Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

KHÔNG ĐỂ “THÁNG GIÊNG LÀ THÁNG ĂN CHƠI”

Người dân Việt Nam bước vào những ngày tháng Giêng năm Tân Sửu sau khi được đón một cái Tết an toàn. Mặc dù năm nay có khá nhiều người không thể về nhà đoàn tụ với người thân trong gia đình trong dịp năm mới, một số người phải sống trong các khu cách ly, thậm chí một số địa bàn bị phong tỏa, nhưng không khí đón Tết ở Việt Nam nhìn chung vẫn vui vẻ, lạc quan. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo đầy đủ, không ai bị lãng quên, bỏ rơi trong những ngày Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc.

Thông thường mọi năm không khí Tết vẫn còn kéo dài nhiều ngày trong tháng Giêng với những hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội, tụ tập ăn uống, nhưng năm nay điều đó sẽ không xảy ra. Nguyên nhân đầu tiên là do đại dịch Covid. Đợt bùng phát bắt đầu từ cuối năm ngoái dù đã cơ bản được kiểm soát tại 12/13 tỉnh, thành phố có dịch, nhưng tình hình vẫn đang có những diễn biến khá phức tạp, với nguy cơ lây nhiễm cao và khó dự đoán, nhất là khi người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc sau những ngày Tết.

Chính phủ đã quyết định tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí không cần thiết. Tại một số địa bàn, các mặt hàng kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu như quán cafe, karaoke, cửa hàng ăn uống… sẽ bị đóng cửa, các điểm di tích sẽ không đón khách tham quan. Nhiều lễ hội năm này sẽ không được tổ chức, trong đó Lễ hội Chùa Hương nổi tiếng.

Ngày 18-2, tại cuộc họp đầu tiên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Không nên vui Tết kéo dài, ngủ quên trên thắng lợi mà phải tập trung cao độ vào việc tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch Ccovid, không để ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế.

Cách đây mấy ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải “làm việc cật lực” ngay trong tháng Giêng. Có lẽ đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có yêu cầu cao như vậy tại cuộc họp đầu năm của Chính phủ.

Không phải tự nhiên mà các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ Việt Nam năm nay lại có những thông điệp mạnh mẽ như vậy trong những ngày đầu năm mới. Việt Nam hiện nay đang ở bước ngoặt mang tính lịch sử với rất nhiều cơ hội để bứt phá. Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới, tình hình chính trị – kinh tế vĩ mô ổn định; an ninh, trật tự xã hội bảo đảm, Việt Nam đang trở thành miền đất có sức hấp dẫn lớn đối với đầu tư nước ngoài. Sau những thành công trong việc khống chế đại dịch Covid được hình ảnh, uy tín của Việt Nam đang lên cao. Cùng với thành công tốt đẹp của Đại hội XIII, hơn lúc nào hết, Việt Nam đang tụ hội đầy đủ các yếu tố “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”. Đây chính là lúc cần tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực và tranh thủ thời gian để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để vươn lên.

“Không để tháng Giêng là tháng ăn chơi”, là yêu cầu thường được những người đứng đầu Chính phủ nhắc đến trong dịp đầu năm, nhưng thay đổi một tập tục, một thói quen lâu năm không hề là một chuyện dễ dàng. Tình trạng “Đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” diễn ra hết năm này đến năm khác và không chỉ ở các cơ quan nhà nước, mà còn ở nhiều doanh nghiệp.

Từ bao đời nay, người dân Việt Nam quan niệm rằng sau một năm làm việc vất vả thì tháng Giêng phải là tháng dành cho nghỉ ngơi, tụ tập, vui chơi, giải trí, lễ hội… Các hoạt động văn hóa, lễ hội sau Tết Nguyên đán là nét văn hoá truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam mà ở địa phương nào, vùng miền nào cũng có, một phần để giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui.

Chẳng ai nghĩ đến chuyện xóa bỏ những truyền thống văn hóa, lễ hội của dân tộc, nhưng làm sao để duy trì những giá trị truyền thống đó một cách hợp lý, phù hợp với thời cuộc lại là một vấn đề cần được suy nghĩ nghiêm túc. Thời gian và cơ hội không chờ đợi ai nếu tư duy và những thói quen cũ không được thay đổi Làm sao để “tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi” không chỉ là quyết tâm hay khẩu hiệu suông, mà phải trở thành hiện thực. Và cũng không chỉ cho năm nay mà còn cho những năm tiếp theo./.

2 nhận xét:

  1. Thời gian và cơ hội không chờ đợi ai nếu tư duy và những thói quen cũ không được thay đổi

    Trả lờiXóa