Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

ĐẢM BẢO TÍNH NHANH NHẠY, KỊP THỜI TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC

Trước hết, cần xác định rõ, đối tượng tiến hành các hoạt động xuyên tạc, chống phá bao gồm cả tổ chức lẫn cá nhân, vừa là các thế lực thù địch ở các nước vừa là một bộ phận người dân thiếu hiểu biết. Khi tiến hành đấu tranh với các đối tượng, phương pháp phải linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên quyết, tránh sự áp đặt, nêu cao tinh thần đối thoại, lắng nghe và tôn trọng. Không tránh né vấn đề nhạy cảm. Qua đối thoại và tranh luận, tính đúng đắn trong đường lối của Đảng sẽ được khẳng định, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội sẽ được tăng cường.

Từ thực tiễn cho thấy, trước các vấn đề chính trị - xã hội nhạy cảm, dù mức độ phức tạp đến đâu nếu thông tin kịp thời, minh bạch để người dân hiểu đúng chủ trương của Đảng thì mọi việc được giải quyết ổn thỏa, bức xúc sẽ được giải tỏa. Ngược lại, dù sự việc không quá phức tạp, mức độ bức xúc chưa cao nhưng nếu thông tin không kịp thời, chậm trễ, không nhất quán, định hướng dư luận không tốt thì sự việc dễ trở thành phức tạp, làm nóng lên bởi nhiều yếu tố trái chiều trong xã hội. Vì vậy, công tác thông tin đối ngoại cần có sự chủ động, nhanh nhạy trong nhận biết các âm mưu, thủ đoạn và phân tích, kịp thời đưa ra được luận điểm phản bác thông tin sai lệch.

Để đấu tranh hiệu quả với các luận điệu sai trái, công tác thông tin đối ngoại cần: (1) Trang bị cho mình các cơ sở lý luận, luận cứ khoa học và thực tiễn để khẳng định được tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; (2) Cung cấp đầy đủ dẫn chứng bằng tính hiệu quả trong thực thi, sự đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế, học giả và các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước đối với các quyết sách của ta; (3) Chỉ rõ sự bất hợp lý, sai lầm trong quan điểm và tính phản khoa học trong các luận điệu mà các thế lực thù địch, cơ hội đưa ra.

Sau khi hình thành được lập luận khoa học, chính xác thì phải quyết định rõ kênh phản bác chính (tuyên truyền miệng, đối thoại trực tiếp hay phản bác trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trên mạng Internet) để có thể tối đa hóa nguồn lực, nâng cao mức độ hiệu quả. Việc theo dõi phản ứng của dư luận trong và ngoài nước cần được chú trọng thường xuyên. Phản ứng của dư luận là thước đo, đánh giá chính xác tính hiệu quả, tính chiến đấu của thông tin. Từ đó, nhanh chóng tìm ra những điểm còn hạn chế, thiếu sót để nhanh chóng khắc phục hoặc rút ra bài học kinh nghiệm.

2 nhận xét:

  1. Mọi âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động và các thế lực thù địch nhất định sẽ bị lột trần và thất bại

    Trả lờiXóa