của công nhân.

­- Bốn là, chủ nghĩa cơ hội xét lại đưa các vấn đề chính trị chung, trừu tượng lên hàng đầu, làm lu mờ các vấn đề, nhiệm vụ cụ thể của cách mạng, đi ngược lại với tôn chỉ, mục đích của Quốc tế II.

Phái hữu do Béctanh đứng đầu đã công khai lên tiếng đòi xét lại chủ nghĩa Mác; Cho rằng, dưới chế độ tư bản công nhân không những không bị bần cùng, mà còn được thường xuyên cải thiện điều kiện hành động cùng với giai cấp tư sản tự do, nhờ đó mà có thể thu được thắng lợi to lớn hơn trong các cuộc tuyển cử và hoạt động nghị viện; nhiệm vụ chính của giai cấp công nhân là hoạt động nghị trường, câu “tuyên ngôn” xét lại nổi tiếng của Bextanh là: “phong trào là tất cả, kết quả cuối cùng là con số không”.

Phái giữa do Cauxki là phần tử của chủ nghĩa cơ hội dùng thủ đoạn “ôm hôn” chủ nghĩa Mác để bóp chết chủ nghĩa Mác. Cauxky cho chuyên chính vô sản chỉ là vấn đề cỏn con mà C.Mác nhỡ miệng nói có vài lần, chứ không có gì quan trọng; việc thực hành chuyên chính là nhiệm vụ của tương lai chứ chưa đặt ra trực tiếp, để đánh lạc hướng mục đích cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đầu thế kỷ XX.

V.I.Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế II, đóng góp quan trọng về lý luận thông qua các tác phẩm của mình, giáng những đòn quyết liệt vào chủ nghĩa cơ hội; chỉ cho phong trào công nhân con đường thoát ra khỏi chủ nghĩa cơ hội, tiến lên cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.

HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA QUỐC TẾ II BAO GỒM NHỮNG NỘI DUNG GÌ?

 

Hoạt động chủ yếu của Quốc tế II gồm những nội dung chủ yếu diễn ra qua hai giai đoạn như sau:

Giai đoạn thứ nhất những năm 90 của Thế kỷ XIX

 Quốc tế II trải qua 3 kỳ Đại hội: Đại hội ở Brúcxen (Bỉ) năm 1891; Đại hội ở Duyrích (Thụy Sỹ) năm 1893; Đại hội ở Luân đôn (Anh) năm 1896. Nội dung hoạt động của Quốc tế II thể hiện trên những vấn đề cơ bản là:

Một là, đấu tranh với chủ nghĩa vô chính phủ, thông qua một nghị quyết đặc biệt nêu rõ, chỉ những tổ chức công nhân thừa nhận sự cần thiết của hoạt động chính trị, kể cả hoạt động nghị trường mới được tham gia Đại hội quốc tế.

Hai là, kiên quyết lên án chủ nghĩa quân phiệt và phản đối âm mưu gây chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc. Vấn đề đấu tranh chia lại thuộc địa giữa các cường quốc luôn được đặt ra trên bàn hội nghị; các nước đế quốc đang ngấm ngầm chuẩn bị một cuộc chiến tranh; các tổ chức liên minh quân sự lần lượt ra đời.

Ba là, xác định phương pháp, hình thức đấu tranh của Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, nghị trường hợp pháp, nửa hợp pháp tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể và tương quan so sánh lực lượng; Song lấy đấu tranh chính trị và mục tiêu giành chính quyền là điều kiện tiên quyết. Để giành chính quyền thì việc tập hợp, giáo dục quần chúng là hết sức quan trọng vì sự nghiệp cách mạng là của quần chúng.

Giai đoạn từ năm 1896 đến năm 1914.

Sau khi Ph.Ăngghen mất (1895), Quốc tế II do Bécxtanh và Cauxki lãnh đạo từng bước rơi vào chủ nghĩa cơ hội, xét lại và phá sản.

- Về tư tưởng, Quốc tế II núp dưới ngọn cờ “tự do phê bình”, các phần tử cơ hội đòi xét lại toàn bộ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, như chuyên chính vô sản, cách mạng vô sản, liên minh giai cấp. Họ say sưa với đấu tranh nghị trường, hòa hợp giai cấp thực hiện khẩu hiệu “ Phong trào là tất cả, kết quả cuối cùng là con số không”.

- Về chính trị, Quốc tế II hoàn toàn trở thành tay sai cho chủ nghĩa đế quốc, bênh vực bao che cho hành động xâm lược của chủ nghĩa đế quốc dưới chiêu bài “khai hóa văn minh”, tán thành tăng ngân sách quân sự, quân sự hóa kinh tế, phát xít hóa bộ máy, tích cực chuẩn bị chiến tranh, kêu gọi giai cấp công nhân “bảo vệ tổ quốc” của giai cấp tư sản.

- Về tổ chức, Quốc tế II từng bước bị phân liệt thành phái tả, phái hữu và phái giữa, nội bộ mất đoàn kết, bè phái, chia rẽ. Có thể nói, khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất xảy ra thì Quốc tế II cũng hoàn toàn phá sản.

QUỐC TẾ II RA ĐỜI TRONG BỐI CẢNH PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ NHƯ THẾ NÀO?

 

Sau khi Công xã Pari năm 1871 thất bại, chủ nghĩa tư bản phát triển trong điều kiện tương đối hoà bình đã chuyển dần thành chủ nghĩa đế quốc. Phương Tây lúc này những cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã cơ bản hoàn thành; Phương Đông cách mạng dân chủ tư sản chưa tới.

Phong trào công nhân thời kỳ này có bước phát triển mới về chất, số lượng và chất lượng của giai cấp công nhân được tăng lên. Nhưng, đời sống vật chất, tinh thần của họ lại vô cùng cực khổ, tỷ lệ nghịch với sự phát triển kinh tế dưới chủ nghĩa tư bản.

Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển mạnh, bãi công kinh tế trở thành một hình thức đấu tranh quan trọng của phong trào công nhân cùng với đấu tranh nghị trường, đấu tranh hợp pháp là hình thức đấu tranh mới của phong trào công nhân thời kỳ này.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân tạo cơ sở xã hội cho sự hình thành, phát triển nhiều tổ chức công đoàn ở các nước với các quy mô từ cấp ngành, địa phương đến liên ngành, toàn quốc với tập trung, thống nhất cao. Sự phát triển công đoàn là một trong những nhân tố trực tiếp thúc đẩy sự ra đời các đảng xã hội dân chủ ở châu Âu, là cầu nối các mối liên hệ giữa đảng xã hội dân chủ với giai cấp công nhân.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và sự thâm nhập lý luận cách mạng chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân đã dẫn đến sự ra đời hàng loạt các đảng xã hội dân chủ.

Nắm bắt được yêu cầu của phong trào công nhân quốc tế, Ph.Ăngghen đã đứng ra tổ chức thành lập Quốc tế II vào ngày 14 tháng 7 năm 1889 tại Hội trường Pêtơren ở Pari thủ đô của Pháp với 390 đại biểu của 20 nước tham dự, chủ yếu là các nước châu Âu, Mỹ và Achentina.

PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ TỪ SAU CÔNG XÃ PARI NĂM 1871 ĐẾN CUỐI NHỮNG NĂM 70 CỦA THẾ KỶ XIX DIỄN RA TRONG BỐI CẢNH NHƯ THẾ NÀO?

 

Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ sau Công xã Pari năm 1871 đến cuối những năm 70 của thế kỷ XIX có những đặc điểm sau:

- Chủ nghĩa tư bản phát triển trong điều kiện tương đối hòa bình đã chuyển dần thành chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng dân chủ tư sản phương y đã cơ bản hoàn thành; Cách mạng dân chủ tư sản phương Đông chưa tới. Khoa học kỹ thuật và công nghiệp phát triển dẫn đến tình trạng kinh tế phát triển không đều, đảo lộn trật tự kinh tế thế giới, làm cho mâu thuân vốn có của chủ nghĩa tư bản ngày càng gay gắt, những mầm mống cho chiến tranh thế giới bắt đầu hình thành. Phong trào công nhân thời kỳ này có bước phát triển mới về chất: bãi công kinh tế trở thành một hình thức quan trọng, nét đặc trưng trong cuộc đấu tranh giai cấp của phong trào công nhân thời kỳ này. Đây là hình thức đấu tranh thường xuyên và đem lại cho giai cấp công nhân những thành quả nhất định về cải thiện chế độ tiền lương, thời gian lao động, điều kiện làm việc và đời sống sinh hoạt…

          - Đấu tranh nghị trường, đấu tranh hợp pháp là hình thức đấu tranh mới của phong trào công nhân. Tiêu biểu là phong trào công nhân Đức, được công nhân ở các nước châu Âu noi theo. Từ đó, “người ta bắt đầu ngày càng hiểu rõ rằng cần phải xem xét lại sách lược cũ. Đâu đâu người ta cũng theo công nhân Đức trong việc lợi dụng quyền bầu cử, trong việc dành lấy tất cả những vị trí có thể giành được”[1].



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, toàn tập, tập 1, Nxb ST, H.1970, tr.148

NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO CÔNG NHÂN QUỐC TẾ ỦNG HỘ CÔNG XÃ PARI LÀ GÌ?

 

Công xã Pari luôn được sự ủng hộ của giai cấp công nhân quốc tế với các hoạt động cụ thể sau đây:

Đó là sự hoạt động tích cực, kịp thời của Tổng hội đồng quốc tế, nổi lên trong đó là vai trò của C.Mác và Ph.Ăngghen. Hai ông là người lãnh đạo Tổng hội đồng và là những người ủng hộ Công xã một cách nồng nhiệt nhất, có trách nhiệm nhất; giúp Công xã không chỉ giới hạn ở sự vận động mà còn đóng góp những ý kiến có liên quan đến sách lược lãnh đạo và các hoạt động quân sự; đã góp ý kiến về những chính sách kinh tế của Công xã, đặc biệt về những sách lược liên minh giữa giai cấp vô sản và giai cấp nông dân. C.Mác đã đề nghị Công xã ra một sắc lệnh đặc biệt cho nông dân hoãn trả nợ cầm cố.

Phong trào công nhân ủng hộ, đoàn kết với giai cấp vô sản Pháp rất sôi nổi, mạnh mẽ và rộng khắp. Đi đầu là phong trào đoàn kết của công nhân Đức, sau đó đến công nhân Áo, Hung, công nhân Anh, Thụy Sĩ, công nhân các thành phố Bắc Mỹ và ở một số nước khác. Trong những ngày “tuần lễ đẫm máu” của Công xã, công nhân đã lợi dụng diễn đàn nghị viện để vạch trần sự tiếp tay bẩn thỉu của Bixmác cho chính phủ phản động Chie. Báo “Nhà nước nhân dân” - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội dân chủ, tuy bị phạt và tịch thu, nhưng khi nói về Công xã Pari vẫn dũng cảm trình bày những biện pháp của công nhân Đức bảo vệ chiến sĩ Công xã và vạch trần những luận điệu vu khống của giới báo chí phản động Đức. Mặc cho nhà cầm quyền đe dọa giải tán, đại hội thường kỳ của Đảng Xã hội dân chủ Đức vẫn bầy tỏ thái độ đoàn kết với Công xã.

Ở một số nước như Áo, Hung, Anh và cả các nước kể trên, công nhân đã có nhiều hình thức ủng hộ Công xã như mít tinh, biểu tình tưởng nhớ các chiến sĩ Công xã, đòi nhà cầm quyền của nước họ không giao nộp cho chính phủ Chie những chiến sĩ Công xã đang lánh nạn ở các nước. Đặc biệt, ở Thụy Sĩ công nhân đã in lời kêu gọi, lập đội võ trang dự định ủng hộ phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Nam nước Pháp. Công nhân ở một số nước đã biết kết hợp đưa yêu sách đấu tranh của mình gắn với nội dung đấu tranh bảo vệ sự nghiệp Công xã.

Nhiều chiến sĩ cách mạng của phong trào công nhân ở các nước đã trực tiếp cùng chiến đấu với giai cấp công nhân Pháp trong những ngày Pari sôi sục cách mạng, như Ba Lan, Hunggari, Nga … Phong trào quốc tế ủng hộ Công xã đã rất kịp thời và sâu rộng, không chỉ bằng tinh thần mà cả một phần xương máu của một số nhà cách mạng của các nước trực tiếp chiến đấu cùng Công xã. Trong đó, Tổng hội đồng quốc tế do C.Mác và Ph.Ăngghen lãnh đạo là trung tâm của sự đoàn kết, ủng hộ Công xã Pari.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CÔNG XÃ PARI LÀ GÌ?

 

Công xã Pari năm 1871 của giai cấp công nhân Pháp đã giành thắng lợi chỉ trong vòng 72 ngày. Đây là lần đầu tiên giai cấp vô sản bước lên vũ đài chính trị. Tuy thất bại, nhưng Công xã đã để lại cho giai cấp vô sản Pháp và thế giới những bài học kinh nghiệm sâu sắc và quý báu:

Bài học về sự cần thiết phải có sự lãnh đạo thống nhất của chính đảng cách mạng. Công xã Pari nổ ra tự phát, chưa có sự chuẩn bị một cách đầy đủ, chưa có cương lĩnh, chiến lược, sách lược cách mạng, chưa có mục đích rõ ràng, công việc diễn ra đến đâu thì làm đến đó, chưa có một chính đảng trực tiếp thống nhất lãnh đạo, cách mạng càng phát triển thì lại càng gặp phải khó khăn, bế tắc.

Bài học về thực hành chuyên chính vô sản. Đây là bài học nổi bật nhất của Công xã Pari. Công xã đã đem lại một kiểu mẫu nhà nước mới của giai cấp vô sản cả về thiết lập chuyên chính vô sản và cách thức tổ chức hoạt động của chính quyền cách mạng. Công xã Pari là một hình thức nhà nước sau cuộc cách mạng của giai cấp vô sản.

Bài học về kết hợp giải quyết nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ giai cấp. Thực chất đây là bài học về giương cao hai ngọn cờ dân tộc và giai cấp, là sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Hai nhiệm vụ đó hoàn toàn gắn bó chặt chẽ với nhau. Ở Công xã Pari, giai cấp vô sản đã cùng một lúc giải quyết hiệm vụ giải phóng dân tộc và nhiệm vụ giải phóng giai cấp.

Bài học về sử dụng bạo lực cách mạng và tư tưởng cách mạng tiến công. Đây là một vấn đề quan trọng về phương pháp cách mạng. Công xã chưa sử dụng triệt để bạo lực cách mạng, thiếu một tinh thần liên tục tiến công, thậm chí còn để cho tàn quân của Chie rút chạy khỏi Pari, tạo cơ hội cho chúng tập hợp tất cả những lực lượng phản động quay về tấn công lại Pari, tiến công vào Công xã và cuối cùng Công xã thất bại.

Bài học về liên minh công nông. Đây là vấn đề sống còn, vấn đề chiến lược của cách mạng vô sản. Đáng tiếc là Công xã đã không thực hiện được việc đó; đã thiếu mất sự phối hợp, sự ủng hộ của công nhân ở các thành phố khác, thiếu mối quan hệ liên minh trên thực tế với giai cấp nông dân.

TẠI SAO NÓI CÔNG XÃ PARI LÀ MỘT HÌNH THỨC NHÀ NƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN?

 

Công xã Pari là một hình thức nhà nước đầu tiên của chuyên chính vô sản, điều đó được chứng minh qua các hoạt động, chính sách mang lại lợi ích cho nhân dân lao động:

Về chính trị: Sau khi cuộc chiến đấu giữa các lực lượng cách mạng và phản cách mạng tạm thời kết thúc, Ủy ban Trung ương Đội cận vệ tuyên bố thả tất cả tù chính trị. Sắc lệnh đầu tiên là hủy bỏ quân đội thường trực, thay thế bằng việc vũ trang nhân dân, thủ tiêu lực lượng cảnh sát chính trị, giao lại nhiệm vụ này cho nhân dân. Công xã bãi bỏ các chức vụ quan lại của bộ máy chính quyền cũ, nêu lên nguyên tắc những người làm trong chính quyền mới đều phải do nhân dân bầu ra và phải chịu trách nhiệm trước dân và nhân dân có quyền bãi miễn chức vụ của họ.

Công xã Pari đã tổ chức bầu cử Hội đồng Công xã - cơ quan quyền lực do nhân dân lao động bầu ra và vì lợi ích của đa số nhân dân. Hội đồng Công xã bao gồm cơ cấu nhiều thành phần nhưng về thực chất nó là một nhà nước vô sản. Lập ra Hội đồng Công xã và các ủy ban. Những việc làm trên một mặt nhằm xóa bỏ triệt để bộ máy nhà nước của chế độ xã hội cũ, mặt khác hướng tới xây dựng ở tất cả các cấp những cơ quan quản lý chính quyền mang tính chất hoàn toàn mới: tính chất vô sản và chuyên chính vô sản.

Về kinh tế: Công xã đã dành một phần hoạt động quan trọng nhằm ổn định, cải thiện đời sống của công nhân và nhân dân lao động; giải quyết việc làm cho người thất nghiệp; nâng lương cho người có mức lương thấp, nhất là giáo viên; chuyển những người công nhân, lao động đang sinh sống trong các túp lều chật hẹp, bẩn thỉu đến ở những ngôi nhà của bọn giàu có; chuyển giao các xí nghiệp không hoạt động, vắng chủ cho các hội hợp tác của công nhân quản lý, giảm bớt tiền lương các viên chức nhà nước; trợ cấp tiền cho những gia đình gặp khó khăn; cũng ấn định mức lương của các nhân viên nhà nước không vượt quá mức lương của người công nhân.

Về văn hóa - xã hội: Đời sống tinh thần của nhân dân thủ đô được bảo đảm. Các rạp hát, chiếu bóng, viện bảo tàng, cung văn hóa và các nhà triển lãm đều mở cửa. Công xã quyết định tách giáo hội, nhà thờ ra khỏi bộ máy nhà nước, hệ thống nhà trường và đề ra một chế độ giáo dục lành mạnh, khoa học, chân chính cho con em người lao động. Thay thế cho chế độ giáo dục trước đây nhồi sọ những tư tưởng tôn giáo thần bí của các thầy dòng, cha cố.

Về an ninh trật tự: Trong những ngày Pari thuộc Công xã, thủ đô trở nên an toàn, không còn những vụ cướp giật, tống tiền như trước đó. Đời sống sinh hoạt của nhân dân thủ đô được bảo đảm an ninh, các tệ nạn xã hội đều bị lên án, loại khỏi đời sống xã hội.

Toàn bộ hoạt động của Công xã đã phản ánh lợi ích của đa số nhân dân lao động Pháp, mang đậm nét tính chất một nhà nước mới, tiêu biểu trong lịch sử từ trước tới nay - nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử.

CÔNG XÃ PARI NĂM 1871 DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

 

Dưới ách thống trị của nền Đế chế II, nhân dân lao động Pháp vô cùng cực khổ và đầy căm phẫn, mâu thuẫn giai cấp xã hội ngày càng tăng lên. Chính quyền Pháp đã gây ra chiến tranh với Phổ (19 tháng 7 năm 1870). Thủ đô Pari bị quân Phổ bao vây, Đế chế II tỏ ra bất lực, nhu nhược trong việc đấu tranh chống quân xâm lược Phổ. Sau khi Quốc hội và Chính phủ mới do Chie cầm đầu quỳ gối đầu hàng một cách nhục nhã kẻ xâm lược, thì đồng thời chúng lập tức chuyển sang tiến công các lực lượng cách mạng.

Ủy ban Trung ương của Đội cận vệ được thành lập đã ra lời kêu gọi không nộp vũ khí và không để chính phủ tước vũ khí do nhân dân trang bị cho các chiến sĩ cận vệ cách mạng. Lời kêu gọi đó được tất cả lính Cận vệ quốc gia và nhân dân Pari hưởng ứng. Rạng sáng ngày 18 tháng 3 năm 1871, theo kế hoạch của Chie, một đội quân chính phủ gần 6.000 người đã đến đồi Môngmáctơrơ để cướp đi 300 khẩu đại bác của lính Cận vệ. Lập tức, các chiến sĩ trong Đội cận vệ cùng nhân dân lao động xông lên đồi quyết giữ bằng được những khẩu súng do tiền của của nhân dân và công nhân Pari đóng góp.

Một bộ phận khá đông quân chính phủ đã đứng về phía cách mạng, không dùng vũ khí bắn vào nhân dân mà quay lại bắn vào những tên dẫn đầu cuộc cướp súng. Thừa cơ, Ban Chấp hành Trung ương Đội cận vệ quốc gia ra lệnh tiến quân vào trung tâm thủ đô Pari. Từ Môngmáctơrơ, từ Benlơvilơ và từ cả ngoại ô Xanhăng, toàn dân cùng các đơn vị Cận vệ và cả số quân chính phủ đã đứng về phía cách mạng, lập tức tiến đến trung tâm thủ đô. Quân cách mạng đã chiếm giữ những vị trí quan trọng như Tòa thị chính, nhà ga Oóclêăng và một số trại lính.

Vào 16 giờ ngày 18 tháng 3, khi nghe tin quân đội và nhân dân đã kết lại với nhau, cùng chung hành động cách mạng thì Chie hết sức hoảng hốt, lo sợ. Hắn đã ra lệnh rút tất cả quân lính còn lại ra khỏi thủ đô Pari và đưa cơ quan chính phủ về Vécxai để tránh những đòn sấm sét của lực lượng khởi nghĩa.

 Chiều 18 tháng 3, toàn bộ Pari về tay nhân dân. Những lá cờ đỏ cách mạng phấp phới tung bay trước Tòa thị chính và khắp các công sở của thủ đô Pari điểm giờ thắng lợi, chính quyền về tay Công xã và giai cấp công nhân Pari.

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ CỦA CÔNG XÃ PARI DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

 

Đến năm 70 của thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Pháp đã cơ bản hoàn thành, làm cho sản xuất và vận tải đường sắt tăng, ngân hàng phát triển mạnh, kèm theo đó là sự phát triển mạnh mẽ của thương nghiệp, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Tất cả những điều kiện đó đã mang lại cho giai cấp tư sản Pháp những nguồn lợi to lớn. Bên cạnh nguồn lợi to lớn thu được của giai cấp tư sản thì ngược lại, giai cấp vô sản Pháp lại càng bị bóc lột tàn tệ, nặng nề. Tình hình trên làm cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất ngày càng tăng, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản càng thêm gay gắt.

Giai cấp công nhân Pháp đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Quá trình đấu tranh chống giai cấp tư sản, họ đã dần ý thức được sự cần thiết phải thay đổi về căn bản chế độ chính trị đang tồn tại - nền Đế chế II và cũng đã có những khuynh hướng muốn thành lập các tổ chức bí mật. Phong trào công nhân còn mang nặng những tàn dư của chế độ lao động thủ công, ảnh hưởng tư tưởng của Pruđông và Bơlăngki. Việc Quốc tế I ra đời đã tác động tích cực, mạnh mẽ đối với phong trào công nhân.

Các tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ, đứng đứng trước nguy cơ bị phá sản buộc phải vay nặng lãi, bị chèn ép, kìm hãm và ngày càng bị lệ thuộc vào bọn chủ ngân hàng. Sự bất bình của họ đối với chế độ ngày càng tăng. Tầng lớp tư sản bị phá sản cũng tỏ rõ thái độ chống chính phủ đế chế và gia nhập Đảng Cộng hòa.

Các tầng lớp xã hội trước sức ép của chủ nghĩa tư bản đã vô cùng căm phẫn đối với chế độ của nền Đế chế II. Những cuộc mít tinh, biểu tình, bãi công mang tính chất quần chúng rộng rãi liên tiếp nổ ra. Trong đó tầng lớp nông dân phản ánh nỗi bất bình ngày càng tăng lên vì những gánh nặng thuế khóa của nhà nước tư sản và sự bóc lột tàn tệ của bọn địa chủ và bọn cho vay lãi.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến Công xã Pari năm 1871. Do bản chất phản động của Đế chế II, mâu thuẫn trong nước Pháp đã lên cao, cần đẩy mâu thuẫn ra ngoài, thông qua chiến tranh. Pháp đã gây chiến với Phổ, vì Phổ đang tranh giành thuộc địa và phản bội Pháp trong chiến tranh với Áo, có âm mưu thống nhất nước Đức bằng “sắt và máu”. Phổ cũng muốn diệt Đế chế II để chiếm thuộc địa và đánh tan trở lực thống nhất của Phổ mà Pháp muốn ngăn chặn.

Bixmác liên minh với Áo đánh Đan Mạch, sau đó tấn công luôn bạn đồng minh của mình. Để gạt bỏ nước Pháp, Bixmác âm mưu bày ra cái cớ để có thể đánh Pháp. Với việc đánh tráo bức thư của Vinhem I gửi cho Napôlêông III, có lời lẽ ngạo mạn, sỉ nhục, Bixmác đã khiến cho Napôlêông III tức giận tuyên chiến với Phổ. Lúc này, uy tín của vương triều Napôlêông III ở nước Pháp vốn đã sa sút lại càng làm tăng thêm tình trạng khủng hoảng toàn diện dẫn đến quần chúng đã nổi dậy khởi nghĩa lật đổ Đế chế II để thiết lập nền Cộng hòa.

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

TRÌNH BÀY NHỮNG GIÁ TRỊ CƠ BẢN CỦA QUỐC TẾ I?

 

Trải qua thời gian 12 năm tồn tại và hoạt động (1864 – 1876), Quốc tế I đã để lại những giá trị to lớn, có ý nghĩa đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế:

Quốc tế I là tiền thân của Quốc tế Cộng sản và phong trào cộng sản thế giới, là tiền đề để sau này Quốc tế II ra đời. Quốc tế I đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi bức thiết của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân trong điều kiện “khi giai cấp công nhân châu Âu đã lấy lại được đầy đủ sức lực” sau thất bại của cuộc cách mạng 1848-1849, để “mở một cuộc tấn công mới chống các giai cấp thống trị”. Sự ra đời và hoạt động tích cực của Quốc tế I đã để lại cho phong trào công nhân quốc tế một kho tàng kinh nghiệm quý báu về xây dựng một tổ chức công nhân quốc tế cả về tư tưởng và tổ chức mang tính chất công nhân rộng rãi.

Quốc tế I đã tiến hành thắng lợi việc truyền bá chủ nghĩa xã hội khoa học vào phong trào công nhân, xây dựng sự thống nhất giai cấp công nhân về tư tưởng và tổ chức trên phạm vi quốc tế. Sự liên hiệp bất diệt do Quốc tế I xây dựng được giữa những người vô sản ở tất cả các nước vẫn tồn tại và càng mạnh hơn bao giờ hết.

 Thông qua hoạt động của Quốc tế I, chủ nghĩa Mác bước đầu thâm nhập rộng rãi vào phong trào công nhân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và các trào lưu đối lập, chủ nghĩa Mác, trở thành hệ tư tưởng của giai cấp công nhân ngày càng phát triển sâu rộng. V.I.Lênin đã viết về vai trò lịch sử của Quốc tế I như sau: “Quốc tế I không thể bị lãng quên được, nó sống mãi trong lịch sử đấu tranh của công nhân nhằm tự giải phóng. Nó đã xây nền đắp móng cho lâu đài cộng hòa xã hội chủ nghĩa thế giới mà ngày nay chúng ta đang được vinh hạnh xây dựng” [1]



2.       V.I.Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 272.

TRÌNH BÀY NHỮNG HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA QUỐC TẾ I?

 

Quá trình tồn tại và hoạt động của mình, Quốc tế I đã tổ chức được 5 lần đại hội và 3 hội nghị, thông qua nhiều nội dung quan trọng:

Đại hội I, tổ chức ở Giơnevơ từ ngày 3 đến 9 tháng 9 năm 1866 có 60 đại biểu của 25 chi bộ tham gia. C.Mác không tham dự được nhưng đã chuẩn bị đầy đủ nội dung cho đại hội, vạch ra chương trình nghị sự, xây dựng bản thuyết trình, chuẩn bị nội dung tranh luận chống bọn theo phái Pruđông. Đại hội đánh dấu sự thắng lợi của nguyên lý mácxít, cương lĩnh và tổ chức trong nội bộ Quốc tế.

Đại hội II, họp ở Lôdan từ ngày 2 đến 8 tháng 9 năm 1867, có 63 đại biểu của 6 nước về dự. Hai vấn đề được Ban Chấp hành Trung ương quy định nêu ra trong đại hội là các biện pháp để cải biến Quốc tế I thành trung tâm chung cho cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản và ngân quỹ của công nhân.

Đại hội III, họp ở Brúcxen từ ngày 6 đến 13 tháng 9 năm 1868, thông qua nghị quyết xác nhận những quyết định của Đại hội Giơnevơ, mặc nhiên đó là những nghị quyết chống lại Pruđông . Đại hội ra nghị quyết khuyến khích công nhân tất cả các nước quan tâm nghiên cứu dịch và phổ biến rộng rãi tác phẩm “Tư bản” của C.Mác xuất bản năm 1867.

Đại hội IV, họp tại Balơ từ ngày 6 đến 11tháng 9 năm 1869, lần đầu tiên có đại biểu Mỹ tham dự. Trong đại hội, những người theo chủ nghĩa Mác và theo Bacunin xung đột nhau về vấn đề xóa bỏ quyền thừa kế nên vấn đề này không được thông qua. Sau đại hội, Bacunin mở chiến dịch vu cáo, xuyên tạc nội dung trên tờ báo “Bình đẳng”, và xúc tiến phá hoại các tổ chức chi bộ ở Thụy Sĩ và biến những chi bộ đó thành địa hạt chống phá chủ nghĩa Mác.

Đại hội V, lúc đầu không tổ chức được vì lý do chiến tranh Pháp - Phổ. Về sau được tổ chức họp tại Lahay từ ngày 2 đến 7 tháng 9 năm 1872, C.Mác và Ph.Ăngghen tham gia và lãnh đạo Đại hội. Tại đây đã diễn ra cuộc tranh luận kịch liệt chống phái Bacunin và lần này bọn Bacunin đã hoàn toàn thất bại. Đại hội quyết định khai trừ Bacunin ra khỏi Quốc tế I.

Theo quyết định của Đại hội, một bản báo cáo chi tiết về những hoạt động chia rẽ của phái Bacunin được công bố. Đại hội Lahay đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa Mác về mặt tư tưởng và tổ chức đối với những khuynh hướng cơ hội tiểu tư sản và chủ nghĩa bè phái. Sau khi Công xã Pari bị thất bại, theo đề nghị của C.Mác, Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế I đã rời trụ sở sang Mỹ và đến năm 1876 tại Hội nghị Philađenphi, Quốc tế I chính thức tuyên bố giải tán.

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA QUỐC TẾ I LÀ GÌ?

 

Sau cách mạng 1848-1849 ở châu Âu, chủ nghĩa tư bản có bước phát triển mới. Kinh tế phát triển đã củng cố chế độ chính trị phản động của giai cấp tư sản, giai cấp nông dân phá sản trở thành “đội quân hậu bị” của công nghiệp và trở thành giai cấp vô sản.

Phong trào công nhân ở châu Âu vẫn phát triển ngày càng lớn mạnh. Nhờ những bài học kinh nghiệm rút ra từ cách mạng 1848 - 1849, giai cấp công nhân đã giác ngộ, trưởng thành về mọi mặt, báo hiệu một sự phát triển mới. Năm 1863, “Liên đoàn công nhân toàn Đức” được thành lập do F.Látxan làm chủ tịch. Song về lý luận, F.Látxan đã sa vào chủ nghĩa cơ hội. Ông từ bỏ cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân, phủ nhận khả năng liên minh với nông dân, chỉ tán thành đấu tranh bằng con đường hòa bình và đấu tranh nghị trường.

Năm 1860 phong trào công nhân Anh cũng diễn ra sôi nổi, Hội công nhân Luân Đôn thành lập năm 1863, Tổng công đoàn mỏ của Anh ra đời. Lúc này ở Anh chưa có một trung tâm toàn quốc của các công đoàn nên phong trào vẫn bị chia rẽ và hoạt động không thống nhất. Ở Đức, phong trào công nhân cũng đã trỗi dậy, công nhân tiên tiến Đức kiên quyết đặt vấn đề xây dựng một tổ chức độc lập, nhằm thực hiện việc giáo dục chính trị cho giai cấp vô sản.

Trước sự trưởng thành về chính trị của giai cấp vô sản, tổ chức “Đồng minh những người cộng sản” không còn đủ sức lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản và đã giải tán năm 1852. C.Mác và Ph.Ăngghen đã nắm được thời cơ và tình hình của phong trào công nhân quốc tế, ra sức vận động thành lập tổ chức quốc tế của giai cấp vô sản. Sau những lần gặp gỡ những nhà cách mạng của giai cấp công nhân tiên tiến ủng hộ C.Mác và Ph.Ăngghen, hai ông đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức quốc tế của giai cấp vô sản ra đời. Ngày 28-9-1864, Hội liên hiệp công nhân quốc tế  (Quốc tế I) đã được thành lập tại Xanhmáctanh thuộc Luân Đôn.

NHỮNG BÀI HỌC CỦA CÁCH MẠNG 1848 - 1849 Ở CHÂU ÂU LÀ GÌ?

 

Mặc dù cách mạng 1848-1849 ở châu Âu thất bại, song đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế:

Một là, đã phơi bày đầy đủ bản chất chính trị của các giai cấp trong xã hội. Giai cấp tư sản đã bộc lộ tính chất phản cách mạng. Giai cấp tiểu tư sản và nông dân là lực lượng xã hội to lớn, có tinh thần cách mạng nhưng thiếu kiên định, lập trường bấp bênh dễ dao động. Chỉ giai cấp vô sản là có tinh thần triệt để cách mạng nhất. Mặc dù còn non kém về nhiều mặt, song lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp vô sản đã bước lên vũ đài chính trị với tư cách là một giai cấp độc lập và bước đầu đã nắm quyền chủ động, thúc đẩy cách mạng tiến lên không ngừng.

Hai là, đã  kiểm nghiệm thực tiễn tất cả các trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa lúc đó. Nó đã chứng minh hùng hồn rằng chỉ có học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen - học thuyết dựa trên nền tảng xã hội vững chắc là phong trào công nhân là duy nhất đúng, khẳng định chỉ có lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác mới đảm bảo là vũ khí tư tưởng, định hướng đấu tranh cho giai cấp vô sản.

Ba là, đã làm sâu sắc hơn mâu thuẫn đối kháng giai cấp. Các mâu thuẫn cơ bản nhất của xã hội tư bản bộc lộ bản chất, đã giúp giai cấp vô sản gạt bỏ những mơ hồ, ảo tưởng của mình đối với giai cấp tư sản. Vì thế, những trận chiến đấu quyết liệt hơn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản không thể tránh khỏi. Cách mạng 1848-1849 đã dọn đường, chuẩn bị địa bàn cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, để lại bài học về liên minh giai cấp. Để giành thắng lợi trong cách mạng, giai cấp vô sản phải liên minh với các lực lượng dân chủ tiến bộ khác, đặc biệt là liên minh với nông dân, một lực lượng xã hội đông đảo, phải tìm cách lôi kéo họ về phía mình, tách họ ra khỏi ảnh hưởng của giai cấp tư sản và các thế lực phản động khác. Giai cấp vô sản phải sử dụng bạo lực cách mạng để “đập tan”, “phá hủy”  bộ máy nhà nước của giai cấp tư sản, thiết lập nền chuyên chính cách mạng của giai cấp công nhân.

TRÌNH BÀY DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ CỦA CÁCH MẠNG 1848 - 1849 Ở ĐỨC?

 

Cuối tháng 2 năm 1848, phong trào cách mạng nổ ra ở các bang miền Nam và miền Tây nước Đức. Nông dân nổi dậy chống lại địa chủ trong vùng, đốt giấy tờ, số sách của chúng, đòi xóa bỏ các đặc quyền chế độ phong kiến. Đầu tháng 3, phong trào công nhân ở Muyních, Baden đấu tranh đòi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, hội họp, đầu phiếu và đòi vũ trang cho nhân dân. Trước sức đấu tranh của quần chúng, chính quyền phong kiến đã phải nhượng bộ. Giai cấp tư sản tự do được mời nắm chính quyền, chế độ kiểm duyệt được bãi bỏ, quyền tự do hội họp được ban bố.

Ngày 3 tháng 3 năm 1848, “Đồng minh những người cộng sản” đã tổ chức ở Côlônhơ một cuộc biểu tình lớn với 5.000 công nhân thợ thủ công tham gia. Những người biểu tình đưa ra yêu sách rất quyết liệt, đòi chuyển giao quyền lập pháp cho nhân dân, quy định quyền bầu cử phổ thông; vũ trang cho toàn dân thay cho quân đội thường trực, ban hành những quyền tự do dân chủ…

Ngày 17 tháng 3 năm 1848, quần chúng nhân dân ở Béclin đấu tranh đòi nhà vua phải bãi bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí, rút quân khỏi Béclin. Trước khí thế cách mạng sôi nổi đó, nhà vua buộc chấp nhận, nhưng không chịu rút quân đội ra khỏi Béclin. Quần chúng tiếp tục đấu tranh, hô vang các khẩu hiệu “đả đảo binh lính”, “đả đảo quân phiệt”… Ngày 18 tháng 3 năm 1848, nhà vua điều quân đội đàn áp biểu tình, sau 3 giờ chiến đấu, gần 2.000 chiến lũy được dựng lên khắp các đường phố, những trận giao chiến quyết liệt nổ ra. Sau 16 giờ chiến đấu ác liệt, nhân dân Béclin, mà nòng cốt là công nhân đã giành được thắng lợi và để đổi lấy thắng lợi họ hy sinh 230 người, đa số là công nhân. Vua Đức Vimhem IV đã buộc phải chấp nhận đưa những thi thể liệt sĩ vào cung vua và yêu cầu nhà vua phải cúi đầu tưởng niệm họ, phải chấp nhận vũ trang cho nhân dân, bãi miễn chính phủ nhà vua, thành lập chính phủ mới do đại biểu của giai cấp tư sản tự do đứng đầu.

Đứng trước phong trào cách mạng đang sôi sục, giai cấp tư sản thỏa hiệp với nhà vua chống lại cách mạng và giai cấp vô sản. Do sự phản bội của giai cấp tư sản, ngày 14 tháng 6, giai cấp vô sản và quần chúng cách mạng ở Béclin lại vùng dậy đấu tranh. Một trận quyết chiến đẫm máu đã xảy ra giữa công nhân với bọn cảnh sát và dân binh tư sản. Chính quyền tư bản đã đàn áp đẫm máu và đẩy lùi công nhân.

Bọn quý tộc phong kiến Đức nắm được thời cơ chuyển sang phản công lại giai cấp tư sản. Với 50 nghìn quân được điều đến Béclin, tháng chạp năm 1848, vua Vinhem IV làm đảo chính lật đổ chính phủ tư sản, lập lại nội các mới bao gồm toàn bộ bọn phong kiến phản động. Quốc hội tư sản bị giải tán, chế độ quân chủ chuyên chế được thiết lập trở lại ở Đức, cách mạng hoàn toàn thất bại.

DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ CỦA CÁCH MẠNG 1848 - 1849 Ở PHÁP LÀ GÌ?

 

Tháng 2 năm 1848, quần chúng nhân dân thủ đô Pari, nòng cốt là những người công nhân đã xuống đường biểu tình đòi cách chức thủ tướng Ghiđô, đòi cải cách và tổng tuyển cử, khiến vua Lui Philíp phải thoái vị và chạy trốn sang Anh, cách mạng đã giành được thắng lợi bước đầu. Chính phủ lâm thời được thành lập gồm tuyệt đại đa số đại biểu của giai cấp tư sản, có hai đại biểu của giai cấp vô sản, còn lại là đại biểu của những người tiểu tư sản.

Ngày 25 tháng 2, trước áp lực của nhân dân và thái độ kiên quyết của đại biểu giai cấp vô sản, khẩu hiệu nước cộng hòa Pháp “tự do, bình đẳng, bác ái” được đưa ra. Giai cấp công nhân đòi thành lập các “công xưởng quốc gia” để giải quyết công ăn việc làm cho những người thất nghiệp, giai cấp tư sản đã chấp nhận yêu sách này và thu hút tới 10 vạn người trong các công xưởng ấy. Giai cấp công nhân đã tiếp tục chiến đấu, nhiều cuộc bãi công nổ ra trong năm 1848 tại các trung tâm công nghiệp lớn với những khẩu hiệu: “chế độ cộng hòa muôn năm”, “đả đảo bọn tư sản”.

Khi đã củng cố được vị trí của mình, giai cấp tư sản bắt đầu chuẩn bị tìm mọi cách thủ tiêu phong trào dân chủ vô sản. Bằng nhiều âm mưa, thủ đoạn xảo trá, gian lận, giai cấp tư sản đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến. Trước tình hình đó, quần chúng khắp nơi đã nổi dậy phản đối, song giai cấp tư sản sử dụng quân đội, thậm chí cả hỏa lực pháo binh đàn áp phong trào cách mạng.

Đến tháng 5 năm 1848, giai cấp vô sản do Raxpai, Blăngxki và Anbe đứng đầu đã tổ chức biểu tình lớn gồm hàng chục nghìn người tham gia, song, giai cấp tư sản đã thẳng tay đàn áp. Các đội vệ binh lưu động ở Pari và các tỉnh lân cận được điều đến đàn áp giai cấp công nhân, Raxpai, Blăngxki và Anbe bị bắt.

 Tháng 6 năm 1848, những hành động khiêu khích của giai cấp tư sản đã đẩy công nhân đi tới cuộc khởi nghĩa lớn. Số người tham gia khởi nghĩa lên tới 40 - 45 nghìn, dưới sự chỉ huy của một bộ tham mưu vừa được lập ra ở các khu phố. Chính phủ tư sản đã điều tướng Cavainhắc, một tên tướng tàn ác, dùng cả lực lượng pháo binh đàn áp quần chúng khởi nghĩa, kẻ thù đã dìm khởi nghĩa của công nhân trong biển máu. Cuộc khởi nghĩa tháng Sáu của giai cấp vô sản đã thất bại

Ngày 10 tháng Chạp, cuộc bầu cử tổng thống đã diễn ra và Lui Bônapáctơ trúng cử. Giữa lúc ấy, ở Pari đã có sự hoạt động của những người xã hội chủ nghĩa. Hoảng sợ trước khí thế của quần chúng và sự đối lập của “phái Núi” trong quốc hội, “Đảng trật tự” đã ra tay đàn áp phong trào. Trong bối cảnh đó, Lui Bônapáctơ khéo lừa phỉnh nhân dân Pháp, mua chuộc quân đội, gây chia rẽ trong nội bộ “Đảng trật tự”… điều quân đội chiếm giữ tất cả các vị trí trọng yếu của Pari, tước vũ khí của các đội vệ binh quốc gia, bắt giam tất cả thủ lĩnh của các đảng phái đối lập, giải tán Quốc hội Lập hiến, thâu tóm mọi quyền hành trong tay. Ngày 2 tháng Chạp năm 1851, Lui Bônapáctơ làm chính biến và tuyên bố lên ngôi hoàng đế, lập nên nền đế chế thứ hai, cuộc cách mạng Pháp đến giai đoạn này tạm thời lắng xuống.

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG 1848-1849 Ở CHÂU ÂU LÀ GÌ?

 

Nửa đầu thế kỷ XIX, tại nhiều nước châu Âu, chủ nghĩa tư bản đã chuyển từ giai đoạn công trường thủ công sang sản xuất công xưởng. Sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất làm cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời và từng bước được xác lập vững chắc ở Anh, Pháp và đang ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nước khác.

Phong trào công nhân có bước phát triển mới về chất: chính đảng đầu tiên của giai cấp vô sản là “Đồng minh những người cộng sản” được thành lập với cương lĩnh chính trị là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; giai cấp vô sản đã tích lũy được những kinh nghiệm qua các cuộc đấu tranh độc lập đầu tiên.

 Lúc này, giai cấp vô sản chịu nhiều tầng áp bức bị bóc lột rất nặng nề đời sống khổ cực, mọi quyền tự do, dân chủ bị bóp nghẹt… Mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với chế độ chuyên chế phong kiến và với giai cấp tư sản ngày càng sâu sắc. Giai cấp vô sản đã sẵn sàng vùng dậy lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập nền cộng hòa, đòi quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trình độ giác ngộ giai cấp của họ còn nhiều hạn chế, còn ảo tưởng, trông chờ vào giai cấp tư sản, mơ hồ về bản chất của chúng.

Từ năm 1845 đến năm 1847, ở châu Âu liên tiếp diễn ra các cuộc khủng hoảng kinh tế. Nạn sâu bệnh và mất mùa lúa mì, khoai tây, gây ra tình trạng thiếu đói ở nhiều nước như: Ai Len, Đức, Ý, Áo, Pháp, Phần Lan…Khủng hoảng trong các ngành công thương nghiệp nổ ra một cách trầm trọng vào năm 1847, dẫn đến nạn thất nghiệp lan tràn, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

Khủng hoảng kinh tế đã làm sâu sắc, trầm trọng thêm khủng hoảng về chính trị vốn đang âm ỷ trong xã hội. Các mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt, đẩy quần chúng lao động trước tình trạng không thể duy trì cuộc sống như cũ nữa, họ đã quyết tâm vùng dậy làm cách mạng. Một bộ phận giai cấp thống trị cũng hoang mang dao động, một bộ phận trong giai cấp muốn có những thay đổi trong hình thức thống trị để xoa dịu bớt mâu thuẫn đang ngày càng quyết liệt.

Tình thế cách mạng đã chín muồi, hội tụ đầy đủ các yếu tố trên các lĩnh vực của đời sống  xã hôi. Cách mạng đầu tiên nổ ra ở Pháp, ở Đức, sau lan dần sang các nước châu Âu.

TẠI SAO NÓI TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN LÀ CƯƠNG LĨNH ĐẦU TIÊN CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN THẾ GIỚI?

 

Tháng 2 năm 1848, thay mặt cho “Đồng minh những người cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăngghen là người soạn thảo Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Tuyên ngôn được xem là cương lĩnh chính trị đầu tiên của giai cấp vô sản, bởi vì:

 Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã trình bày một cách hệ thống những vấn đề lý luận, thực tiễn về vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; vai trò của đảng cộng sản; những nguyên tắc chiến lược, sách lược của đảng cộng sản, cùng thái độ của đảng cộng sản đối với các đảng đối lập.

 Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã xác định những nguyên tắc, nhiệm vụ cơ bản của giai cấp vô sản: Chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng nhất có sứ mệnh lịch sử thủ tiêu chủ nghĩa tư bản xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân phải do chính giai cấp công nhân đảm nhiệm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân; để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp vô sản phải tiến hành đấu tranh cách mạng, dùng bạo lực lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản, tổ chức giai cấp mình thành giai cấp thống trị, từng bước xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu; giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc; người cộng sản phải giữ vững tính độc lập của giai cấp mình, phải tiến hành cách mạng không ngừng; thống nhất thực hành khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại!”.

 Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời đánh dấu bước nhảy vọt về chất trong lịch sử tư tưởng nhân loại, đã cung cấp cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng và nhân sinh quan cộng sản. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời đánh dấu sự hình thành của chủ nghĩa Mác nói chung và chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng. Đó là hệ tư tưởng cách mạng, khoa học của giai cấp công nhân quốc tế, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân.

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

VAI TRÒ CỦA C.MÁC VÀ PH.ĂNGGHEN ĐỐI VỚI SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN NHƯ THẾ NÀO?

 

C.Mác và Ph.Ăngghen có vai trò rất lớn trong việc chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng - lý luận và tổ chức nhằm đưa phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đi đến thắng lợi. Đặc biệt là đối với sự ra đời của “Đồng minh những người cộng sản”, được thể hiện trên các nội dung như sau:

C.Mác và Ph.Ăngghen thông qua hàng loạt các tác phẩm, đặt cơ sở lý luận cho sự hình thành học thuyết Mác. Từ năm 1844 đến năm 1847, các tác phẩm viết chung và riêng của hai ông như: “Lời nói đầu góp phần phê phán triết học pháp quyền Hêghen, “Gia đình thần thánh”, “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”; “Hệ tư tưởng Đức”, “Luận cương về Phoiơbắc”… đã trình bày những vấn đề cơ bản về triết học đứng trên thế giới quan, lập trường của giai cấp vô sản, lập trường cộng sản.

C.Mác và Ph.Ănghen là người sáng lập và đề ra mục đích hoạt động “Đồng minh những người cộng sản”. Hai ông đã đồng ý tham gia “Liên đoàn những người chính nghĩa” với điều kiện “Liên đoàn” phải được cải tổ. Việc cải tổ “Đồng minh những người chính nghĩa” được thực hiện tại Đại hội I vào tháng 6 năm 1847. Đại hội đã quyết định thành lập cơ quan xuất bản, báo chí; khai trừ những người theo Vaitơlinh ra khỏi “Liên đoàn”. 

C.Mác và Ph.Ăngghen là người soạn thảo Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa xã hội khoa học, bước đầu kết hợp chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân. Tháng 2 năm 1848, Cương lĩnh của “Đồng minh những người cộng sản” được công bố ở Luân Đôn dưới hình thức một bản tuyên ngôn - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Từ đây, giai cấp công nhân đã có lý luận cách mạng soi đường để thực hiện mục tiêu cuối cùng của những người cộng sản là xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.

QUÁ TRÌNH RA ĐỜI CỦA “ĐỒNG MINH NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN” NHƯ THẾ NÀO?

 

Năm 1836 tổ chức “Liên đoàn những người chính nghĩa” được thành lập ở Pari, do những người thợ thủ công lưu vong của Đức sáng lập. Tổ chức này do Baue, Vaitơlinh, Gimôn và Sáppe lãnh đạo. Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, lúc này “Liên đoàn” bộc lộ không còn phù hợp cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, do đó đòi hỏi phải có một tổ chức mới phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu mới của phong trào công nhân.

Năm 1847, C.Mác và Ph.Ăngghen tham gia “Liên đoàn những người chính nghĩa” và được mời tham gia tiến hành cải tổ “Liên đoàn”. Việc cải tổ được thực hiện tại Đại hội I vào tháng 6 năm 1847 ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh. Đại hội đã quyết định đổi tên “Liên đoàn những người chính nghĩa”  thành “Đồng minh những người cộng sản”; thành lập cơ quan xuất bản, báo chí; khai trừ những người theo Vaitơlinh ra khỏi “Đồng minh”. Đại hội đã tiến hành thảo luận dự thảo điều lệ mới, sau đó phân phát cho các chi bộ, lấy ý kiến và sẽ thông qua ở đại hội tới. Đại hội quy định cơ quan cao nhất của Đồng minh là đại hội được triệu tập thường kỳ, Ban Chấp hành Trung ương thực hiện quyền chấp hành.

Đại hội II của “Đồng minh những người cộng sản” được tổ chức ở Luân Đôn vào đầu tháng 12 năm 1847. Thông qua “Đồng minh”, C.Mác, Ph.Ăngghen và các cộng sự kiên quyết bảo vệ những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản và đấu tranh bảo vệ các quan điểm của mình; đồng thời, thông qua Điều lệ quy định nguyên tắc tổ chức của “Đồng minh những người cộng sản” là nguyên tắc tập trung dân chủ. Qua đó, “Đồng minh những người cộng sản” chính thức trở thành một đảng cách mạng của giai cấp vô sản, có điều lệ, tiêu chí, mục đích rõ ràng. “Đồng minh những người cộng sản” đã giao cho C.Mác và Ph.Ăngghen trực tiếp viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, văn kiện chính trị quan trọng của những người cộng sản.

CÁC CUỘC ĐẤU TRANH ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN CỦA GIAI CẤP VÔ SẢN CÓ Ý NGHĨA GÌ?

 

Các cuộc đấu tranh độc lập đầu tiên của giai cấp vô sản tuy thất bại, nhưng đã để lại nhiều giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại sâu sắc:

Đã chứng tỏ chủ nghĩa tư bản ngay từ khi mới ra đời, khi còn tiến bộ đã chứa đầy mâu thuẫn và chỉ có giai cấp công nhân mới có thể giải quyết được mâu thuẫn đó bằng đấu tranh cách mạng. Giai cấp công nhân quốc tế đã trở thành lực lượng chính trị độc lập, triệt để cách mạng. Từ đây giai cấp vô sản trên toàn thế giới bắt đầu đứng trên vũ đài chính trị, với tư cách là giai cấp đối kháng trực tiếp về lợi ích với giai cấp tư sản.

Đã phản ánh mâu thuẫn đối kháng trong xã hội tư bản được bộc lộ. Ngay từ khi ra đời, giai cấp vô sản đã là lực lượng đối lập với giai cấp tư sản. Từ đây đánh dấu giai cấp vô sản sẽ là lực lượng tiên phong đi đầu trực tiếp đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, là lực lượng đối kháng trực tiếp về mọi mặt đối với giai cấp tư sản.

Khẳng định cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp, giai cấp vô sản ngày càng lớn mạnh, thực sự là giai cấp tiên tiến, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, được tôi luyện có tinh thần cách mạng triệt để, tinh thần kỷ luật nhất và tính quốc tế vô sản cao cả.

Chính từ sự phát triển của phong trào công nhân lúc này cho phép và đòi hỏi phải có lý luận tiên phong soi đường mới có thể giành thắng lợi triệt để. Đây là tiền đề cơ sở cho sự ra đời của học thuyết Mác - học thuyết cách mạng và khoa học của giai cấp vô sản toàn thế giới. Học thuyết Mác sẽ thâm nhập vào phong trào vô sản với tư cách là vũ khí lý luận tiên phong dẫn đường cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân về sau này.

NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI CỦA CÁC CUỘC ĐẤU TRANH ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN CỦA GIAI CẤP VÔ SẢN Ở CHÂU ÂU NHỮNG NĂM 30 - 40 THẾ KỶ XIX LÀ GÌ?

 

Các cuộc đấu tranh độc lập đầu tiên của giai cấp công nhân các nước châu Âu diễn ra, mà tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của công nhân dệt Pháp, ở Đức và Phong trào Hiến chương ở Anh song cuối cùng đều thất bại do các nguyên nhân chủ yếu sau:

Giai cấp công nhân mới ra đời, còn non trẻ, chưa phát triển toàn diện về mọi mặt, chưa có một chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Giai cấp công nhân chưa được tổ chức chặt chẽ, các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh còn riêng lẻ, tự phát trong phạm vi hẹp, chưa có mối liên hệ và tập hợp lực lượng một các quy mô có tổ chức với nông dân và công nhân ở các thành phố khác.

Các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chưa có hệ tư tưởng tiên tiến dẫn đường, chưa có lý luận tiên phong. Những phong trào đấu tranh, khởi nghĩa diễn ra cơ bản là tự phát, mang tính quần chúng là chủ yếu, chưa có tổ chức chặt chẽ. Trong phong trào chưa có sự thống nhất về tư tưởng và sách lược, phong trào chưa thuần nhất là phong trào vô sản, còn hỗn tạp nhiều thành phần, chưa phản ánh và phát huy tối đa sức mạnh của giai cấp công nhân.

Giai cấp tư sản lúc này đang lên, trở thành giai cấp trung tâm, đóng vai trò là lực lượng tiến bộ xã hội, có tiềm lực mạnh, đang tăng cường sức mạnh để củng cố địa vị thống trị xã hội của mình, do đó bằng mọi cách ra sức trấn áp các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Yếu tố thời đại lúc này cũng chưa cho phép giai cấp vô sản đứng vững trên vũ đài chính trị của mình, cần có thời gian nhất định chuẩn bị “vật chất” và “tinh thần”, nhất là công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức.

VAI TRÒ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN QUA PHONG TRÀO HIẾN CHƯƠNG Ở ANH (1835-1848) LÀ GÌ?

 

Vào những năm 30 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Anh phát triển tương đối mạnh mẽtạo nên cảnh bần cùng về đời sống vật chất lẫn tinh thần của công nhân. Cho nên, lúc này giai cấp công nhân cần nhu cầu tham gia chính quyền để có tiếng nói, nhằm cải thiện đời sống của mình và góp phần cải tạo chế độ xã hội.

Năm 1835, một nhóm thợ thủ công đã lập ra Hội công nhân Luân Đôn, nhằm đấu tranh cho quyền phổ thông đầu phiếu của mình. Tháng 5 năm 1835 những người lãnh đạo Hội đã soạn thảo bản Hiến chương với nội dung đề xuất việc thi hành quyền phổ thông đầu phiếu, bãi bỏ tiêu chuẩn tài sản để được bầu làm nghị sĩ, bỏ phiếu kín phân đều các khu vực bầu cử… Dần dần phong trào có nhiều lực lượng khác trong xã hội xã hội cùng tham gia hưởng ứng. Từ năm 1837 đến năm 1838, xuất hiện thêm các tổ chức chính trị của công nhân như: Hội dân chủ Luân Đôn và Đại liên minh miền Bắc. Những tổ chức này cũng hoạt động theo các mục tiêu của phong trào Hiến chương. Năm 1839 phong trào có thêm sự ủng hộ đông đảo của công nhân ở Anh và Xcốtlen.

Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Phong trào Hiến chương ở Anh khai mạc vào ngày 4 tháng 2 năm 1839 đã thông qua bản kiến nghị về cải cách bầu cử. Kết quả, đến tháng 5 năm 1839 đã thu được 1,28 triệu chữ ký vào bản kiến nghị đòi chính phủ phải thực hiện những yêu sách, nếu không sẽ tổ chức đấu tranh bằng bạo lực. Bản kiến nghị của giai cấp vô sản đưa ra đã bị Quốc hội bác bỏ. Do đó, giai cấp vô sản đã tổ chức phát động đấu tranh bằng bạo lực.

Ngày 17 tháng 7 năm 1839, khởi nghĩa đã chính thức nổ ra ở Bớcminham, nhưng 2 ngày sau đã bị giai cấp tư sản dập tắt, cuối năm ấy phong trào Hiến chương tạm thời lắng xuống. Đến năm 1842, Phong trào Hiến chương lại được tiếp tục dấy lên mạnh mẽ và đã tổ chức lấy được 3,5 triệu chữ ký vào bản kiến nghị, nhưng cũng không đạt được kết quả. Từ năm 1847 đến 1848, một cao trào mới của phong trào Hiến chương lại nổi lên rầm rộ khắp nơi. Lần này bản kiến nghị đòi cải cách quyền bầu cử và thu được nhiều chữ ký nhất, có tới hơn 5 triệu người đã ký vào bản kiến nghị, một lần nữa nghị viện tư sản lại bác bỏ. Những kiến nghị chỉ là những yêu cầu của giai cấp công nhân, trên thực tế các nội dung đó đều không được giai cấp tư sản đáp ứng.

Những thất bại trong việc đưa kiến nghị đã làm cho Phong trào Hiến chương bị suy yếu, nội bộ nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng, vì vậy đến đầu những năm 50 của thế kỷ XIX phong trào chính thức tan rã.

CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA CÔNG NHÂN DỆT THÀNH PHỐ XILÊDI Ở ĐỨC ( 1844) DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

 

Vào đầu thế kỷ XIX, trong lúc các nước như Anh, Pháp đã có nền công nghiệp tương đối phát triển thì ở Đức vẫn còn trong tình trạng trật tự phong kiến, nửa phong kiến, sản xuất công nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Đến những năm 30 - 40 của thế kỷ XIX, nhờ những thành tựu của nền công nghiệp mà các vùng như Ranh, Vétsphalen, Xácxôni, Xilêdi trở thành những khu công nghiệp mới và xuất hiện giai cấp vô sản hiện đại. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đức phải sống dưới hai tầng áp bức bóc lột của phong kiến và tư bản, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, những cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cũng bắt đầu từ đây.

Mở đầu cho phong trào đấu tranh có tính chất quần chúng rộng rãi là cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt thành phố Xilêdi năm 1844. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khởi nghĩa là do thợ dệt ở Xilêdi bị bóc lột thậm tệ bởi chủ tư bản, mặt khác họ lại phải đóng thuế cho bọn địa chủ mới được dệt vải. Do đó, đời sống của công nhân lao động vô cùng cực khổ, đã có nhiều người thợ đã chết vì cảnh thiếu đói. Tình cảnh đó được thể hiện qua bài hát “Tòa án đẫm máu” phản ánh nỗi phẫn uất của giai cấp công nhân, bài hát đã được một người công nhân hát lên trước nhà tên chủ xưởng Xôvanh Xighê. Bài hát đã cổ vũ và lôi cuốn được đông đảo công nhân tham gia hưởng ứng.

Ngày 4 tháng 6 năm 1844, công nhân kéo đến đập phá máy móc, nhà xưởng, kho tàng của tên chủ xưởng Xôvanh Xighê. Ngày 5 tháng 6 năm 1844, công nhân dệt Xilêdi tham gia khởi nghĩa đã tuần hành từ Pêtêvan đau đến Langhenbilan và công nhân tiếp tục đập phá máy móc nhà xưởng, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra phạm vi rộng. Trước tình hình đó, chính quyền tư sản đã lập tức điều quân đội và cảnh sát đến đàn áp cuộc khởi nghĩa, công nhân đã đứng lên chống lại lực lượng của giai cấp tư sản, trong cuộc đấu tranh oanh liệt đó có gần 70 công nhân dệt bị bắt, bị tra tấn dã man.

Cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt Xilêdi bị chính quyền giai cấp tư sản đàn áp, dập tắt một cách dã man, song có thể khẳng định đây là cuộc đấu tranh có tính chất quần chúng rộng rãi đầu tiên ở Đức.